Vụ nữ sinh lớp 7 sinh con trong nhà tắm: Trẻ không biết không có lỗi, nhưng người lớn không biết càng nặng tội

15/01/2021 - 05:32

PNO - Cô con gái bị xâm hại ở tuổi 14 dẫn đến mang thai, rồi vượt cạn một mình trong phòng tắm, mà người mẹ không hay biết, phải cắt nghĩa thế nào đây?

Người mẹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu không hề hay biết gì về quá trình con gái học lớp 7 quen biết, hẹn hò với bạn qua mạng xã hội, cho đến khi nghe tiếng khóc oe oe của bé sơ sinh từ phía phòng tắm nhà mình vào rạng sáng 3/1.

Chạy xuống xem chuyện gì, người mẹ bàng hoàng trước cảnh tượng con gái đang ôm một bé sơ sinh, vừa cắt dây rốn, máu tươi bê bết. Nếu không có tiếng khóc chào đời ấy, thì đến bao giờ người mẹ mới biết được những biến cố kinh thiên động địa đã xảy ra với chính con gái mình?

Ngôi trường nơi nữ sinh học cho tới lúc gần sinh con
Ngôi trường nơi nữ sinh lớp 7 học cho tới lúc gần sinh con

Cô con gái bị xâm hại ở tuổi 14 dẫn đến mang thai, rồi vượt cạn một mình trong phòng tắm, mà người mẹ không hề hay biết. Hiện công an đã vào cuộc, tội của người thanh niên xâm hại nhất định sẽ bị xử lý hình sự theo luật định. Nhưng sự thờ ơ, vô tâm đến khó hiểu của những người trong gia đình - nhất là người mẹ - phải cắt nghĩa thế nào đây?

Người mẹ nhận lỗi do mình đã ly hôn, bận bịu làm công ty, tăng ca suốt để có tiền nuôi hai con nên ít thời gian bên cạnh, quan tâm con cái. Thời gian “vật lý” của mọi người, mọi bà mẹ là như nhau: 24 giờ/ngày, nhưng còn thời gian tâm lý - sự quan tâm, hướng về con cái và sẵn sàng khơi gợi, lắng nghe con thì sao? Sự đứt gãy mạch giao tiếp mẹ con trong những trường hợp này chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. 

Tất nhiên, những kẻ xâm hại luôn đe dọa hoặc dặn dò “đừng kể cho ai biết chuyện này”. Nhưng trẻ ngoan ngoãn nghe theo, về nhà không dám thổ lộ với người thân, thể hiện trẻ thiếu tin tưởng người thân. Tin rằng mình sẽ không bị cha mẹ la mắng hay đổ tội. Tin cha mẹ đủ sức bảo vệ con. Tin cả nhà vẫn được bình an dù có đưa sự việc ra ánh sáng hay không. Trẻ đã cô độc tận cùng trong chọn lựa câm nín đó. Và vì sao phải đợi con nói? Người mẹ chẳng lẽ không từng đặt câu hỏi: “Tại sao dạo này con hay ói?”, “Tại sao con phát phì vùng bụng?”, “Tại sao con luôn đòi mặc áo khoác đi học kể cả khi trời nóng?”. 

Nhớ lại câu chuyện xảy ra 5 năm trước, một người mẹ ở Nhà Bè (TP.HCM), phát hiện con gái 16 tuổi của mình hai tháng nay có nhiều biểu hiện lạ. Con mập lên dù ăn rất ít, và còn hay bị ói. Chị gặng hỏi mãi về việc có ai đụng vào người không, con gái khăng khăng không có.

Hỏi nhiều lần, tiếp cận mọi cách, con gái vẫn không hé răng. Cho đến một ngày, con mếu máo chạy tìm mẹ: “Mẹ ơi! Trong bụng con có cái gì đó nhúc nhích. Chắc con bệnh gì, gần chết rồi”.

Người mẹ đưa con đi khám thì cái thai đã gần tám tháng. Cũng gian nan không kém khi hỏi tác giả bào thai, mãi đến khi chị giả bộ đòi tự tử thì con gái mới tiết lộ.

Có bao nhiêu phần trăm trung thực trong lời khẳng định: “Gia đình không hề hay biết gì về quá trình con quen biết bạn qua mạng và mang thai cho đến khi đứa bé lọt lòng”? Người đời vẫn thường nói: “Không biết không có tội”.

Nhưng trong những bi kịch này, người lớn không biết sẽ càng nặng tội, vì “cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em…” (Điều 98 về Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, Luật Trẻ em).

Luật này cũng nêu bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, “cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt” (điều 48). 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tất nhiên, với một gia đình đang gặp tai ương, mọi sự mổ xẻ lúc này đều có thể khiến nỗi đau càng bị khoét sâu. Tuy nhiên, thử ngẫm, câu chuyện của cô bé lớp Bảy giấu cái bụng bầu trong áo khoác thùng thình có phải là duy nhất?

Hay hiện vẫn còn nhiều cô bé khác đang dùng chiếc nịt bụng nhằm ém nhẹm sự thật đang ngày một phình to? Hoặc dựng chuyện đến trường sợ bị bạo lực học đường rồi xin nghỉ học, rúc trong phòng riêng, “án binh bất động”, hầu che giấu sự thay đổi từng ngày của cơ thể?

Chắc chắn cũng có lúc trẻ muốn chia sẻ với người lớn, nhưng rồi khựng lại khi những lời phán từ quá khứ vọng về: “Là con gái phải biết giữ, ngu ráng chịu, sau này đừng nói là mẹ chưa hề dặn!”. Và bao nỗi niềm, khó khăn, lo lắng, hoang mang khác mà trẻ đang tự ôm, đang tự xử lý theo cách của mình.

Phụ huynh hãy gần gũi, để ý con cái và cân bằng cuộc sống cho con. Để con hiểu rằng, cha mẹ dù bận rộn cỡ nào, thì vẫn luôn dành một quỹ thời gian đủ lớn để nghe con chia sẻ, và trao gửi những điều sâu kín nhất. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI