Đoạn clip ghi lại cảnh người giúp việc bạo hành dã man một bé sơ sinh vừa tròn 1 tháng 17 ngày tuổi, được đăng trên mạng xã hội vào ngày 22/11, lập tức dấy lên làn sóng phẫn nộ từ dư luận. Những hành vi tàn độc này, lại xảy ra trong một diễn biến không ai ngờ.
|
Có ai ngờ người giúp việc tin cẩn của gia đình lại đối xử nhẫn tâm đến thế với một đứa trẻ (ảnh cắt từ clip) |
Vụ việc lan truyền từ trang cá nhân của chị Ngọc Phương, người phụ nữ được cho là mẹ của em bé nạn nhân trong clip. Chị đã đăng ba đoạn clip ghi lại cảnh con mình bị bạo hành cùng những lời lẽ vô cùng bức xúc: “Xem trên mạng nhiều, mình không tin. Nhưng hôm nay lại rơi vào chính gia đình mình. Bé nhà mình vừa sinh được 1 tháng 17 ngày. Cứ khi nào mình ra khỏi nhà là bà ấy tra tấn con mình. Mình mới chỉ quay lại tạm đoạn clip này. Còn rất nhiều clip khác mình sẽ đăng sau. Đau lòng quá”.
Những hình ảnh đánh, tát, quăng quật, tung người em bé lộn nhào... được camera ghi lại đã vạch trần bản chất tàn bạo, vô lương tâm của người giúp việc mà gia đình từng tin tưởng.
Cũng theo thông tin từ người nhà em bé, người giúp việc có tên là Hoàn (sinh năm 1960, quê ở Nam Định). Em bé trong đoạn clip là con thứ hai của chị Phương. Từ khi sinh bé, chị mới nhận bà Hoàn về giúp việc, đến nay mới chỉ hai tháng.
Vì đang trong thời gian ở cữ, chị Phương hầu như không rời bé. Tuy nhiên, một ngày hai bận, chị phải đưa bé lớn đến trường, nên giao bé nhỏ lại cho bà Hoàn trông nom. Việc bạo hành có lẽ đã xảy ra trong khoảng thời gian này.
Chị Phương kể, mỗi lần chị vắng nhà, thường chỉ trong vòng mười phút, nên không nghĩ đến việc lắp camera theo dõi làm gì. Mãi đến khi phát hiện mặt con thường xuyên đỏ ngầu và cứ khóc lóc vật vã, gia đình mới lén đặt máy quay. Những gì chị nhìn thấy đã vượt quá sức chịu đựng của một người mẹ.
Công an TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) cũng xác nhận sự việc trên có xảy ra tại đây và hiện đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, qua lời kể của những người hàng xóm, bà Hoàn khá điềm đạm, ít ra ngoài giao tiếp và không có dấu hiệu bất thường về thần kinh. Trước khi về làm cho gia đình chị Phương, bà từng có thâm niên giúp việc gần 5 năm cho một gia đình ở gần đó.
Trưa 23/11, gia đình chị Phương đã đưa con đi khám. Theo chẩn đoán của bác sĩ, may mắn là não em bé không bị ảnh hưởng, nhưng gia đình phải theo dõi tâm lý của con vì chắc chắn có sang chấn. Những điều này được bố bé tiết lộ trong mệt mỏi. Anh cũng từ chối tiếp xúc với báo chí và truyền thông, bởi sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh không phút nào được bình yên.
Qua sự việc này, có thể thấy mọi diễn biến đều nằm ngoài ba chữ “có ai ngờ…”. Những người quen biết bà Hoàn không ai ngờ bà có thể xuống tay tàn độc với đứa trẻ vô tội. Chị Phương không ngờ dăm ba phút vắng nhà của chị lại khiến con mình chịu bao đau đớn. Khi tìm người giúp mình chăm con, chị đâu ngờ đã đẩy con vào nguy hiểm. Ngay cả khi phơi bày tội ác của bà Hoàn lên mạng, chị cũng đâu ngờ chuyện bạo hành lại xảy ra trong nhà mình.
Giá mà đừng ai phải nói “có ai ngờ…”. Những điều không ai ngờ đều đến một cách bất ngờ nhất. Cuộc đời, không có gì là không thể xảy ra.
Tất nhiên, khi quyết định giao con cho giúp việc, người mẹ nào cũng mong gặp được người tử tế, đáng tin cậy, tận tụy và yêu thương trẻ con, bởi lẽ sự an toàn cho con trẻ bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Vụ bạo hành tại TP. Phủ Lý chắc chắn nằm ngoài mong muốn và tưởng tượng của gia đình, nhưng đồng thời cũng là một cảnh báo đanh thép cho những người mẹ đang phó thác con cho người giúp việc.
Với những bé chưa có phản xạ tự vệ, chưa biết nói để diễn đạt những nguy hiểm đang gặp phải, bố mẹ đừng bỏ qua mọi chi tiết khác thường, dù nhỏ nhất, trên cơ thể con, cũng như mọi phản ứng lạ của con qua giao tiếp. Một tiếng khóc không giống mọi ngày hay những gắt gỏng, sợ hãi biểu hiện trên gương mặt... đều là những dấu hiệu của tâm lý bất ổn. Hãy kịp thời nhận diện và xử lý mọi nguy cơ bằng chính sự nhạy cảm và tình yêu của cha mẹ. Trước những đớn đau mà con phải chịu, có trái tim người mẹ nào không rỉ máu đâu.
Hội chứng rung lắc (Shaken Baby Syndrome - SBS) hay còn gọi là tổn thương não lạm dụng (Abusive Head Trauma) rất nguy hiểm với những đứa trẻ dưới hai tuổi, có thể gây tử vong nếu trẻ bị tổn thương não nặng.
Não bộ của trẻ dưới hai tuổi chưa phát triển toàn diện. Khi bị rung lắc mạnh, khối não sẽ di chuyển trong hộp sọ và có thể bị va đập vào hộp xương sọ, bị sưng phù và tổn thương các mạch máu não. Tổn thương nhẹ có thể khiến trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng khả năng học tập và ngôn ngữ. Nếu nặng có thể giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí tử vong.
Những động tác mạnh như thay đổi tư thế trẻ nhanh: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, bị xốc nách nhấc bổng lên cao rồi hạ xuống, bị rung lắc hoặc chịu những tác động thô bạo làm đầu trẻ bị di chuyển nhanh và mạnh… đều có thể gây ra hội chứng rung lắc.
Câu chuyện của mẹ con chị Jamie Thompson (Mỹ) là ví dụ điển hình của hội chứng rung lắc. Bé Colby được sinh ra với một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Một lần, vì bé khóc, cô bảo mẫu đã tức giận ném mạnh bé xuống đất. Từ một em bé bình thường, phát triển tốt, Colby giờ đây đang lớn dần lên với một khuyết tật trong não.
Để ngăn ngừa hội chứng trẻ bị rung lắc, cha mẹ cần:
- Tuyệt đối không được bế thốc ngược; xốc vác trẻ gấp gáp, thay đổi tư thế đột ngột, nhất là trẻ dưới hai tuổi.
- Không tung hứng khi nô đùa với bé.
- Không đánh vào đầu con hoặc để vùng đầu của bé bị va đập.
- Cần chú ý khi đưa nôi ru con ngủ hoặc dỗ con nín khóc.
|
Hạnh An