Trong phòng xử, phía sau lưng diễn viên (DV) Ngọc Trinh là một dàn nghệ sĩ hùng hậu nhiều thế hệ, còn phía sau lưng nghệ sĩ (NS) Khánh Hoàng (đại diện Nhà hát Kịch TP.HCM) đa số là giới truyền thông. Việc tách bạch khu vực này, không phải do giới truyền thông ủng hộ nhà hát, cũng không hẳn giới nghệ sĩ đều ủng hộ mọi việc của Ngọc Trinh.
Thực tế, nhiều NS đến tòa với mục tiêu là để ủng hộ tinh thần Ngọc Trinh, cùng với mong muốn Ngọc Trinh được thắng kiện vì xót số tiền hơn nửa tỉ đồng mà Ngọc Trinh đã bỏ ra để đầu tư 6 vở kịch như đã thỏa thuận với Nhà hát. Cũng có những NS không hi vọng gì Trinh thắng kiện nhưng đến là để rút kinh nghiệm cho mình sau này, khi quyết định hợp tác với một đơn vị hoạt động nghệ thuật chịu sự quản lý của nhà nước.
|
DV Ngọc Trinh tại phiên toà sơ thẩm hôm qua, 4/7 |
Và, thực tế, nhiều bài viết của cánh báo chí, dù có đi nước đôi, dù có vẻ khách quan, nhưng không khó nhận ra phần nào cũng đồng cảm với DV Ngọc Trinh, thậm chí còn nghi ngờ sự trung thực của phía Nhà hát về vấn đề tài chính.
Xuyên suốt các phiên tòa của vụ kiện, “Tôi là nghệ sĩ mà” là câu nói được DV Ngọc Trinh thốt ra nhiều lần. Mỗi lần thốt ra đều đầy ắp bức xúc đã bị đè nén rất lâu để lý giải những việc mà Ngọc Trinh đã suy nghĩ, đã thực hiện khi trả lời hội đồng xét xử trong vụ kiện giữa cô và Nhà hát Kịch TP.HCM.
Điều đó khiến những người có mặt tại tòa có cảm giác cô đã chịu đựng một nỗi bất công, oan ức, thậm chí là chịu đựng sự thù ghét cá nhân vô lý của người có quyền – lãnh đạo Nhà hát - đối với người yếu thế hơn là cô.
Nhưng mỗi lần nghe cô nói “tôi là nghệ sĩ mà” thì không ít người lại càng lo cho cô. Có vẻ như Ngọc Trinh quên rằng nơi cô đứng là tòa án chứ không phải sàn diễn, nơi cần lý trí tỉnh táo để viện dẫn cho phù hợp pháp luật hơn là những phát biểu mang tính cảm xúc thăng hoa mà chỉ cần cho vai diễn.
Khi viện dẫn “tôi là nghệ sĩ mà”, có lẽ Ngọc Trinh nghĩ rằng với những nghệ sĩ chân chính – trong đó có cô - thì làm việc gì cũng bằng cái tâm, cũng trọng chữ tín, nên hứa thì phải làm. Và, cô đã làm thật, dù thực tế 2 bên vẫn đang còn trong quá trình thương lượng, điều chỉnh các điều khoản để đảm bảo đúng nguyên tắc của một giao dịch dân sự trên tinh thần tự nguyện và hai bên cùng có lợi.
|
Cảm xúc nghệ sĩ cùng sự uất ức khiến Ngọc Trinh nhiều lần bật khóc tại toà |
Tuy nhiên, ngoài thỏa thuận được xác lập thống nhất ngay từ đầu là cùng nhau hợp tác theo phương thức xã hội hóa mà phía Ngọc Trinh chịu trách nhiệm tự chịu trách nhiệm cho các vở diễn (bao gồm trách nhiệm về kinh phí đầu tư như: chi phí cho tác giả, diễn viên, trang trí, phục trang, đạo cụ, bối cảnh, chi phí tổ chức sự kiện, họp báo, chiêu đãi khách mời, chi phí quảng bá, chi phí phúc khảo vở diễn…; trách nhiệm về việc lên kế hoạch luyện tập, dàn dựng, quảng bá cho các vở diễn và tìm nguồn khán giả) còn phía Nhà hát chịu trách nhiệm cung cấp địa điểm luyện tập, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, thực hiện thủ tục về đăng ký phúc khảo, xin giấy phép biểu diễn, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tổ chức bán vé, quyết toán vé, soát vé, bảo vệ và đảm bảo vệ sinh cho các buổi diễn... thì còn quá nhiều tồn tại mà hai bên chưa gút được, trong đó có việc chưa thống nhất trách nhiệm bồi thường trong trường hợp… “bể hợp đồng”.
Mặc dù chưa thỏa thuận được điều khoản về “rủi ro” trong trường hợp bị “bể hợp đồng” - điều khoản được xem là quan trọng nhất của một giao dịch hợp tác kinh doanh nhưng có lẽ máu nghệ sĩ cộng với áp lực… diễn tết khả năng thu hồi vốn nhanh đã thôi thúc một Ngọc Trinh đầy tâm huyết với sân khấu kịch tung tiền ra ứng trước, cho dự thảo hợp đồng, một số tiền tương đương với lương trong 25 năm của cô tại nhà hát.
|
Ngọc Trinh trình các hoá đơn, chứng từ |
Giờ thì “hợp đồng” đã “bể” thật, Ngọc Trinh lại lấy bản dự thảo chưa được xác lập đúng quy định để nhờ tòa án, nơi chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật, phân xử cho mình. Sự “bắt đền” có phần vô lý ấy cũng có thể dễ dàng nhận ra. Nhiều câu hỏi mà hội đồng xét xử đặt ra đã khiến Ngọc Trinh lúng túng vì chính cô cũng nhận ra sự đòi hỏi của mình là vô lý và mỗi lần như vậy Ngọc Trinh thường cho rằng “Tôi là nghệ sĩ mà”.
Nghệ sĩ thì được lợi thế gì trước pháp luật? Cần tỉnh táo để hiểu rằng, trước cửa thần công lý, dù có là nghệ sĩ nhân dân đi nữa thì thuộc tính “nghệ sĩ” ấy cũng sẽ không hỗ trợ diễn viên được điều gì. Thay vì vậy, Ngọc Trinh cùng luật sư của mình hãy tập trung chỉ ra những chứng cứ xác thực, khách quan phù hợp với luật định để giúp hội đồng xét xử có thêm cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Kết quả phiên xử ngày 7/7 tới đây sẽ là việc giải quyết tiền bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn như thế nào. Khả năng sẽ có phiên phúc phẩm là rất lớn. Việc tranh tụng sẽ còn kéo dài. Nhưng, ngay từ bây giờ, nhiều người đã có thể rút ra cho mình một bài học: Diễn viên cần máu nghệ sĩ để thăng hoa trong vai diễn, nhưng bầu gánh mà cũng có máu nghệ sĩ thì chỉ có thăng… nợ mà thôi.
Nguyễn Thiện