Vụ ngộ độc tại iSchool Nha Trang: Còn 2 trẻ đang điều trị hồi sức tích cực

22/11/2022 - 13:06

PNO - Trong số 200 học sinh đang nằm viện do vụ ngộ độc tại Trường tiểu học, THCS, THPT iSchool Nha Trang, hiện còn 2 trẻ điều trị hồi sức tích cực nhưng đã qua giai đoạn nặng.

 

Trường Ischool Nha Trang, nơi xảy ra vụ ngộ độc khiến 1 trẻ tử vong, hơn 600 người ngộ độc
Trường iSchool Nha Trang, nơi xảy ra vụ ngộ độc khiến 1 trẻ tử vong, hơn 600 người ngộ độc

Ngày 22/11, ông Vương Ánh Dương - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cho biết, tình hình ngộ độc tại Trường tiểu học, THCS, THPT iSchool Nha Trang (iSchool Nha Trang) đã cơ bản ổn định và các bệnh nhân đã qua giai đoạn nặng. Các triệu chứng lâm sàng của trẻ đã hết, chỉ số xét nghiệm dần ổn định.

Theo đó, tới thời điểm hiện tại, còn 206 học sinh, giáo viên đang điều trị tại 7 cơ sở y tế tại Khánh Hòa (trong đó có khoảng 200 học sinh). Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa là đơn vị đang điều trị nhiều bệnh nhân nhất, với 85 ca. Hầu hết bệnh nhân hiện có tiến triển tích cực, sức khỏe ổn định, tỉnh táo, đỡ mệt, không nôn, không sốt, ăn uống được.

Tuy nhiên, còn 2 bệnh nhi phải điều trị hồi sức tích cực. Đây là học sinh 11 tuổi (điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa) và học sinh 16 tuổi (điều trị tại 1 bệnh viện tư nhân).

Lý giải về một số trường hợp bệnh nhân nặng, ông Vương Ánh Dương cho biết thêm, một phần do gia đình phát hiện ra bé có triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy nhưng không đưa đi viện ngay; một số trẻ vào viện trong tình trạng tiêu chảy dữ dội, tụt huyết áp mạnh, sốt rất cao, rối loạn điện giải, phải chuyển vào hồi sức tích cực.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc Sở Y tế Khánh Hòa cùng các đơn vị liên quan. Về nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc, hiện đã xác định do khuẩn Salmonella. Nhưng vi khuẩn này nằm ở đâu, trong thực phẩm nào là vấn đề đang được đặt ra.

Ông Vương Ánh Dương thông tin, chiều nay (22/11), Viện Pasteur Nha Trang sẽ có kết quả lấy các mẫu thực phẩm xét nghiệm. Sau khi giải trình tự gen vi khuẩn, các cơ quan sẽ phối hợp để truy xuất nguồn gốc của vi khuẩn, từ đó có các biện pháp ngăn chặn triệt để.

Ông Vương Ánh Dương cũng nhấn mạnh, có khoảng 2 - 20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2 - 3 tháng sau khi hết triệu chứng, do đó, điều quan trọng là cần tuyên truyền, hướng dẫn cho gia đình các bệnh nhi vệ sinh phòng bệnh lây lan ra xung quanh sau khi các bé ra viện.

Trước đó, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác và các chuyên gia chống độc từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ công tác điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang. Vụ việc này đã khiến hơn 600 người bị ngộ độc, trong đó có 1 nam học sinh đã tử vong.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI