Sáng 29/9, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, chị H.T.P.L (38 tuổi) - người phụ nữ trong đoạn clip bị lực lượng chức năng phá cửa, xông vào cưỡng chế tại chung cư Ehome 4 - cho biết, hôm nay hai tay mình đang bị đau nhiều sau khi bị cảnh sát cơ động khóa trái tay đưa đi test COVID-19.
|
Lực lượng phường xông vào căn hộ, cưỡng chế người dân đi test COVID-19? |
"Sau khi vụ việc xảy ra đến nay, phía chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái liên hệ với gia đình tôi để có thông tin chính thức. Ảnh hưởng về sức khỏe thì không đáng ngại nhưng tổn hại về tinh thần của hai mẹ con mới là điều khiến tôi bức xúc. Mẹ con tôi vẫn đang cảm thấy rất lo lắng”, chị L. chia sẻ.
"Sao nhiều người đập phá nhà mình như vậy mẹ?"
Chị L. kể lại, sáng 28/9, chị đang dạy yoga online cho các học viên thì nghe tiếng đập cửa rất mạnh. Thông thường giờ này chẳng có ai giao hàng gì cả, thỉnh thoảng có hàng xóm sang cho gì đó thì họ để ở cửa gõ cửa nhẹ nhàng chứ không đập cửa như vậy. Do trong nhà dạy online nên cũng khá ồn, chị không biết ai đang ở bên ngoài nên hỏi có gì không thì họ bảo đi ra test COVID-19. Chị L. trả lời rằng mình đang giờ dạy nên chưa ra được.
Tiếp đó họ leo lên chỗ cửa sổ nói vào, chị L. tiếp tục trả lời rằng mình đã tự test âm tính rồi, không có nhu cầu ra test cộng đồng vì sợ nguy cơ lây nhiễm chéo khi tập trung đông người.
“Lần test cuối cùng với họ là lúc đó mình không khóa cửa nên họ tự động vào nhà. Tôi thấy không an toàn khi có quá nhiều người trong nhà mình. Tôi nói không ra test cộng đồng thì họ bảo sẽ đem que test lên làm tại cửa nên tôi chấp nhận. Còn hôm qua là tôi khẳng định không ra được lúc này vì không thể cắt ngang bài dạy”, chị L. nhớ lại.
|
Hình ảnh chị L. bị các cảnh sát cơ động khống chế sau khi cửa căn hộ bị phá - Ảnh cắt từ clip. |
Sau đó, từ bên trong nhà, chị L. nghe tiếng phá cửa nên dùng điện thoại quay phim lại để làm bằng chứng. Lúc đầu chị quay rõ mặt người xông vào nhà nhưng sau đó tay bị khóa ngược ra sau nên chỉ còn tiếng. Khi lực lượng chức năng xông vào, chị L. bị khống chế đưa xuống sân chung cư test COVID-19.
Trong lúc bị không chế ngồi test COVID-19, chị L. có nghe một người trong đoàn mặc áo sơ mi trắng nói lớn “rượu mời không uống muốn uống rượu phạt”. Sau đó thì có tiếng người khác quát rằng “Tôi lập biên bản xử phạt chị bây giờ, chị chống người thi hành công vụ hả?”.
Người phụ nữ này khá xúc động khi nhắc đến việc mình bị khống chế thô bạo trước mặt con. "Từ hôm qua đến nay, bé có biểu hiện lo sợ, buồn bã khi chứng kiến sự việc và hay khóc. Bé luôn hỏi tôi sao người ta lại phá nhà mình và bắt mẹ vậy? Tức là trong mắt của bé, hình ảnh của người lớn méo mó”, chị L. bật khóc khi nói với phóng viên.
Sẽ khởi kiện
Chị L. khẳng định, việc chị quay clip và đăng lên mạng xã hội là để mọi người cùng thấy được vụ việc như thế nào. Còn việc chị từ chối ra test cộng đồng, nếu sai thì sẽ có pháp luật xử lý chứ họ không có quyền hành xử với công dân như vậy. Sau khi lập biên bản chị L., lực lượng phường Vĩnh Phú đang tạm giữ giấy CMND của chị để hẹn ngày làm việc.
“Sau khi dịch bớt căng thẳng, tôi sẽ làm đơn khởi kiện lên tòa án để những người liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, chị L. khẳng định.
Chị L. cho biết thêm, sau khi xảy ra vụ việc, chị đăng tải đoạn clip căn hộ bị phá cửa lên trang cá nhân thì đến chiều cùng ngày công an địa phương đến mời chị làm việc, lập biên bản việc đăng tải này.
Nội dung cơ bản trong đó xác nhận vào thời điểm trên, tài khoản chính chủ chị L. có đăng tải đoạn clip với nội dung đoàn lực lượng của phường Vĩnh Phú đã thực hiện việc mở cửa, khống chế đưa chị đi test COVID-19.
Chị nói rõ: “Họ lập biên bản nhưng không cho tôi giữ bản sao nào, không được chụp hình lại, tôi chỉ có đọc và ký vào thôi. Họ yêu cầu tôi gỡ đoạn clip đó xuống vì nó vi phạm quy định. Nhưng tôi khẳng định mình đăng đúng sự thật nên tôi không gỡ”.
“Một số người khuyên tôi đừng kiện làm gì, nhưng tôi muốn cái gì ra cái đó, tôi sai thì tôi chịu, trắng đen rõ ràng” - chị L. nói.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, đối với hành vi không chịu đi test COVID-19 của chị L., theo quy định tại khoản 2, điểm a, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm, chị L. có thể chỉ bị phạt hành chính từ 1 triệu tới 3 triệu đồng, không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Do vậy, lực lượng vào thực hiện việc cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài, theo tôi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu “xâm phạm chỗ ở của người khác” và “có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật”. |
Trường Nguyên