Vụ nữ giám đốc GPBank TP.HCM chiếm đoạt 10,5 tỷ vẫn chưa được làm rõ sau nhiều phiên tòa

07/07/2018 - 09:00

PNO - Dù nhiều lần mở phiên tòa, HĐXX vẫn chưa làm rõ được những nội dung, sự thật khách quan của vụ án cựu giám đốc GPBank TP.HCM bị cáo buộc lừa đảo 10,5 tỷ đồng.

Vừa qua, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - chi nhánh TP.HCM (GPBank TP.HCM). Tuy nhiên, sau 3 lần đưa vụ án ra xét xử, tòa đều quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vấn đề chưa được làm rõ.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Lê Thị Minh Hiền (41 tuổi, nguyên Giám đốc GPBank TP.HCM) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Lê Quốc Cường (58 tuổi, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 1) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" và Huỳnh Thị Cúc (48 tuổi, nguyên Thủ quỹ ban BTGPMB quận 1) bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vu nu giam doc GPBank TP.HCM chiem doat 10,5 ty van chua duoc lam ro sau nhieu phien toa
Các bị cáo bị áp giải sau phiên xử

Trong đó, bà Hiền bị cáo buộc đã gây thất thoát 10,5 tỷ đồng trong thời gian tại chức. Sau đó, người phụ nữ đã thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt 10,5 tỷ của Ban BTGPMB quận 1 để bù vào quỹ mà bà đã làm thiếu hụt trước đó.

Cụ thể, ngày 15/7/2010, do phải bàn giao cho giám đốc mới nên ngân hàng GPBank TP.HCM tiến hành kiểm quỹ phát hiện thất thoát số tiền chênh lệch 10,5 tỷ đồng (việc kiểm quỹ này của GPBank về sau đã được Cục thanh tra giám sát ngân hàng NN kết luận là trái quy định).

Ngày 16/7/2010, nội bộ GPBank thông qua mọi vấn đề về tài chính và đồng ý để  Hiền bàn giao chức giám đốc cho ông Nghiêm Tiến Sỹ. Biên bản bàn giao được các thành viên ký tên, đóng dấu, nội dung biên bản này hoàn toàn không thể hiện việc có chênh lệch như biên bản kiểm quỹ ngày 15/7/2010 cũng như bà Hiền không còn trách nhiệm nào về tài chính đối với GPBank TP.HCM.

Bốn ngày sau, Hiền gặp Lê Quốc Cường nhờ ông này dùng tiền của Ban BTGPMB quận 1 bảo lãnh việc vay tiền của Công ty Cường Nguyễn. Ông Cường đồng ý xem hồ sơ và ký vào rồi đưa Hiền đi nộp cho ngân hàng.

Có các giấy tờ trên, nhưng phía ngân hàng chỉ thao tác trên chứng từ khống và thực tế chỉ có gần 280 triệu đồng tiền mặt được chuyển đến Agribank Chợ Lớn, số tiền 10,5 tỷ vẫn còn lại GPbank TPHCM.

Sau đó, các nhân viên AgriBank Chợ Lớn thực hiện toàn bộ các thao tác trái quy định trên giấy tờ để thể hiện một giao dịch vay tiền (theo kết luận giám định), trên thực tế AgriBank Chợ Lớn không chi ra một đồng nào, Công ty Cường Nguyễn cũng không nhận được tiền…

Ngày 29/7/2010, do trên hình thức là đến hạn trả nợ ngân hàng nhưng Công ty Cường Nguyễn không trả được nên AgriBank thực hiện việc thu hồi 10,797 tỷ tiền bảo lãnh của Ban BTGPMB quận 1. Cơ quan điều tra và VKS cho rằng số tiền 10,5 tỷ mà GPbank TP.HCM đang chiếm giữ thực chất là tiền do Hiền lừa ông Cường để chiếm đoạt để bù vào quỹ của GPBank TPHCM.

Tại sao tòa 3 lần trả hồ sơ?

Tại các phiên tòa, HĐXX đều nhận định trước thời điểm chuyển tiền, Hiền đã bàn giao toàn bộ công việc cho ông Nghiêm Tiến Sỹ, việc hoàn tất chứng từ, chỉ đạo đều do giám đốc mới là ông Sỹ thực hiện vì lúc này Hiền không còn quyền hành gì.

Về phía bị cáo Cường, ông này khai rằng muốn giúp Hiền mượn 10,5 tỷ đồng và tin tưởng Hiền sẽ thu xếp trả ngân hàng đúng hạn. Ông Cường khẳng định đã xem toàn bộ hồ sơ vay và hồ sơ bảo lãnh vay trước khi ký nên không có việc Hiền dùng các thủ đoạn gian dối để lấy 10,5 tỷ của Ban BTGPMB quận 1.

Ông cũng cho rằng tất cả là do các ngân hàng làm trái pháp luật nên phải hoàn trả cho Ban BTGPMB quận 1. Bên cạnh đó, đại diện Ban BTGPMB quận 1 là nguyên đơn dân sự trong vụ án này lại không yêu cầu bà Hiền trả tiền mà yêu cầu GPBank TP.HCM chính là pháp nhân phải trả tiền cho họ.

Như vậy, xét về ý thức chủ quan, ông Cường đã đồng ý cho bà Hiền mượn số tiền 10,5 tỷ đồng của Ban BTGPMB quận 1 và biết rõ bà Hiền lập hồ sơ hợp thức hóa tất toán số tiền nói trên, thể hiện ở các hành vi: Bị cáo Cường đã xem và ký vào các giấy đề nghị tất toán, hợp đồng bảo lãnh, cam kết bảo lãnh. Điều này thể hiện không có hành vi gian dối của Hiền đối với Cường.

Đến ngày 20/7/2010, Phó Giám đốc GPBank TP.HCM Nguyễn Thanh Phú cùng giám đốc Nghiêm Tiến Sỹ đã tiến hành làm các thủ tục tất toán 4 tài khoản của Ban bồi thường GPMB quận 1. Như vậy, việc bà Hiền làm hồ sơ vay tín dụng cho Công ty Cường Nguyễn với Agribank Chợ Lớn, có sự chứng kiến cam kết bảo lãnh của Ban BTGPMB quận 1 và được Cường ký chấp thuận đồng ý. 

Việc chuyển tiền khống từ GPBank TP.HCM sang AgriBank được thực hiện bởi Nguyễn Thanh Phú dưới sự chỉ đạo của GĐ Nghiêm Tiến Sỹ. Số tiền 10,5 tỷ đồng của Ban BTGPMB quận 1 gửi tại 4 tài khoản tại GPBank TP.HCM được bản kết luận giám định của Thanh tra NHNN xác định vẫn còn nguyên tại GPBank TP.HCM từ ngày 20/7/2010. Mọi hoạt động của GPBank TP.HCM cũng như AgriBank Chợ Lớn có liên quan trong vụ án đã bị Cục thanh tra ngân hàng NN kết luận là hoàn toàn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mới đây, TAND TP.HCM trả toàn bộ hồ sơ cho VKSND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền với lý do HĐXX đã nhận định việc quy kết bị cáo Lê Thị Minh Hiền có hành vi lừa đảo theo điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 là chưa có cơ sở pháp lý.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI