Vụ mổ xong mới biết bệnh nhân nhiễm HIV: 19 cán bộ y tế khó bị phơi nhiễm

10/07/2015 - 16:48

PNO - PN - Đang mang bầu ở tuần thứ 13 và không mang găng tay trong toàn bộ quy trình phẫu thuật, nên khi nhận thông tin bệnh nhân cấp cứu bị nhiễm HIV, dụng cụ viên Bùi Thị Thanh (BV Phụ sản Hà Nội) trong kíp mổ lo lắng “rụng rời”…

edf40wrjww2tblPage:Content

Vu mo xong moi biet benh nhan nhiem HIV: 19 can bo y te kho bi phoi nhiem

Nguồn ảnh: Viennamnet.vn

Ca cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. (Quảng Ninh) nhiễm HIV ngày 4/7 đến nay vẫn khiến nhiều y bác sĩ (BS) trong ê-kíp của BV Phụ sản Hà Nội hoang mang. BS Lưu Quốc Khải - trưởng khoa đẻ A2 cho biết, bệnh nhân H. được đưa vào viện trong tình trạng da vàng nhợt, huyết áp không đo được, nhịp tim rời rạc, trụy tuần hoàn và “ngáp cá”.

Máu chảy từ tử cung ướt sũng người bệnh nhân. Nhận định ca bệnh quá nặng, các BS không chuyển lên phòng mổ mà thực hiện phẫu thuật ngay tại phòng hồi sức. “Khi đang phẫu thuật, chúng tôi được thông báo bệnh nhân bị nhiễm HIV, cả ê-kíp sững sờ”, BS Khải nói.

Khi thực hiện ca mổ này, ê-kíp không trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ đúng theo quy trình. BS trực tiếp mổ chỉ đeo một găng tay và nhiều y tá, kỹ thuật viên sử dụng tay trần.

Trong quá trình phẫu thuật, máu của bệnh nhân tuôn ra, bắn khắp phòng bệnh và dính cả vào người BS, dụng cụ y tế khiến 19 cán bộ, y BS (trong đó có một học viên đang theo học tại BV) đứng trước nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Dụng cụ viên Bùi Thị Thanh, đang mang bầu ở tuần thứ 13, cho biết. “Cả quá trình mổ, tôi không đeo găng tay. Tay tôi có tiếp xúc vào ống hút và áo BS nhưng không biết có bị trầy xước không nên khi biết bệnh nhân nhiễm HIV, tôi rất lo lắng”.

Để xảy ra sơ suất trong quy trình cấp cứu dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm HIV, BS Lưu Quang Khải cho biết: “Nếu ai cũng lo cho mình, chuẩn bị đủ kính, găng tay thì bệnh nhân không có cơ hội sống. Thực hiện những thao tác này tính bằng phút, trong khi tính mệnh bệnh nhân tính bằng giây”.

BS Khải thừa nhận, cả kíp mổ không nghĩ tới tình huống bệnh nhân mắc HIV. Với những ca cấp cứu diễn ra trong phòng mổ, BS Khải khẳng định, cán bộ, y BS phải trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, bao gồm áo chuyên dụng (giống áo mưa) mặc bên trong áo blouse, đeo kính bảo hộ mắt, đi ủng, khẩu trang. Các BS mổ phải đeo hai đôi găng tay dài hơn so với găng thông thường.

Ngày 9/7, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. đã hồi phục và xuất viện. Trước đó, bà Lưu Thị B., mẹ chồng nạn nhân đã gửi lời xin lỗi tới kíp mổ vì đã không thông tin kịp thời tới y BS. Theo bà B., khi tới viện, chị H. đã bất tỉnh nhân sự. Con trai H. năm nay 11 tuổi hoảng hồn gọi điện thoại thông báo cho cô ruột tới bệnh viện. Trong khi đó, chuyện chị H. nhiễm HIV trong gia đình chỉ có bà B. và con dâu biết. Chị H. lập gia đình được 13 năm, chồng chị mất vì tai nạn. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, chị H. và chồng đều bị nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Chiều ngày 9/7, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khen thưởng ê-kíp cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. tại BV Phụ sản Hà Nội. Về nguy cơ lây nhiễm HIV, ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, ngay sau khi ca mổ kết thúc, toàn bộ cán bộ, y BS trong kíp mổ đã làm xét nghiệm máu và sử dụng thuốc dự phòng ARV, làm hồ sơ theo dõi định kỳ. Hiện kết quả đều âm tính với HIV.

Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định, nguy cơ lây nhiễm của các y BS của BV Phụ sản Hà Nội trong trường hợp này là rất thấp.

 H.ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI