Vụ nữ sinh bật khóc vì cô giáo lạnh lùng: Lẽ ra cô Châu đã bị buộc thôi việc

30/03/2018 - 06:55

PNO - Sở đã triệu tập toàn bộ Hội đồng kỷ luật của trường lên làm việc nhằm mở lối thoát cho cô Châu quay về Trường THPT Long Thới. Nhờ vậy, cô Châu thoát “án” một cách ngoạn mục để tiếp tục đứng trên bục giảng đến nay.

Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 28/3 có đăng bài Nữ sinh bật khóc vì cô giáo lạnh lùng: Do Sở GD-ĐT và hiệu trưởng dung túng! đề cập cô giáo Trần Thị Minh Châu, Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM) không giao tiếp với học sinh suốt cả ba tháng, gây khủng hoảng cho học trò. Đáng nói là cô Châu vi phạm đạo đức nghề nghiệp kéo dài, lẽ ra đã bị buộc thôi việc, nhưng rồi cô vẫn đứng trên bục giảng.

Thoát “án” ngoạn mục

Cô giáo Trần Thị Minh Châu về Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè) dạy học từ năm 2000, đến năm 2005 chuyển qua dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), năm 2012 lại quay về Trường THPT Long Thới.  Trong thời gian dạy học ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cô đã o ép, trừng phạt, trù dập học sinh (HS); có hành vi và cách ăn nói thô lỗ với phụ huynh, HS; nói xấu đồng nghiệp. Với những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, cuối năm 2011, lẽ ra cô Châu đã bị buộc thôi việc, nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường THPT Long Thới đã dung túng cô.

Vu nu sinh bat khoc vi co giao lanh lung: Le ra co Chau da bi buoc thoi viec
Học sinh tại buổi đối thoại

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 11/2011, ngay sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài phản ánh những sai phạm của cô Châu, Văn phòng Bộ GD-ĐT phía Nam đánh giá vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành nên đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM phải nhanh chóng xác minh, xử lý. Đúng ba ngày sau, cô Châu bị nhà trường đình chỉ công tác.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ thành lập tổ thanh tra để xác mình làm rõ những vấn đề báo nêu. Sau hai tháng tìm hiểu, xác minh, thu thập chứng cứ, tổ thanh tra của trường đã có kết luận khẳng định những nội dung mà HS, phụ huynh và giáo viên phản ánh, báo chí nêu là có cơ sở. 

Cũng theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét những sai phạm của cô Châu. Với những vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người giáo viên nên cả năm thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật “buộc thôi việc”. Với kết quả đó, cô Châu xem như không còn cơ hội làm nghề dạy học. Nhà trường cũng đã gửi báo cáo, đề xuất và toàn bộ hồ sơ, chứng cứ vụ việc lên Sở GD-ĐT. 

Thế nhưng sau đó, sở đã triệu tập toàn bộ Hội đồng kỷ luật của trường lên làm việc nhằm mở lối thoát cho cô Châu quay về Trường THPT Long Thới. Nhờ vậy, cô Châu đã thoát “án” một cách ngoạn mục để tiếp tục đứng trên bục giảng cho đến nay.

Vì học trò trên hết

Nhớ lại chuyện cũ, một thành viên trong Hội đồng kỷ luật vụ cô Châu tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn bức xúc: “Sở đã không tôn trọng ý kiến của cơ sở khi tìm cách cho cô Châu thoát “án”. Nhưng với tâm lý “không làm trái ý cấp trên” và “chỉ cần cô Châu đi khỏi trường” nên phía Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã không ý kiến gì, nhưng trong lòng ai cũng đặt câu hỏi tại sao? Sau chuyện này là cái gì?”.

Và như đã biết, những sai phạm của cô Trần Thị Minh Châu tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ không phải lần đầu. Trước đó, khi còn giảng dạy ở Trường THPT Long Thới, cô Châu cũng từng có những vi pháp rất nghiêm trọng nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Cho nên việc để cô tiếp tục đứng trên bục giảng là một thử thách quá mạo hiểm mà phần thua thiệt thuộc về học trò. Cách giải quyết ấy giúp HS trường Nguyễn Hữu Thọ thoát “nạn”, nhưng HS trường THPT Long Thới phải gánh.

Về phía ngành giáo dục, sẽ rất khó trả lời trước câu hỏi của phụ huynh và xã hội, rằng: tại sao con họ mắc lỗi thì bị cô Châu đuổi học, còn cô Châu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thì vẫn vô tư? Và đúng như dự báo, tại trường Long Thới, bổn cũ lại được cô Châu soạn lại như đã xảy ra. 

Sự việc cho thấy nhiều vấn đề không nhỏ. Đó là những thói xấu, những sai phạm trong ngành giáo dục đang được che chở, dung dưỡng và đang “di căn” ra khắp nơi; công tác quản lý giáo dục đã và đang bị lơ là. 

“Vì học trò trên hết khi làm điều gì đó” đang là mệnh lệnh rất khẩn thiết. Và quan trọng hơn, các trường phải tìm cách khuyến khích thầy cô giáo và HS mạnh dạn nói lên sự thật, nói lên những điều đang suy nghĩ, để biết được những “khuyết tật” đang tồn tại đơn vị mình mà điều chỉnh. Môi trường giáo dục có thực sự tử tế hay không, tử tế đến mức nào là hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của lãnh đạo ngành và lãnh đạo các trường. 

TP.HCM yêu cầu xử lý vụ cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng

Ngày 29/3, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM - cho biết: thành phố mới nắm được việc cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng lên lớp ở Trường THPT Long Thới. UBND sẽ có văn bản gửi Sở GD-ĐT TP.HCM xem xét, xử lý. Nếu có vấn đề gì khó khăn hay vượt quá thẩm quyền thì ngành giáo dục phải báo cáo lên lãnh đạo thành phố.

Cùng ngày, tại tọa đàm Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành đoàn TP.HCM tổ chức, bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đã nhắc đến sự việc trên. Theo bà Thư, câu chuyện khiến xã hội phải nhìn lại mối quan hệ ứng xử trong học đường, giữa thầy và trò, giữa giáo viên với phụ huynh và giữa học trò với nhau.

Bên cạnh việc kiểm tra của cơ quan quản lý, bà Thư đề nghị Thành đoàn vào cuộc để nắm bắt tâm tư của đoàn viên là học sinh, bởi người phản ánh là bí thư Đoàn trường.

 Nguyễn Phạm

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI