Vụ ngộ độc nghi do sữa ở Đồng Nai: 66 ngày đau đớn và im lặng

07/05/2018 - 08:15

PNO - 66 ngày trôi qua kể từ khi bị ngộ độc tập thể sau khi uống sữa, bảy học sinh ở xã Phú Lộc, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vẫn còn đau bụng. Bé Nhật Minh, Ngọc Lan vẫn ói.

Thắt lòng nhìn con đau đớn

Bà Phan Thị Thanh Thúy - bà ngoại bé Châu Ngọc Lan - kể: “Từ hôm ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 về (ngày 17/4), hầu như ngày nào, cháu cũng đau bụng. Hôm thứ Sáu vừa rồi, cháu đau suốt 40 phút ở trường, phải chuyển lên phòng y tế nằm. Thuốc vẫn uống, bệnh viện nào cũng đi, mà cứ như vầy, không biết bao giờ mới khỏi”.

Qua điện thoại, anh Đoàn Phước Long cũng phàn nàn về tình trạng đau bụng thường xuyên của con gái Quỳnh Như, anh Trương Đình Thọ cũng lo lắng về tình trạng đau bụng của con trai là Hùng Thương.

Vu ngo doc nghi do sua o Dong Nai: 66 ngay dau don va im lang
Phụ huynh và các bé tại phòng 6, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM chiều 10/4

Theo hai vị phụ huynh này, tình trạng của Như và Thương khá giống nhau: khoảng hai tuần nay, thời gian mỗi cơn đau bụng của hai bé có giảm, nhưng số lần đau lại tăng lên. Trước đó, mỗi cơn đau của Như và Thương kéo dài tầm 40-60 phút, có ngày bé không đau nhưng gần đây, ngày nào bé cũng lên cơn đau chừng 15-20 phút, mức độ đau không giảm. 

Theo ông Nguyễn Huỳnh Thuật, sau 19 ngày điều trị (trong đó có 9 ngày điều trị nội trú) ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, hơn 30 ngày điều trị ở các bệnh viện trong tỉnh Đồng Nai, bệnh tình của Nhật Minh vẫn không giảm.

Ngày 27/4, ông Thuật đưa con đến khám và điều trị theo phác đồ của một bệnh viện quốc tế. Đêm 5 và sáng 6/5, Nhật Minh vẫn ói. Năm triệu chứng chính kể từ khi uống sữa ở trường vẫn chưa dứt hẳn là đau bụng nặng theo cơn, đau đầu và nổi da gà khi lên cơn đau, mắc ói và đau các khớp, cơ chân, tay. 

Cũng cho con điều trị theo đơn thuốc của bệnh viện quốc tế gần hai tuần nay, dù thấy các triệu chứng ở con có thuyên giảm, chị Nguyễn Thị Thanh Nhài - mẹ của bé Đặng Thị Thanh Trâm - vẫn còn hoang mang khi đêm 5/5, Trâm lại tiếp tục lên cơn đau bụng dưới trong 20 phút.

Theo chị Nhài, ngày 17/4 là đợt khám cuối cùng của Thanh Trâm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Thanh Trâm bị “táo bón mạn và viêm hô hấp trên” rồi kê đơn thuốc cho một tuần, hẹn tái khám vào ngày 24/4.

Tuy nhiên, sau khi uống hết thuốc mà bệnh tình của con không hề thuyên giảm, chị Nhài quyết định không tái khám mà điều trị theo đơn thuốc của một bệnh viện quốc tế. Chung tình trạng đau bụng như các bạn, nhưng sáng nay, bé Trần Ngọc Mai còn nhăn mặt nói với mẹ: “Con mắc tiểu mà không đi được”. 

“Xin phép không trả lời”

Triệu chứng kỳ lạ đang hủy hoại sức khỏe của các em xuất phát từ đâu? Loại sữa (trong chương trình sữa học đường) được nhà trường tổ chức cho uống 20 phút trước khi 73 học sinh đồng loạt ngộ độc có liên quan gì đến tình trạng hiện tại của 9/73 học sinh này? Những câu hỏi trên vẫn nhức nhối trong các gia đình đang phải chứng kiến đứa con khỏe mạnh bỗng đau bụng triền miên suốt 66 ngày qua.

Vu ngo doc nghi do sua o Dong Nai: 66 ngay dau don va im lang
Sau đợt ói, đau bụng, bé Trương Nguyễn Hùng Thương còn thường bị co quắp và đau các đốt ngón tay

Làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM hồi tháng 4 vừa qua, ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - hẹn sẽ trả lời về mối liên quan giữa việc uống sữa với các triệu chứng của trẻ khi nhận được văn bản chính thức của hội đồng chuyên môn từ Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Thị Bích Liên - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - lại cho rằng, việc xác định nhân tố gây bệnh là vượt khỏi khả năng của bệnh viện vì bệnh viện tiếp nhận các cháu cách thời điểm uống sữa khá lâu.

Trả lời các phụ huynh vào ngày 27/4, bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cũng cho rằng, nếu tiếp nhận bệnh ngay từ đầu, bệnh viện mới có khả năng trả lời câu hỏi về mối liên quan giữa bệnh với việc uống sữa.

Khi làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện các đơn vị có liên quan thuộc tỉnh Đồng Nai khẳng định, họ đã có mặt ngay từ đầu và phối hợp theo dõi tình trạng trẻ tại các bệnh viện, trong đó có Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Sáng 6/5, sau 66 ngày từ vụ ngộ độc và 20 ngày kể từ ngày hẹn công bố kết quả, ông Lê Quang Trung nói: “Đến lúc này, vẫn chưa có câu trả lời”. Chúng tôi tiếp tục hỏi về việc tại sao ngành y tế tỉnh Đồng Nai không lấy mẫu nôn và xét nghiệm chất nôn của trẻ ngay từ đầu, ông Trung trả lời: “Tôi xin tiếp nhận câu hỏi nhưng xin phép không trả lời”. 

Kết quả kiểm nghiệm sữa “an toàn” mà các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai công bố hôm 8/3 ngày càng thiếu sức thuyết phục khi những đứa trẻ vẫn tiếp tục trải qua những cơn đau dai dẳng từ khi được cho uống sữa đến nay.

Sáng 7/5, các bé sẽ được gia đình đưa đến tái khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Đây là lần tái khám đầu tiên kể từ ngày 17/4 của các bé Quỳnh Như, Ngọc Lan, Ngọc Mai, Hùng Thương, Trọng Phúc dù bác sĩ có hẹn tái khám vào ngày 24/4. Hai trong số ba em còn lại được gia đình đưa đi điều trị ở bệnh viện quốc tế, em Như Ý vẫn tái khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, các phụ huynh bộc bạch: “Ngày 17/4, người nhà đều nghỉ làm để đưa con đi khám là vì nhà trường tổ chức cho xe đưa đi. Còn ngày 24/4, tới hẹn tái khám nhưng nhà trường không nói gì nên phụ huynh đành lấy toa cũ mua thuốc cho con uống. Rồi tụi nó vẫn cứ đau, đau bụng hơn hai tháng trời. Ngày mai, kiểu gì, chúng tôi cũng phải đưa tụi nó đi tái khám”. 

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhiều lần thông tin, ngày 2/3, gần 100 học sinh ở Trường tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) lần đầu uống sữa tươi nguyên chất 100% trong chương trình sữa học đường ở trường đã bị nôn ói, đau bụng, phải nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc. Đến nay, nhiều em trong số đó vẫn thường xuyên đau bụng, nôn ói…

Hạnh Chi - Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI