Vụ phá cửa, khống chế người phụ nữ đi test COVID-19: Có thể tố giác những hành vi nào?

29/09/2021 - 06:27

PNO - Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng hãng Luật Gia Đình) nhận định vụ việc trên có dấu hiệu “xâm phạm chỗ ở của người khác” và “có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật”.

Xem xong đoạn clip và theo dõi thông tin liên quan trên báo Phụ Nữ TPHCM về việc đoàn liên ngành của phường Vĩnh Phú (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) có hành vi phá cửa, khống chế bằng cách khóa trái tay chị H.T.P.L (38 tuổi) tại chung cư Ehome 4 đi test COVID-19, tôi cho rằng những hành vi trên có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chị L. bị lực lượng chức năng phường Vĩnh Phú phá cửa căn hộ, khống chế đưa xuống sân chung cư để test COVID-19. Ảnh cắt từ clip.
Chị L. bị lực lượng chức năng phường Vĩnh Phú phá cửa căn hộ, khống chế đưa xuống sân chung cư để test COVID-19 (Ảnh cắt từ clip)

Đoàn liên ngành này gồm công an phường, cảnh sát cơ động, dân phòng… do ông Võ Thanh Quan - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban phòng chống dịch COVID-19 của phường Vĩnh Phú dẫn đầu.

Đối với hành vi không chịu đi test COVID-19 của chị L., theo quy định tại khoản 2, điểm a, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm” như sau:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm”.

Căn cứ theo quy định trên và Nghị nghị định 117/2020 thì trong trường hợp chị L. không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền… thì chỉ bị phạt hành chính từ 1 triệu tới 3 triệu đồng, không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Do vậy, lực lượng vào thực hiện việc cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài, theo tôi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với những hành vi của đoàn liên ngành, qua đoạn clip có thể thấy những người này không có quyết định khám xét, quyết định cưỡng chế hoặc các quyết định khác để phá cửa vào nhà nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi khi chưa có sự cho phép của chủ nhà, xâm nhập vào nhà và kéo giữ chủ nhà ra ngoài.

Những người này cũng không phải thực hiện các mệnh lệnh hành chính hay theo trình tự tố tụng theo Luật tố tụng hành chính hoặc tố tụng hình sự.

Theo quy định tại điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.

Điều này cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân. Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín…

Những hành vi như “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ” có dấu hiệu vi phạm Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Ngoài ra, cũng cần xem xét hành vi liệu có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật không? Tôi cho rằng việc cưỡng chế một phụ nữ khi chưa có quyết định cưỡng chế, với lực lượng hùng hậu làm cho trẻ em khóc thét trong nhà như vậy cho thấy sự phản cảm và chưa phù hợp pháp luật.

Chúng ta khi thực hiện bất kỳ công việc gì đều phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ Hiến pháp. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp.

Do vậy, vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ, nếu có bằng chứng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm minh.

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Võ Thanh Quan - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban phòng chống dịch COVID-19 của phường Vĩnh Phú - cho biết việc khống chế chị L. đi test COVID-19 bởi vì tại chung cư đã có 2 ca dương tính xuất hiện trong cộng đồng và do chị L. đã 2 lần không chịu test, đến nay là lần 3 nên cơ quan chức năng phải cố gắng đưa chị này ra test.

Việc này trước tiên cũng vì sức khỏe của chị L., nếu có phát hiện dương tính với COVID-19 sẽ được lên phương án điều trị, sau đó là sức khỏe của những người khác trong chung cư.

Luật sư Trần Minh Hùng

(Trưởng hãng Luật Gia Đình)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI