Vụ phá rừng để kịp... thi hoa hậu: Khi 'cơ chế đặc thù' coi thường pháp luật

24/04/2017 - 15:57

PNO - Thông tin 116 ha rừng phòng hộ tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên) vừa bị xóa sạch khiến nhiều người choáng váng trước cách làm việc coi thường pháp luật, bất chấp sinh mạng người dân của các cơ quan chức năng tại tỉnh này.

Nếu bạn chưa hình dung được 116 ha rộng đến mức nào thì câu trả lời là tương đương với 162 sân bóng đá tiêu chuẩn hay hơn 11.500 căn nhà (trung bình 100m2) tại TP.HCM.

Vu pha rung de kip... thi hoa hau: Khi 'co che dac thu' coi thuong phap luat
Các máy xúc, ủi đang ngày đêm hoạt động để dự án kịp với... cuộc thi Hoa hậu.

Chỉ trong nửa năm, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Yên, những hàng phi lao tuổi đời hơn 30 năm ven biển xã An Phú, vốn giữ nhiệm vụ phòng hộ - chắn cát, chắn gió xâm thực từ biển, bảo vệ đời sống người dân đã bị đốn hạ không thương tiếc, lấy mặt bằng để chuẩn bị xây dựng khu du lịch cao cấp, làm sân golf, khách sạn...

Theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ 20 ha đất rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng đều phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Chuyện công khai phá rừng tại Phú Yên đương nhiên chưa hề được Thủ tướng thông qua. Thậm chí, khi rừng đã tan nát bởi sự xâu xé của các phương tiện cơ giới, thì đánh giá tác động môi trường của dự án cũng chưa hề được Bộ TN-MT phê duyệt.

Theo xác nhận của PGĐ Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, Công ty New City Việt Nam (NCV) hiện vẫn chưa chính thức được giao khu đất này, nhưng với tư cách chủ đầu tư (CĐT) dự án, NCV đã thuê Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên tiêu diệt rừng. Số gỗ phi lao thu được đã chuyển cho Sở Tài chính Phú Yên bán.

Nhờ “thành tích” chặt cây đó mà doanh nghiệp này và CĐT đã được lãnh đạo tỉnh Phú Yên tặng bằng khen. Sai phạm rành rành như thế, nhưng nói như Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa - Võ Ngọc Kha, thì dù Tuy Hòa là chủ rừng và chính ông Kha đã yêu cầu phải dừng triển khai dự án cho đến khi có đầy đủ giấy phép, nhưng cuối cùng vẫn bất lực vì: “Đây là dự án của tỉnh chỉ đạo” và “Mấy anh đề nghị tạo điều kiện cho CĐT sớm triển khai”.

Các cơ quan chuyên môn của Phú Yên, từ Sở TN-MT đến Sở KH-ĐT dù biết dự án đang triển khai trái pháp luật vẫn phải trơ mắt nhìn NCV tự tung tự tác, bởi mọi thứ đều đã được UBND tỉnh Phú Yên “bảo kê” theo kiểu tiền trảm hậu tấu - một tay phá rừng, tay kia lập hồ sơ xin phép, như thể chắc chắn dự án sẽ được Chính phủ phê duyệt, chắc chắn Bộ TN-MT và Thủ tướng sẽ phải chấp nhận sự đã rồi của quan tỉnh.

Vu pha rung de kip... thi hoa hau: Khi 'co che dac thu' coi thuong phap luat
Hàng phi lao này đã 30 năm tuổi.

Không lý do nào có thể bao biện được cho hành vi hiểu rõ luật mà vẫn cố tình phớt lờ của UBND tỉnh Phú Yên, kể cả lý do phải cấp bách triển khai dự án để quảng bá các điểm du lịch của địa phương nhân cuộc thi Hoa hậu hữu nghị ASEAN sẽ diễn ra từ tháng Sáu - Bảy tại tỉnh này.

Nếu nói trồng cỏ trên diện tích đất vừa bị cày nát để tạo cảnh quan thì cảnh quan rừng phi lao ven biển vẫn có tác dụng lớn hơn, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Chưa kể, phương án trồng rừng thay thế cho 116 ha phi lao bị đốn hạ đã được NCV đánh đổi bằng cách nộp 6 tỷ đồng cho tỉnh.

Mỉa mai là chỉ chưa đầy một tháng trước, vụ việc HTX nông nghiệp Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa, Phú Yên) chặt 100 cây phi lao trong diện tích rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý bị người dân phát hiện và lãnh đạo huyện Đông Hòa đã tuyên bố sẽ xử lý nghiêm tập thể và cá nhân vi phạm.

HTX nông nghiệp Hòa Hiệp Bắc đã bị phạt 50 triệu đồng vì khai thác rừng trái phép, tịch thu 5m3 gỗ và bị buộc phải trồng lại 55 cây phi lao. Ngoài ra, các lãnh đạo của HTX đều bị kỷ luật về mặt Đảng. Phải chăng cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý được một HTX khi họ chặt 100 cây rừng, nhưng bất lực trước một doanh nghiệp dọn sạch cả một khu rừng?

Xin được nói thêm là, hiện tất cả các chủ dự án và đơn vị có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại Phú Yên đều đang bị thanh tra theo quyết định của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), sau khi báo chí rầm rộ đưa tin về việc UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty cổ phần chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên hơn 350 ha rừng (gồm 273ha rừng tự nhiên và rừng trồng đang tái sinh) để… nuôi bò và hiện nhiều diện tích rừng trong khu vực này đã bị xóa trắng, bất chấp lệnh cấm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ và việc dự án không hề có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cũng tương tự vụ chặt rừng làm sân golf, phục vụ thi hoa hậu; vụ phá rừng để… nuôi bò, cũng được UBND tỉnh Phú Yên giải thích, vì đây là dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược nên “phải có cơ chế đặc thù”. Nhưng, cơ chế đặc thù nào, nhà đầu tư chiến lược nào và bao nhiêu tỷ có thể sánh được với sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi những khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ mất đi?

Bao nhiêu sân golf, bao nhiêu hoa hậu hay bao nhiêu con bò có thể bảo vệ người dân trước nguy cơ lụt bão năm nào cũng đổ xuống mảnh đất này? Và trên hết, bao nhiêu tiền là đủ để phá vỡ niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật?

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI