Vụ nghi vấn sự cố bức xạ ở TPHCM: Có thể xử lý hình sự bệnh nhân

26/02/2021 - 11:23

PNO - Hành vi khai thông tin không trung thực, từ chối làm việc với cơ quan chức năng của các bệnh nhân có thể bị xử lý hình sự.

Liên quan đến nghi vấn sự cố bức xạ ở TPHCM, nguồn tin của phóng viên cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ đã từng vận động, thuyết phục bệnh nhân đến làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ sự việc liên quan đến sự cố bức xạ. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối làm việc trực tiếp với nhiều lý do được nêu ra. Các nội dung này đã được Sở Khoa học và Công nghệ thông tin lại cho Công an TPHCM để xác minh.

Một thiết bị được quảng cáo là máy phát tia X chơi tài xỉu bịp.
Một thiết bị được quảng cáo là máy phát tia X chơi tài xỉu bịp

Một chuyên gia lĩnh vực phóng xạ ở TPHCM cho rằng, thông tin về nghi vấn sự cố phóng xạ được các bệnh nhân khai báo không trùng khớp. Các bệnh nhân cần biết rằng, hành vi tung tin đồn thất thiệt liên quan đến phóng xạ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hành vi không hợp tác cung cấp thông tin để làm rõ về nghi vấn sự cố bức xạ nói trên cũng có thể bị xử lý.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) cho hay, căn cứ theo Nghị định 107/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính năng lượng nguyên tử, các bệnh nhân trên có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi cố tình dựng lên sự cố phóng xạ.

Ví dụ: Tại điều 5 của nghị định trên quy định, vi phạm quy định về khai báo chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại điều này.

Tại điều 18 có quy định, vi phạm quy định về sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ, nhập khẩu thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại điều này.

Tại điều 19 của nghị định có quy định về hành vi vi phạm quy định về giải quyết sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại điều này. Ngoài ra, Nghị định 107/2013/NĐ-CP còn một số quy định xử phạt khác đối với việc không đảm bảo an toàn, gây ra sự cố phóng xạ.

“Ngoài ra, tùy theo hậu quả của sự cố phóng xạ mà cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Hùng phân tích.

Về hành vi không hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ nghi vấn sự cố bức xạ, luật sư Hùng cho rằng, căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 19 Nghị định 107/2013/NĐ-CP, đối với hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu, không hợp tác với cơ quan, tổ chức trong việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố bức xạ bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Như tin đã đưa, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi các đơn vị chức năng liên quan đến xử lý sự cố bức xạ liên quan đến thiết bị X-quang y tế. Vụ việc này từng được Báo Phụ Nữ TPHCM đề cập ở bài viết “Hiểm họa phóng xạ từ dụng cụ chơi cờ bạc gian lận”.

Nguồn tin của phóng viên cho biết, do các bệnh nhân nghi bị sự cố bức xạ khai báo địa chỉ không trung thực nên cơ quan công an đang vào cuộc truy tìm các bệnh nhân này cũng như là thiết bị gây ra sự cố bức xạ.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 24/2, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương phối hợp với Công an, Sở Y tế triển khai các biện pháp xử lý sự cố nêu trên; đồng thời chủ động rà soát lại kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn TPHCM.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI