Chữ rơi trên ngón tay
Vũ Nguyên (tên đầy đủ là Vũ Đức Nguyên, sinh năm 1990) là đại biểu trẻ duy nhất của tỉnh Thanh Hóa dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 (vừa diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 17 - 19/6). Đi cùng Nguyên là mẹ - bà Vũ Thị Huê (sinh năm 1964). Khi con trai được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đẩy xe lăn đưa lên sân khấu để nhận thư chúc mừng và quà tặng của Chủ tịch nước, người mẹ ấy đã lặng lẽ rơi nước mắt. Năm tháng của mẹ và năm tháng của con, hạnh phúc nhất chính là giây phút này. Cùng với đại biểu trẻ tuổi nhất Trần Phú Minh Anh (15 tuổi, TP.HCM), Vũ Nguyên là người thứ hai nhận được vinh dự này.
|
Vũ Nguyên và mẹ tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 |
“Nguyên viết thơ trên máy tính chỉ bằng một ngón tay thôi cháu ạ”, mẹ Vũ Nguyên chia sẻ. Chỉ một câu thôi mà như thấy cả một dặm dài Nguyên đã đi cùng hành trình con chữ. Cơ thể bại liệt, từ nhỏ Vũ Nguyên đã không thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Từng chữ cái mà em học được là do mẹ dạy ở nhà, biết ghép vần, biết đọc rồi tìm đọc sách, lên mạng học văn.
“Em thấy cũng không có gì khó khăn cả, trên mạng mọi thứ đều có đủ, mình học và đọc cũng dễ dàng thôi mà” - Vũ Nguyên nói. Nguyên làm thơ tự do, thơ lục bát, cả thơ Đường luật. Bắt đầu từ những bài thơ đăng tải trên Facebook chia sẻ với bạn bè từ năm 2013, đến giờ Vũ Nguyên đã in được sáu tập thơ. Tác phẩm đầu tay là tập Bài thơ cho em (Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn, năm 2013), tiếp đến Chuyện tình chàng thi sĩ (NXB Văn học, năm 2014), Tình tương tư (NXB Hội Nhà văn, năm 2015), Vở kịch đời (NXB Hội Nhà văn, năm 2017), Vũ khúc Đường thi (NXB Lao động, năm 2021) và Thế nhân tình (NXB Thanh niên, năm 2021).
Thơ Nguyên viết về tình yêu, về những suy ngẫm đời - người, cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống quanh mình, và sẻ chia những nỗi niềm riêng. Những vần thơ có thể buồn, nhưng không bi lụy. Đọc những tập thơ đã được đánh máy, dàn trang, in ấn hoàn thiện, thật không thể nghĩ rằng tất cả những bài thơ ấy đã được Nguyên đánh máy chỉ bằng một ngón tay. Và Nguyên chỉ có thể làm việc khi nằm.
Như thể từng con chữ rơi trên ngón tay khuyết của Nguyên, chữ nối thành vần điệu, ý thơ, và thay Nguyên giãi bày những giấc mộng, những thương yêu, cả những vui buồn. “Nửa vầng trăng khuyết đơn côi / Nửa buông nhành liễu nửa ngồi cành đa / Nửa hồn tôi ở quan hà / Nửa hồn còn lại đã sa hồng trần…” (trích bài Nửa). Nguyên tựa vào thơ để sống, để đi tới không bằng đôi chân, mà bằng hồn thơ của chính mình. Thơ trở thành điểm tựa, cho Nguyên niềm yêu đời lạc quan mà vượt qua nghịch cảnh đời mình.
“Con nợ nghĩa mẹ ơn cha…”
Hồi Vũ Nguyên còn nhỏ, gia đình sinh sống ở Bình Phước, mẹ Nguyên làm cô giáo dạy tiểu học. Nhưng vì con, bà Huê nghỉ việc, bán nhà để có tiền chữa bệnh cho con. Khi mọi cố gắng đều không kết quả, bà đưa con về lại quê nhà Thanh Hóa sinh sống. Những sinh hoạt hằng ngày của Nguyên đều nhờ vào sự hỗ trợ của mẹ. Nguyên đi đâu cũng có mẹ theo cùng. Bà Huê không tiếp tục với nghề giáo mà dành toàn tâm sức chăm sóc con trai. Mẹ dạy Nguyên biết chữ, biết dùng máy vi tính, mua sách hay cho con đọc, cho con niềm tin, nghị lực vào cuộc sống, để con được cảm nhận mọi điều đẹp đẽ của cuộc đời.
Trong những dòng thơ của Vũ Nguyên, có nhiều bài dành tặng mẹ: “Bầm ơi tóc bạc mái đầu / Sao còn ngụp lặn bể dâu sớm chiều / Lưng còm dáng mỏng gầy xiêu / Lang thang phố chợ hắt hiu tuổi già…” (trích Bầm ơi). Hay “Nghĩa nặng cao dày khó kể công / Dù cho đổi ngọc lẫn danh hồng / Thương chiều sắn gạo cha hoài cõng / Nhớ buổi dưa cà mẹ vẫn trông…” (trích Ân nghĩa cao dày).
|
Hai tập thơ mới nhất vừa được phát hành của Vũ Nguyên |
Tuổi thơ Nguyên trải qua những nơi chốn khác nhau, và cũng được mẹ đưa đi nhiều nơi như Sài Gòn, Hà Nội… Không thể có những chuyến “thực tế sáng tác” như những người viết trẻ khác, nhưng mỗi khoảnh khắc mà Nguyên cảm nhận được, mỗi con đường đi qua, đều có thể là những rung cảm cho thơ. “Vũ Nguyên có óc cảm nhận tinh tế. Một lần được mẹ đưa đi Hà Nội giao lưu, ngồi xe lăn trên đường Quang Trung giữa đêm trăng, về em làm bài thơ Đất trời bình yên: “Vàng xanh sắc điện mơ màng liễu / Đỏ tím vàng trăng nũng nịu trời / Phủ khắp sơn hà khuôn tuyệt mỹ / Ru hồn lãng tử mấy mùa đông…”.
Đọc thơ em, tôi cảm nhận được ý và nghị lực sống mãnh liệt trong hình hài nhỏ bé của em. Thơ em toát lên niềm hy vọng, niềm tin yêu cuộc sống, chứa đựng những hoài bão” - nhà thơ Lê Phương - hội viên thơ Đường luật Việt Nam - nhận định về thơ Vũ Nguyên, trong tập Vũ khúc Đường thi.
Vũ Nguyên ít nói, ít bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc thành lời, dành lại tất cả những điều đó cho thơ. Ngôn từ phong phú, thơ giàu cảm xúc, nhiều tâm tư và tình yêu thiết tha dành cho con người, cho cuộc đời. Những tập thơ được phát hành, ra mắt tại quê nhà, và toàn bộ số tiền bán thơ được Nguyên dành cho các hoạt động từ thiện, trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn, trò nghèo hiếu học.
Số phận không cho ai được lựa chọn cuộc đời như họ mong muốn, nhưng mỗi người đều có quyền lựa chọn cách để sống với cuộc đời này. Vũ Nguyên đã chọn hóa thân vào thi ca, chia sẻ và trao đi bằng một trái tim tràn ngập khát khao cống hiến và yêu thương…
Lục Diệp