Vụ máy bay rơi ở Phú Yên: Người chứng kiến tai vẫn còn ra máu

27/08/2016 - 07:00

PNO - Ông Hùng đi xe máy gần hiện trường vụ máy bay rơi đã chứng kiến tận mắt cảnh chiếc L39 lao xuống ruộng lúa kèm theo đó là những âm thanh va đập lớn.

Chiều ngày 26/8, sức khỏe ông Đông Hùng (67 tuổi, quê Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Phú Yên) được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên điều trị đã dần ổn định. Tuy nhiên, vùng tai còn ra máu nên được y bác sĩ bệnh viện tiếp tục theo dõi.

Ông Đặng Hùng nói trên tờ Infonet, thời điểm chiếc máy bay L39 gặp sự cố, ông đang đi trên quốc lộ 1A theo hướng Nam ra Bắc thì bất ngờ nghe tiếng vù vù rất lớn trên đầu. "Ngay sau đó, tôi bất tỉnh không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thì thấy mình đang ở bệnh viện rồi", ông Hùng nói.

Vu may bay roi o Phu Yen: Nguoi chung kien tai van con ra mau
Ông Hùng đang nằm điều trị tại bệnh viện.

Ông Hồ Viết Hiệu (69 tuổi, ở xã Hòa Thành, huyện Đồng Hòa), người chứng kiến vụ việc kể: "Tôi đang đi thăm ruộng lúa gần quốc lộ 1A thì bỗng nghe tiếng ầm rất gần tưởng như sét đánh. Quay đầu nhìn lại, tôi thấy lan can đường bị móp méo, trên quốc lộ có chiếc xe tay ga nằm nghiêng, kế bên là một người nằm bất động".

Theo anh Nguyễn Văn Tường (45 tuổi, ở Phú Lâm, TP Tuy Hòa) ban đầu máy bay hạ thấp, sau đó chao đảo rồi lao xuống dưới dây điện, cà sát mặt quốc lộ 1A, làm vỡ một đoạn dải phân cách rồi lao xuống ruộng. Sự việc quá bất ngờ.

Đánh giá về vụ tai nạn trong hàng không quân sự này, lãnh đạo Trường sĩ quan Không quân đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) nói: "Phi công có thể nhảy dù tại thời điểm phát hiện động cơ máy bay L39 hỏng nhưng anh ấy đã cố gắng tận dụng những giây phút cuối cùng, cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu dân cư, tránh tổn thất trước khi rơi xuống".

Ông cho biết, Thượng sĩ Phạm Đức Trung (22 tuổi, quê Ninh Bình) - học viên lớp đào tạo phi công quân sự - điều khiển máy bay L39. Theo chương trình học, anh Trung sẽ thực hành bay đơn - khoa mục không kích. Thầy giáo bay trước, Trung điều khiển chiếc L39 một mình theo sau. Người thầy làm mục tiêu, khi có khẩu lệnh công kích Trung sẽ đến chiếm mục tiêu.

Vừa cất cánh vào khu vực huấn luyện thì L39 bị hỏng động cơ. Phát hiện sự cố, anh Trung lập tức thông báo về trung tâm và "đang cố giữ thăng bằng, đang tìm cách để trở về". Đánh giá máy bay ở độ cao thấp, lực đẩy sẽ bị giảm nên sẽ rơi rất nhanh, chỉ huy nhiều lần yêu cầu thượng sĩ Trung nhảy dù đảm bảo tính mạng nhưng học viên không nói gì.

Vu may bay roi o Phu Yen: Nguoi chung kien tai van con ra mau
Chiếc may bay gặp tai nạn đã được đưa đi khỏi hiện trường (Ảnh VNE).

"Thông thường, phi công nhảy dù tỷ lệ thoát thân cao, đồng nghĩa máy bay mất kiểm soát. Trường hợp rơi xuống khu dân cư sẽ không dự tính được hậu quả. Vì thế, phi công đã luồn qua đường dây điện trên quốc lộ, sà xuống đồng lúa", vị này nói.

Khoá học của thượng sĩ Trung kéo dài 4 năm, tới tháng 9 tốt nghiệp. Trước đây, anh nhiều lần bay qua máy bay Z52, tốt nghiệp khóa học này rất xuất sắc nên được chọn đào tạo bay máy bay phản lực chiến đấu.

Anh Trung còn được đánh giá là một người hòa đồng, năng động, học viên có nhiều kỹ năng bay và có thành tích tốt trong học tập. "Anh ấy đã tìm cách cứu máy bay nhưng bất thành nên cố gắng đưa ra khỏi khu vực vắng người. Đấy là nghĩa cử cao đẹp của phi công chiếm lĩnh bầu trời", lãnh đạo của thượng sĩ Trung chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn tới gia đình anh Trung, đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng kiểm tra lại toàn bộ quy trình trong công tác chỉ huy, huấn luyện, điều hành bay.

Quốc Ninh (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI