"Anh Tốn nói nước không sao nhưng tôi đến nơi thì... mùi khủng khiếp"
Trả lời về vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong thời gian qua, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm. Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh đúng là nước đó có mùi khét thì mình phải chịu trách nhiệm”.
Ông Ninh cũng thông tin thêm, vị trí khu vực xung quanh nguồn nước rất lớn, khoảng 16km2 nên chủ đầu tư lắp camera, cử lực lượng công an cũng không thể bảo vệ cẩn thận nguồn nước. Do đó, vấn đề đặt ra là nhà máy phải kiểm soát đầu vào của nguồn nước.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Đăng Ninh – Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình |
Về phía tỉnh Hòa Bình, địa phương đang đề nghị công ty nước sạch phải lấy nước mặt sông Đà làm nguồn chính. Công ty phải bơm nước từ sông Đà lên bể chứa, từ đó mới bơm lên lọc rồi chuyển về Hà Nội. Còn hiện tại, nguồn nước chủ yếu lấy ở hồ Đầm Bài, diện tích hồ rộng nên khi mưa, nước lưu vực chảy xuống nhiều.
Trước dư luận cho rằng việc xử lý ban đầu của các cơ quan chức năng còn chậm trễ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Hoà Bình cho biết, với trách nhiệm trên địa bàn, khi nhận được thông tin thì cán bộ cũng đi xác định ở những vị trí gây ô nhiễm, đồng thời thuê đơn vị xử lý.
“Tôi cũng gặp anh Tốn (ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà – PV), anh Tốn cũng rất băn khoăn vì tất cả thông số không có vấn đề gì. Nhưng thực tế, người dân thấy mùi khét rất ghê. Chính tôi đến ở điểm bên ngoài nhà máy thì thấy mùi rất khủng khiếp” – ông Trần Đăng Ninh nói.
Nước sạch và vệ sinh môi trường cần được chú trọng
Bày tỏ bức xúc về vụ việc, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường là lĩnh vực rất cần thiết được Chính phủ và từng người dân quan tâm, vì ảnh hưởng đến sức khoẻ của từng người dân, chiến lược phát triển KT-XH.
Vấn đề vi phạm nước sạch, vệ sinh môi trường trong thời gian qua, đặc biệt là trong vụ việc xảy ra tại Hà Nội, nguyên nhân cơ bản là do các doanh nghiệp quản lý nước thiếu chặt chẽ.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương |
Ông Phương cũng cho rằng, qua vụ cố vừa qua đặt ra yêu cầu an ninh nguồn nước cần được chú trọng hơn nữa. Vì nguồn nước để các nhà máy xử lý nước sạch sử dụng thường lấy từ các hồ. Các hồ thì lấy từ nhiều nơi đổ về, trong khi đó không có biện pháp rào chắn, bảo vệ nguồn nước. Ví dụ nuôi trâu bò hay động vật, nước thải của gia đình xung quanh xả thải ra môi trường, chảy vào nguồn nước... gây ô nhiễm.
Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp phép cung cấp nước sạch cho người dân phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đồng thời có giải pháp tích cực để đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn nước. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh cung cấp nước sạch phải xây dựng được hệ thống lọc nước đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, nước thành phẩm đạt chuẩn chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân.
Ngoài việc kiểm soát tốt chặt chẽ chất lượng nguồn nước đầu vào và đầu ra, việc tuyên truyền cho người dân xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cần được đặt ra thường xuyên. Từng ngành, lĩnh vực, địa phương phải có cam kết giữa cá nhân với tổ chức trong việc sử dụng, khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời người dân phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện thấy cá nhân, tổ chức nào xả thải vào nguồn nước cần báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý.
Cùng chung suy nghĩ trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập trong thời gian qua.
Từ vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình đặt ra câu hỏi đối với nguồn nước mặt trên cả nước, liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo khi ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân. Trong khi đó, việc xử lý vụ việc của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
|
Đại Biểu Nguyễn Văn Hòa – Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp |
Ông Hòa mong rằng sự cố vừa qua là bài học kinh ghiệm chung cho những cá nhân, tổ chức; đồng thời mong cơ quan các cấp, chính quyền địa phương từ Trung ương đến cơ sở phải quan tâm nhiều hơn đối với sức khỏe người dân trên tất cả các lĩnh vực.
Hệ thống quan trắc nước sạch còn hạn chế
Nói về sự cố ô nhiễm nguồn nước, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, sau vụ nước bị nhiễm bẩn thì người dân quan tâm hơn và đặt ra câu hỏi là liệu có xảy ra lần nữa hay không. Cũng qua việc này, thành phố, sở ngành phải rút kinh nghiệm, đồng thời đưa ra các điều kiện cụ thể về công nghệ, quy trình buộc các công ty tham gia cấp nước sạch phải tuân thủ.
“Thành phố phải rà soát lại để không xảy ra sự cố nữa. Thành phố 10 triệu dân, sự cố vừa rồi là rất đáng tiếc”– ông Hoàng Trung Hải cho biết.
Thực tế cho thấy, hệ thống quan trắc nước sạch còn hạn chế, nên bất cứ ở đâu việc mất an ninh an toàn nguồn nước cũng có thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu sự cố xảy ra, hệ thống nào sẽ phát hiện ra?
Ở đây đặt ra câu chuyện phải chia trách nhiệm, chứ không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra hoặc phát hiện ra mà xử lý lúng túng như trường hợp vị lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà nói là phát hiện đổ dầu thải vào nguồn nước rồi nhưng không biết nên dừng cấp nước hay không.
“Phân phối đi từng cấp cũng phải có quan trắc để phát hiện. Anh cung cấp nước thì phải đảm bảo, chịu trách nhiệm trước người dân về chất lượng. Anh chịu trách nhiệm bằng cách nào thì anh phải giải trình với cơ quan nhà nước. Yêu cầu phải quan trắc tự động mấy lần các công đoạn, đồng thời lấy mẫu thủ công phòng khi quan trắc tự động hỏng. Tất cả phải rà soát lại hết, quy trình, quy phạm hoá nó đi”- ông Hoàng Trung Hải nói.
An Vũ