Sáng 27/11, TAND TP.HCM khai mạc phiên tòa xét xử ông Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á -DAB), Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958, Phó Tổng giám đốc DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", SN 1975, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) và 23 bị cáo khác bị truy tố hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phiên tòa kéo dài đến ngày 25/12.
|
Ông Phan Văn Anh Vũ ra tòa sáng nay |
Trong phần kiểm tra lý lịch cá nhân, Phan Văn Anh Vũ cho biết, ngoài tên Vũ còn có hai tên khác là Phan Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Vũ cũng khai rằng, ngoài quốc tịch Việt Nam, mình còn một quốc tịch nước ngoài. HĐXX cho biết sẽ kiểm tra thông tin này thêm.
Đáng nói, ngay trong phần xét lý lịch ban đầu của phiên tòa, Vũ “nhôm” đã thốt lên, vụ án này "làm oan bị cáo quá".
Được triệu tập lên bục khai báo, Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở Đông Á Bank), người bị cáo buộc tham gia vào việc kinh doanh ngoại hối trái phép, mua 13,9 triệu đô la để Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á) đưa cho Vũ "nhôm" 13,4 triệu đô la. Tổng cộng, Hùng bị cáo buộc gây thiệt hại cho Đông Á 938 tỷ đồng.
CQĐT đã thu được nhiều giấy tay do Hùng ghi chép thể hiện có rất nhiều khoản chi để ngoài sổ sách. Bị cáo Hùng bị xét xử tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng được cơ quan tố tụng cho tại ngoại để điều tra.
Trong phần kiểm tra lý lịch, bị cáo Hùng khai chỉ học đến lớp 6.
Thiệt hại 3.608 tỷ đồng
Ngân hàng Đông Á được thành lập năm 1992 có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong đó, nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 12,79%. Ông Trần Phương Bình làm Tổng giám đốc DAB từ năm 1998 năm 2015.
Trong quá trình quản lý về tổ chức và hoạt động đối với DAB, Ngân hàng Nhà nước phát hiện có sai phạm nên đã tiến hành thanh tra hoạt động của DAB. Ngày 23/7/2015, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước có kết luận xác định một số sai phạm xảy ra tại DAB.
Theo đó, tổng số dư nợ tại DAB là 20.233 tỷ đồng, trong đó 123 khách hàng có dư nợ 19.644 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 9 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan với tổng dư nợ là 19.414 tỷ đồng; trong số này có 7.960 tỷ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi (chủ yếu là cho vay tín chấp).
|
Ông Trần Phương Bình tại tòa |
DAB đã tiến hành kiểm tra kho quỹ trên toàn hệ thống, kết quả kiểm tra xác định: kho quỹ Hội sở DAB thiếu hụt 2.089 tỷ đồng và 62.154,8 lượng vàng; kho quỹ DAB Sở giao dịch thiếu hụt 416,7 tỷ đồng.
Đến nay đã xác định được Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, là đối tượng chính đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tại DAB, cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB tổng số tiền 3.608 tỷ đồng.
Cấu kết với Vũ "nhôm"
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2014, để có tiền mua cổ phần DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB.
Để bù đắp số tiền thu khống, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách: xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần.
Ngoài ra, ông Trần Phương Bình còn có nhiều hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho DAB. Trong số tiền thiệt hại 3.608 tỷ đồng, cáo trạng chỉ rõ ông Bình đã phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 2.057 tỷ đồng và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng. Trong số thiệt hại này, ông Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 3.568 tỷ đồng.
Để thu hút vốn đầu tư, đưa DAB qua giai đoạn khó khăn, ông Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Từ hành động này, Trần Phương Bình đã để Phan Văn Anh Vũ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB 203 tỷ đồng.
Theo đó, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất: Phan Văn Anh Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để Phan Văn Anh Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Nguồn tiền mua cổ phần DAB gồm: Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Phan Văn Anh Vũ và Phan Văn Anh Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ đồng vào DAB để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần của DAB.
Tháng 8/2015, ông Bình biết DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt, hơn 13,6 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty vốn An Bình sẽ bị cấm chuyển nhượng. Do vậy, ngày 11/8/2015, Bình bán hơn 13,6 triệu cổ phần DAB cho Vũ với giá 136,5 tỷ đồng, Bình và Vũ thống nhất khi nào có tiền thì Vũ trả. Vũ đã trả cho Công ty vốn An Bình 46 tỷ đồng, còn nợ 90,5 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Anh Vũ được xác định đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ phải chịu trách nhiệm nộp lại số tiền 13.400.000 USD và 90,5 tỷ đồng mua cổ phần DAB để khắc phục hậu quả vụ án.
Minh Quân - An Vũ