Vụ người phụ nữ vá xe bị tạt axít: Cơ quan điều tra đã quá thờ ơ

05/11/2016 - 07:00

PNO - Hai vợ chồng đang vá xe cho khách thì bất ngờ người vợ bị tạt axít, suýt mất mạng. Sau hơn hai năm chờ đợi pháp luật can thiệp, nạn nhân chỉ nhận được quyết định “tạm đình chỉ điều tra vụ án”…

Bảy lần phẫu thuật

21g ngà y 21/9/2013, chị Vũ Thị Loan (SN 1978) đang cùng chồng là anh Phạm Quang Tân vá xe tại góc đường Trường Chinh-Ấp Bắc (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) thì có hai người phóng xe máy đến, tạt axít lên người chị. Anh Tân kể : “Trước khi xảy ra sự việc vài phút, có hai thanh niên dẫn một chiếc xe gắn máy biển số xanh (mã biển số là “80” - mã biển số của xe thuộc cơ quan chính phủ ) đến vá bánh trước bị xẹp. Tôi ngồi lên phần đuôi xe để nâng phần đầu xe lên cho vợ tôi vá . Anh thanh niên ngồi bên cạnh xem. Đáng ngạc nhiên là dù bị xẹp bánh nhưng ruột xe lại không có lỗ thủng nào. Vợ tôi đang tra ruột vào bánh thì bất ngờ bị hai người chạy đến, tạt một ca axít lên người.

Vợ tôi bị phỏng rất nặng, anh thanh niên ngồi gần bị phỏng nhẹ hơn, được đưa vào BV Mỹ Đức cấp cứu”. CA P.13 đã đến hiện trường để thu thập chứng cứ . “Anh thanh niên bị dính axít được CA bảo vệ nghiêm ngặt ở BV. Tôi nghĩ , anh ta mới là đối tượng của bọn tạt axít nhưng khi ra tay, chúng đã tạt nhầm vợ tôi” - anh Tân chia sẻ thêm.

Bị phỏng quá nặng, chị Loan được chuyển lên BV Chợ Rẫy, các chẩn đoán là khó qua khỏi nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật. Sau bảy lần phẫu thuật, chị Loan giữ được mạng sống, dù thương tật rất thê thảm: mất tai bên phải; da ở cổ , lưng, tay và chân bị axít tàn phá , kéo dính lại. Dù vết thương đã lành, nhưng mỗi khi trở trời, toàn thân chị lại đau buốt.

Sau tai nạn, vợ chồng chị Loan rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hai vợ chồng phải ở trọ ; anh bị liệt tay trái, sức khỏe yếu nên gần như mất sức lao động. Chị vốn là lao động chính, lo cho cả nhà ba miệng ăn. Khi chị vào BV, con trai đang học lớp 6 phải tạm nghỉ.

Vu nguoi phu nu va xe bi tat axit: Co quan dieu tra da qua tho o
Chị Loan gánh nỗi đau chờ công lý nhưng sau ba năm, vụ án nhiều khả năng đã “chìm xuồng”

Công an điều tra hời hợt?

Sau vụ việc, anh Tân có trình bày với CA P.13 hai nghi vấn: Vợ chồng anh có mâu thuẫn với một đôi vợ chồng khác trong việc nhận giữ xe, hai bên từng cự cãi, có thể họ trả thù . Tuy nhiên, anh Tân lại nghiêng về giả thiết thứ hai hơn: anh thanh niên tên Đại, người ngồi cạnh vợ anh vá xe có thể là đối tượng của kẻ tạt axít, vì anh ta đi cùng một cô gái, có thể có chuyện ghen tuông, trả thù ? Biết đâu kẻ xấu đã lén làm xẹp bánh xe của anh ta để anh phải dắt bộ , thuận lợi cho kẻ thủ ác ra tay.

CA P.13 đã chuyển hồ sơ vụ án lên CA Q.Tân Bình. Anh Tân bức xúc: “Khi CA Q.Tân Bình tiếp nhận vụ án, vợ tôi đang điều trị ở BV Chợ Rẫy. Lẽ ra CA phải đến BV lấy lời khai của vợ tôi và ghi nhận mức độ thương tật, nhưng suốt ba tháng chúng tôi chẳng thấy bóng dáng các anh.

Sốt ruột, tôi chở vợ lên CA Q.Tân Bình hỏi thăm tiến độ điều tra thì điều tra viên chỉ nói gọn: “Đang điều tra, anh chị về đi” mà không lấy lời khai”. Bị anh Tân “đeo bám”, CA Q.Tân Bình mới có động thái đầu tiên là đưa chị Loan đi giám định thương tật, sau đó tiếp tục… im lặng.

Tháng 7/2016, anh Tân biết tin đôi vợ chồng từng có hiềm khích với vợ chồng anh chuyển chỗ ở nên đến CA Q.Tân Bình để báo cáo, thì bất ngờ nhận được thông báo “Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án”, có hiệu lực từ 27/2/2015, do đại tá Lê Hoàng Châu (Trưởng CA Q.Tân Bình) ký với lý do “Đã hết thời hạn điều tra vụ án, chưa xác định được đối tượng gây án”.

Chiều 28/10, chúng tôi đến CA Q.Tân Bình để tìm hiểu vấn đề, vị CA trực ban trả lời qua loa: “Nội dung quyết định tạm đình chỉ vụ án đã nói rõ , không cần giải thích gì thêm”. Chúng tôi thắc mắc: “Vì sao CA Q.Tân Bình không chủ động mời đương sự đến làm việc trong quá trình điều tra? Quyết định tạm đình chỉ vụ án được lập ngày 27/2/2015, nhưng sao mãi đến tháng 7/2016, đương sự mới “vô tình nhận được”? Cụ thể , việc điều tra gặp khó khăn thế nào mà kết quả là “chìm xuồng”?

Vị trực ban trả lời: “Tôi vừa gọi cho trưởng CA quận, anh ấy bảo muốn được cung cấp thông tin phải đến Phòng Tham mưu, CA TP.HCM. Phòng Tham mưu có cho phép và hướng dẫn, CA quận mới cung cấp”. Rõ ràng, trong vụ việc này, CA Q.Tân Bình đã cố tình tránh né trách nhiệm.

Căn cứ các điều 103, 160, 325, 328, 329 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, khi bị hại Vũ Thị Loan có thông tin tố giác thì Cơ quan điều tra CA Q.Tân Bình phải có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

CA Q.Tân Bình không tìm đến chị Loan để thu thập thông tin, chứng cứ; cũng không mời chị Loan đến làm việc là quá hời hợt trong điều tra. Trường hợp sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho chị Loan biết.

Trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra và cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải gửi quyết định này đến người bị hại. Trong khi đó, từ lúc ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đến lúc chị Loan nhận được quyết định này kéo dài hơn một năm là thiếu sót của CA Q.Tân Bình.

Luật sư Lê Quang Vũ (Phó trưởng Văn phòng Luật sư Vì Người Nghèo)

Trần Triều
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI