Vụ 'Một chữ nhầm, thiệt hại toàn tập': Có sự bao che của cấp trên?

18/03/2017 - 08:47

PNO - Thay vì phải kê biên tài sản của CT TNHH TMDV Trung Nam I thì cơ quan Thi hành án lại kê biên, bán đấu giá khu đất số 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1 là tài sản hợp pháp của CT CP Trung Nam.

Ngoài kết luận về những sai phạm của cơ quan Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM, đã THA sai đối tượng, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp (DN) là Công ty (CT) CP Trung Nam, CT TNHH Đông Nam Việt Nam (xem bài Cục Thi hành án dân sự TP.HCM: Một chữ “nhầm”, thiệt hại “toàn tập”, báo Phụ Nữ ngày10/3), Viện KSND tối cao cũng không đồng ý với báo cáo “tóm tắt mà không phản ánh đầy đủ diễn biến” của Bộ Tư pháp liên quan đến vụ việc. Chính vì thế, vẫn chưa thấy được những vi phạm của chấp hành viên trong quá trình THA.

Vu 'Mot chu nham, thiet hai toan tap': Co su bao che cua cap tren?

Nhà xưởng hoang phế tại khu đất 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Ảnh: Quốc Ngọc

 

Doanh nghiệp tẩu tán tài sản?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả kiểm tra khiếu nại của CT Đông Nam, Bộ Tư pháp lại cho rằng, việc CT Trung Nam I chuyển nhượng 4.721m2 đất tại số 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1 cho CT CP Trung Nam là tẩu tán tài sản(?). Theo Bộ Tư pháp, việc chuyển nhượng (diễn ra tháng 12/2004) được thực hiện sau ngày bản án số 42/KTPT ngày 6/9/2001 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao và bản án số 976/DSPT ngày 18/6/2003 của TAND TP.HCM có hiệu lực pháp luật.

Như vậy là có dấu hiệu tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ THA. Đồng thời, Bộ áp dụng Thông tư 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC để biện minh cho hành động kê biên tài sản của Cục THA dân sự TP.HCM  là đúng quy định.

Trao đổi với chúng tôi ngày 14/3, luật sư Nguyễn Hoàng Diễm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Cơ quan CSĐT CA Q.5 (TP.HCM) đã bác bỏ hành vi tẩu tán tài sản của DN. Theo thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan này năm 2012, tại thời điểm chuyển nhượng, Cục THA dân sự TP.HCM không có kê biên tài sản nên việc chuyển nhượng không được coi là hành vi tẩu tán tài sản.

Về việc Bộ Tư pháp dùng Thông tư 12 để “bênh vực” cho việc kê biên của cấp dưới là đúng, theo luật sư Diễm, đó chỉ là “vận dụng một nửa” các quy định pháp luật. Đến đây, đã lòi ra thêm sai phạm của cơ quan THA.

Bán đấu giá tài sản trái phép

“Cũng theo Thông tư 12, nếu muốn kê biên tài sản đã chuyển nhượng sau khi có bản án hay quyết định của tòa án, thì sau đó chấp hành viên phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch chuyển nhượng đó”, luật sư Diễm nói. Nghĩa là, tại thời điểm cơ quan THA dân sự ra quyết định số 457 ngày 8/1/2008 áp dụng biện pháp kê biên đối với khu đất 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1 thì tài sản này đã được CT Trung Nam I chuyển nhượng cho CT CP Trung Nam.

Tiền chuyển nhượng cũng đã được CT Trung Nam I (bên phải THA) nộp cho cơ quan THA dân sự. “Việc chuyển nhượng này đã có hiệu lực pháp luật. CT Trung Nam đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiếp tục được thuê đất theo đúng Luật Đất đai. Hợp đồng chuyển nhượng không bị pháp luật cấm và chỉ có thể bị hủy bởi cơ quan đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tòa án”, luật sư Diễm diễn giải. 

Thế nhưng, cũng theo luật sư Diễm, vào tháng 4/2011, Cục THA dân sự TP.HCM đã ngang nhiên tổ chức bán đấu giá tài sản nói trên cho CT Hồng Nghi với giá gần 10 tỷ đồng. Việc này được thực hiện thông qua tổ chức bán đấu giá Nam Việt.

Trong khi đến 5 năm sau, mãi tháng 3/2016, Sở TNMT TP.HCM mới có văn bản chấm dứt hợp đồng thuê đất, hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi chủ sử dụng đất, hủy bỏ nội dung chuyển quyền sở hữu trên các chứng từ liên quan đến hợp đồng mua bán tài sản tài sản gắn liền với đất của CT CP Trung Nam.

Theo nhận định của Viện KSND Tối cao, trong thời gian chưa có văn bản thu hồi của UBND TP mà cơ quan THA dân sự tổ chức định giá, bán đấu giá thành tài sản THA và liên tục yêu cầu CT Đông Nam phải trả lại đất đã thuê của CT CP Trung Nam (làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN) là vượt quá quyền hạn của cơ quan THA dân sự, không phù hợp với các quy định pháp luật.

Nói cách khác, cơ quan THA dân sự không có quyền phán xét tính hợp pháp của giao dịch chuyển nhượng, mà phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND hay tòa án xem xét. Việc kê biên, tự ý xử lý tài sản bị kê biên khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là không đúng thẩm quyền.

Phớt lờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền

Việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất nói trên của Cục THA TP.HCM đã gặp nhiều ý kiến không đồng thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Năm 2011, Bộ TNMT đã khẳng định, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của CT Trung Nam I là phù hợp với quy định tại điều 110, Luật Đất đai năm 2003.

Việc kê biên tài sản là quyền sử dụng đất vào thời điểm quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng cho CT CP Trung Nam là không phù hợp với quy định tại điểm b, khoản 2, điều 2, Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2009 của Chính phủ về kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo THA.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xem xét đơn khiếu nại của Công ty CP Trung Nam, ngày 3/1/2012, Tổng thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 04/TTCP-PC nội dung: theo điều 2, Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2009 của Chính phủ về kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo THA thì quyền sử dụng đất được kê biên phải đủ điều kiện như: quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng, người THA phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhưng trong trường hợp này, người phải THA là CT Trung Nam I không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì kể từ ngày 26/10/2006 CT đã thanh lý hợp đồng thuê đất với UBND TP.HCM.

Cũng từ ngày đó, CT CP Trung Nam là người có quyền sử dụng đất theo hợp đồng thuê đất số 10197/HĐ-TNMT-QSDĐ.

Ngoài ra, điều 26, Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản phải thực hiện như sau: Một, khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc bằng chứng khác chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó.

Hai, tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của các thông tin về nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.

Như vậy, cả cơ quan THA dân sự và tổ chức bán đấu giá Nam Việt đều vi phạm nghiêm trọng quy định trên khi tổ chức bán đấu quyền sử dụng đất và nhà xưởng mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người phải  THA là CT Trung Nam I. Vụ việc THA phức tạp và kéo dài này phải đến khi có sự chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành trung ương như UBTƯ MTQVN, UB Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, UB Tư pháp Quốc hội chỉ đạo Viện KSND Tối cao kiểm sát việc THA mới lòi ra các sai phạm.

Theo luật sư Diễm, lẽ ra khi nhận được các ý kiến không đồng thuận của cơ quan, ban ngành liên quan, cơ quan tư pháp trung ương (cấp trên của Cục THA dân sự TP.HCM) phải xem xét, hủy bỏ các quyết định kê biên và kết quả bán đấu giá sai trái trên; nhưng trước những ý kiến đó, Bộ Tư pháp lại có báo cáo số 305/BC-BTP về kết quả kiểm tra việc khiếu nại của CT Đông Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo này đã gặp sự phản đối gay gắt của Viện KSND Tối cao vì báo cáo chỉ phản ánh tóm tắt, không đầy đủ quá trình THA, đồng thời nội dung lại phiến diện, không hề đề cập đến sai phạm của chấp hành viên và cơ quan THA dân sự. Viện KSND Tối cao đề nghị UB Tư pháp Quốc hội và UBTƯ MTTQVN tiếp tục tiến hành giám sát đối với việc THA này; từ đó làm rõ nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục các tồn tại của vụ việc.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là có hay không sự bao che của cấp trên đối với cấp dưới của ngành tư pháp trong vụ THA “nhầm” này?

Quốc Ngọc

Trong bài , chúng tôi đã nêu sự việc Cục THA dân sự TP.HCM  THA sai đối tượng, gây thiệt hại nặng nề cho các DN.

Cụ thể, thay vì phải kê biên tài sản của CT TNHH TMDV Trung Nam I thì cơ quan này lại kê biên, bán đấu giá khu đất số 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn (TP.HCM) là tài sản hợp pháp của CT CP Trung Nam, đơn vị không có nghĩa vụ  THA.

Việc này khiến CT TNHH Đông Nam Việt Nam (DN 100% vốn nước ngoài) là đơn vị thuê lại khu đất trên từ CT CP Trung Nam để sản xuất, kinh doanh cũng bị “vạ lây”.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp, trong trường hợp UB Tư pháp Quốc hội có quyết định giám sát vụ việc, Bộ Tư pháp phải chỉ đạo các cơ quan THA dân sự thực hiện theo yêu cầu giám sát đúng quy định pháp luật. Bộ cũng phải chỉ đạo Tổng cục THA dân sự kiểm tra, giải quyết khiếu nại của CT Đông Nam theo đúng quy định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI