Vụ nâng khống điểm thi ở Hà Giang: Tương lai của những thí sinh thế hệ '6 giây'

18/07/2018 - 12:51

PNO - Mới vài tuần trước, chúng ta còn xôn xao về đề thi "đánh thức tiềm lực". Barem chấm thi nhấn mạnh đến tiềm lực con người.

Còn ngày hôm qua, tất cả đều sốc, bởi cái tin một tỉnh miền núi địa đầu với 330 bài thi gian lận, sửa điểm từ không thành có.          

Tất cả chỉ nhờ 6 giây thao tác của một người có chức trách. Những cái tên mới một tuần trước còn nằm trong bảng vàng, giờ thành sự mai mỉa.   

Vu nang khong diem thi o Ha Giang: Tuong lai cua nhung thi sinh the he '6 giay'
Biểu đồ thể hiện khoảng cách giữa điểm thi đã công bố và điểm chấm thi thẩm định trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang.

Nhiều năm trước, ở một huyện đảo, người ta vẫn kể về những người trèo cả lên cây bắc loa đọc vanh vách đáp án cho tất cả các phòng thi chép.

Có những kỳ thi mà thí sinh đứng hẳn lên thưa: Thưa cô, em được giải Quốc gia vào thẳng đại học rồi, cô cho em mở tài liệu để qua tốt nghiệp. Và qua!

Nhưng đó là chuyện nhiều năm về trước. 

Cho đến khi, những bài thi 6 giây lộ ra. Sự gian dối hoá ra chỉ thay đổi hình thức thể hiện. Ngay cả khi dùng đến những thiết bị công nghệ cao, thì với những con người cũ, cái chúng ta nhận được vẫn là hậu quả cũ. 

Tiềm lực con người của chúng ta đấy ư? 

Tôi không biết các em có được dặn dò trước khi bước vào phòng thi rằng các em sẽ có điểm cao không. Nhưng tôi tin, các em hiểu vấn đề khi kết quả công bố. Bi kịch, là bài học đầu tiên khi mới ra ràng của 114 học sinh, là bài học dối trá. 

Trong cuộc đời chúng ta có bao nhiêu lần trải qua các kỳ thi, bao nhiêu lần phải đối mặt các giai đoạn quan trọng, và hầu như ai cũng ít nhất vài lần được "dạy" cách gian dối. 

Đi thi được dạy mánh khoé để có điểm. Đi làm được dạy cách chạy việc, bằng tiền hay nhiều thứ khác. Bạn làm công chức? Sẽ có những cách thức dạy bạn để qua các kỳ thi công chức (mà vốn dĩ không có nhiều ý nghĩa về thực tiễn công việc). Ngay cả thi bằng lái xe, cũng sẽ có người dạy bạn cách "chống trượt". Hình như chúng ta đã quen trong thế giới dối trá ấy, và chấp nhận như một kiểu "À, thì đời nó thế".

Hà Giang chỉ "xui" hơn nơi khác vì sự gian dối lộ liễu quá. Còn lại "kính thưa các đồng chí chưa bị lộ", có ai dám chắc đây chỉ là chuyện Hà Giang? Còn bao nhiêu lứa "6 giây" trong các kỳ thi?. Có bao nhiêu người trong các cuộc gian dối ấy, vắt tay lên trán mình tự vấn? Rằng họ không chỉ tạo ra một thế hệ "tiềm lực" ảo, mà có thể -  nói đúng hơn - góp phần phá hoại cả một đất nước.

Những đứa trẻ không đủ kiến thức, bước vào các trường danh tiếng, và rồi lại tiếp tục các cuộc gian dối để có chỗ đứng trong xã hội. Đó sẽ là một vòng luẩn quẩn đến bao giờ? Một cô giáo thời "6 giây" sẽ dạy gì học trò trên bục giảng? Cách chạy điểm chăng!? Một sinh viên Y đỗ từ "6 giây" có đủ tốt nghiệp sau 6 năm? Hay sẽ phải thuê người nghiên cứu và học hộ? Một anh công an sẽ có thể trung thực trong hành pháp, khi xuất thân từ lứa "6 giây" ngày nào? Hay đó sẽ là chủ nhân của những nghi án "cầm vật giống tiền"? Và rồi, chính họ, sẽ tiếp tục tạo ra một lứa "6 giây" nữa - như một thói quen? 

Cách đây không lâu, một cô bé 16 tuổi nick name là Linh Ka trong một vlog có phát ngôn mạnh miệng là: "Bây giờ có thể mua được điểm thi cấp 3 và Đại học mà", và bị "ném đá" không thương tiếc. Cô bé ấy đã phải xin lỗi.

Trẻ con thường nói và làm theo những điều người lớn hướng dẫn. 

Nhưng chắc không ai nghĩ mình có phần trách nhiệm trong phát ngôn ấy đâu. 

Mai Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI