Vụ MC Minh Tiệp: Người lớn đang 'đay nghiến' kết quả của chính mình

28/05/2018 - 11:00

PNO - Thực hư câu chuyện biên tập viên Minh Tiệp - MC Đài Truyền hình Việt Nam bị em vợ tên Thùy Dung (15 tuổi) tố cáo bạo hành nhiều năm nay, hiện vẫn là ẩn số.

Có hay không hành vi bạo hành người khác, đặc biệt là trẻ em, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, với những chứng cứ cụ thể để kết luận. Những ai thương mến, tin tưởng Minh Tiệp lập tức lên tiếng bảo vệ anh. Những người bất bình cùng với dòng trạng thái tố cáo của Thùy Dung nhanh chóng chĩa mũi nhọn vào người anh rể tàn tệ. 

Vu MC Minh Tiep: Nguoi lon dang 'day nghien'  ket qua cua chinh minh
Ảnh: Internet

Khoác chiếc áo “trách nhiệm”, dư luận đã vô tình khơi gợi, tạo nên một cuộc chiến khác: chia tách mối quan hệ của những người trong cuộc. Vài người trong gia đình lên tiếng phản pháo Thùy Dung, bằng cách “vạch trần” sự thật về con người, tính cách của cô bé thông qua việc dựng nên các clip cho thấy em lười học, hỗn láo, ngang tàng. Minh Tiệp không ngần ngại tiết lộ em vợ là người có học lực “đội sổ”, sẵn sàng gây gổ, đánh nhau với mọi người và mới đây còn cầm kéo định đâm chị gái mình. Ba mẹ, chị gái của Thùy Dung cũng đồng lòng khẳng định em là người không ngoan.

Bỏ qua chuyện đúng sai của những “vạch trần” này; cái mà tôi nhìn thấy là sự coi trọng, ưu tiên cách xử lý, đáp trả dư luận của những người trong cuộc. Vì thế, tôi đau lòng nhìn thấy, nảy sinh tất yếu sự tổn thương nơi Thùy Dung trước việc bị đáp trả bằng những “sự thật” về mình bị “vạch trần” - từ chính người thân, nhằm để định danh, dán nhãn cho em, ngầm chứng minh chuyện em tố cáo anh rể bạo hành là bịa đặt, hoặc chỉ là sự bốc đồng của một người vốn chẳng ra sao. Rồi đây, Thùy Dung sẽ hàn gắn với gia đình bằng cách nào? Cuộc xích lại gần nhau trong quan hệ tình thâm ấy rồi sẽ ra sao khi từ đây, giữa họ đã diễn ra cuộc khủng hoảng gắn kết. Kẽ nứt tình thâm đó, liệu có được xóa nhòa trong hành trình sống của một đứa trẻ đang độ tuổi nhạy cảm.

Theo những người trong cuộc, từ năm lớp Sáu em đã rời vòng tay của gia đình, chuyển đến sống cùng anh rể. Rồi, vì em không được ngoan, dẫn đến người sống cùng phải áp dụng cách dạy dỗ, chăm sóc theo hình thức khắt khe hơn. Khi vấn đề em có bị bạo hành vẫn còn là dấu hỏi, nhiều người xem những lời tố cáo của Thùy Dung là kết quả của một cơn tức giận, để đáp trả sự hà khắc từ môi trường, từ cách yêu thương có phần khắt khe của người sống cùng.

Mọi cơn giận đều là sự phản ánh một vết thương nào đó mong được chữa lành, hoặc nỗi lo sợ hay đơn độc trong những vấn đề của mình. Ít người có khả năng bày tỏ cơn giận theo hướng xây dựng, bằng đối thoại. Càng không có nhiều người đáp trả cơn giận của người khác qua mong muốn xây dựng, bằng tìm hiểu, thấu rõ nguồn cơn để giải quyết tận gốc vấn đề.

Một đứa trẻ bị gắn nhãn “không ngoan” bởi chính những người có trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn mình. Vết thương của Thùy Dung là gì? Câu chuyện của em hôm nay chỉ là giọt nước tràn ly, là tiếng kêu khởi phát từ việc sớm không có sự khăng khít dạy dỗ, quan tâm sâu sát hoặc cách yêu thương đúng mực của gia đình. Tiếng kêu ấy cần được lắng nghe, được nhìn thấu - dẫu muộn màng - vẫn thuộc về những người lớn, có trách nhiệm. Bởi tiếng kêu ấy đã có từ năm Thùy Dung vào lớp Sáu, được “nhào nặn” do chính những người lớn. Hôm nay, đã không nhận ra “lỗi mắt xích” của mình để bảo vệ, sửa sai; sao người lớn còn “đay nghiến” kết quả của chính mình? 

Yêu thương, dạy dỗ, bảo bọc một đứa trẻ không ngoan, chưa bao giờ là muộn nếu vẫn coi đó là trách nhiệm của mình. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI