Như Ý được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa/bón mạn tính, còn Duy là rối loạn tiêu hóa (trước đó một ngày, Duy còn đi tiểu có cặn). Cầm giấy xuất viện và mớ thuốc trên tay, chị Hương - mẹ bé Như Ý - vẫn chưa hết lo âu: “Không biết nay bé hết ói, hết đau, mai về có bị nữa không?".
|
Không tin tưởng vào kết quả xét nghiệm “không có gì”, các gia đình đã cùng tự ghi nhận bệnh trạng các bé bằng bảng theo dõi từng ngày |
Theo các phụ huynh, các triệu chứng ói, đau bụng của 7 bé còn lại đều đã giảm, giãn khoảng cách; riêng bé Nhật Minh vẫn bị đau bụng, tối 11/4, phải hai lần vào phòng cấp cứu vì đau bụng và đi cầu ra máu.
Ngày 11/4, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tổ chức hội chẩn cùng các chuyên gia từ BV Nhi Đồng 2, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và BV Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai về trường hợp của 9 bệnh nhi (ở xã Phú Lộc, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) lần đầu uống sữa tươi nguyên chất 100% trong chương trình sữa học đường ở trường đã bị nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, tụt cân, đang điều trị tại khoa Tiêu hóa của BV Nhi Đồng 1.
Bác sĩ Lê Thị Bích Liên - Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết, hội đồng chuyên môn đã họp xoay quanh câu hỏi: các bé bị bệnh gì và những triệu chứng này có liên quan việc uống sữa không? Qua lắng nghe gia đình, bệnh nhi khai triệu chứng và làm những xét nghiệm đường tiêu hóa, xét nghiệm máu, siêu âm bụng, cấy phân, chỉ có 3 bệnh nhi có chỉ số creatinin cao hơn bình thường nhưng cũng chưa thể nói là có bệnh lý về thận, 2 cháu bị suy dinh dưỡng, 2 cháu có hồng cầu thấp… nhưng nhìn chung, không có gì bất thường.
Kết luận bước đầu của BV Nhi Đồng 1 TP.HCM là các bé bị rối loạn tiêu hóa. Qua hội chẩn, các chuyên gia cũng đồng thuận với kết luận này. “Trong đợt này, chúng tôi điều trị những dấu hiệu, triệu chứng, và kết quả là các dấu hiệu, triệu chứng này đã giảm, có bệnh nhi đã khỏi và được cho xuất viện” - bác sĩ Liên thông tin.
|
Sau đợt ói, đau bụng, bé Trương Nguyễn Hùng Thương còn thường bị co quắp và đau các đốt ngón tay |
Về nghi vấn có sự liên quan giữa việc uống sữa với các triệu chứng trên, bác sĩ Liên cho rằng, BV không có khả năng và chức năng trả lời, do các cháu nhập viện rất lâu sau khi uống sữa và BV không làm công việc kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng sữa, lập biên bản hiện trường hay các công việc có liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Theo chúng tôi, câu hỏi này chỉ có ngành y tế tỉnh Đồng Nai mới đủ trách nhiệm, chức năng và thẩm quyền trả lời” - bác sĩ Liên nói. Liên quan đến vấn đề này, ngày 12/4, ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - xác nhận, sở có trách nhiệm trả lời nghi vấn này và hiện đang chờ văn bản chính thức của hội đồng chuyên môn từ BV Nhi Đồng 1 TP.HCM để xử lý.
Bác sĩ Liên cho biết, hội đồng chuyên môn cũng đặt vấn đề vì sao xác định tình trạng bệnh của các bé không đến mức nguy hiểm nhưng BV Nhi Đồng 1 TP.HCM vẫn cho các bé nhập viện. Bà giải thích: “Chúng tôi nhận bệnh vì trong các bệnh nhi, có 3 bệnh nhi cũ, được gia đình đưa đến BV đúng với lời dặn dò “tái khám khi có dấu hiệu bất thường”.
Lúc chờ nhập viện ở phòng lưu, các cháu có dấu hiệu mệt mỏi, ho, ói, đau bụng. Hơn nữa, các cháu bị đồng loạt, các gia đình lại hoang mang, lo lắng. Chúng tôi nhận bệnh với hy vọng tìm ra căn bệnh, định đúng dấu hiệu, triệu chứng để điều trị cho các cháu”.
Trước lo lắng của các phụ huynh về việc các bé có thể không dứt hẳn những triệu chứng ban đầu, bác sĩ Bích Liên khẳng định: “Xuất viện không có nghĩa là ngưng điều trị. Thậm chí, chúng tôi cần sự quan tâm chặt chẽ từ phía phụ huynh, theo dõi các triệu chứng của con em, khi có dấu hiệu bất thường thì lập tức đưa trở lại BV. Hôm nay, chúng tôi cho các bé xuất viện là do tình trạng các bé đã cải thiện, có thể trở lại sinh hoạt, học tập bình thường. Nếu ở lại BV, với thể trạng vừa hồi phục, các bé có nguy cơ lây nhiễm những bệnh khác ở khoa tiêu hóa, như tiêu chảy cấp chẳng hạn”.
Suốt mấy ngày vừa qua, phòng số 6 khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM không lúc nào yên. Sợ không ai tin tình trạng con mình bị đau bụng, ói, co quắp tay chân, các phụ huynh đã ghi âm, ghi hình, vô tình vi phạm nội quy bệnh viện, nên đã bị nhắc nhở. Các thân nhân bệnh nhi đã tự lập bảng ghi chép triệu chứng của con em từng ngày để so sánh. Rõ ràng, nếu có câu trả lời cuối cùng của ngành y tế thì các gia đình sẽ đỡ hoang mang hơn.
Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã thông tin, ngày 2/3, gần 100 học sinh ở Trường tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) lần đầu uống sữa tươi nguyên chất 100% trong chương trình sữa học đường ở trường đã bị nôn, đau bụng, phải nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc.
Trong khi kết quả kiểm định chất lượng sữa là phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (Quy chuẩn QCVN 5-1: 2010/BYT do Bộ y tế ban hành ngày 2/6/2010), thì đến nay, 11 trẻ trong số đó vẫn phải thường xuyên nhập viện do nôn, tiêu chảy, táo bón, viêm đường hô hấp.
|
Hạnh Chi