PNO - Đọc lời tâm tình giãi bày của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về tình cảnh hiện nay của bà với ông “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, chợt nhớ câu “Vợ chồng là nghĩa tào khang / Xuống sông bắt ốc, lên ngàn hái rau” (ca dao).
Tào (hay “tao”), là bã hèm rượu. Khang là vỏ trấu bên trong của hạt lúa, tức là cám. “Tào khang” là hai thứ bỏ đi, cho heo ăn. Nhưng người nghèo thì có thể lấy đó mà thay cơm gạo. “Nghĩa tào khang”, là nói vợ chồng ngoài cái tình, còn cái nghĩa khi đã có một thời no đói có nhau, nếu vì điều gì khiến hai người đã tắt lửa lòng, thì hãy nhớ cái thời nghèo khổ chia ngọt sẻ bùi, lỡ phải vào cảnh rẽ thúy chia uyên, thì cũng nên đối xử với nhau cho tử tế.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Và trong thực tế, không hiếm những đôi vợ chồng khi đã hương lửa không còn, đã chia tay nhau, nhưng vẫn tôn trọng, đối xử với nhau như những người bạn ngoài đời. Có những cặp đôi, đã chia tay nhau rồi, vẫn nói tốt khi người ta hỏi về người cũ, hoặc trong những hoàn cảnh nào đó vì công việc họ lại phải gặp nhau, vẫn làm việc với nhau, có khi còn trở thành đối tác của nhau.
Có thể, người ta không biết nguyên nhân đôi vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo đổ vỡ là gì. Nhưng ai cũng đã biết, câu chuyện ly hôn và tranh chấp tài sản là thương hiệu mang tên Trung Nguyên của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ là rất gay gắt, căng thẳng, kéo dài nhiều năm. Trung Nguyên, và G7, đã trở thành chiến trường của cặp vợ chồng đứng đầu tập đoàn này. Cái khác biệt trong cuộc tranh chấp này là ngoài việc đòi “nhà chia dọc thóc chia hai” theo Luật hôn nhân và Gia đình, còn có thể thấy đây là tranh chấp của nội bộ lãnh đạo doanh nghiệp về thương hiệu cà phê mang tên “Trung Nguyên”.
Thế nhưng, với những lời chia sẻ của bà Thảo, cảm nhận đầu tiên của người đọc là bà Thảo rất nặng cái nghĩa tào khang với chồng mình. Cũng vì đó mà bà đã cam chịu cay đắng khi bị chồng hắt hủi, cho ra rìa khỏi công ty. Cũng vì đó mà dù bất cứ trong tình trạng thế nào, hoàn cảnh nào, bà vẫn yêu thương ông, lo lắng cho tình trạng sức khỏe của ông, lo cho sự nghiệp của ông, lo sợ người khác lường gạt chiếm mất đế chế mang tên “Trung Nguyên” của ông. Tấm lòng bà sâu nặng đến mức dù bị cưỡng bức, dù bị oan khuất, bà vẫn không hề trách gì ông mà chỉ chờ mong nơi ông. Bà sẵn sàng chờ đợi ông một mai hồi tâm chuyển ý trở về, kể cả với đôi bàn tay trắng và kể cả tấm thân tàn hại.
Nhưng cũng chính vì đó mà cộng đồng đang dậy lên nỗi thắc mắc: Trong bối cảnh đang tranh chấp căng thẳng ấy, sao bỗng dưng lại xuất hiện một sự chia sẻ thiết tha từ một phía người phụ nữ, mà đây là một phụ nữ sắc sảo giỏi giang đang đà thành công với một nhãn hiệu mới - King Coffee - có thể lấn át cả Trung Nguyên? Vậy thì sự chia sẻ này có thực tâm chỉ vì tình cảm mà “không còn im lặng được nữa” như bà Thảo nói?
Không tìm kiếm đâu xa, có thể tìm ngay câu trả lời trong bài. Dưới cái lớp ngôn tình kia, người tinh ý đọc có thể nhận ra, thông tin cho thấy tất cả những cái sai quấy đều thuộc về ông Vũ. Cụ thể, tóm tắt ý bà Thảo, ông Vũ có vẻ bệnh tật, mà ác nỗi là có vẻ bị bệnh tâm thần, sau “cú” nhịn ăn hành thiền 49 ngày trên núi cao. Ông Vũ vô cớ hắt hủi vợ, không thèm ngó ngàng đến con. Ông Vũ đẩy vợ ra khỏi công ty, vu oan cho vợ chiếm đoạt con dấu. Ông Vũ bị kẻ xấu xúi giục, nghe lời gièm pha, không biết phân biệt phải trái, sự nghiệp Trung Nguyên có nguy cơ bị kẻ xấu chiếm đoạt mất vì những hành xử kém sáng suốt của ông Vũ…
Cứ thế cứ thế, thông tin liên tục cung cấp, toàn là những sai trái, vô cớ từ phía Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông Vũ vô cớ tới mức không chịu nhận lại con dấu bà Thảo cầm đi giải quyết việc cho tập đoàn, mà cưỡng ép lập biên bản bà Thảo cướp, trước mặt thừa phát lại (do bà Thảo thuê đến chứng kiến việc trả con dấu), rồi kiện bà Thảo ra tòa.
Đọc những lời bà Thảo giãi bày, không thể đoán định hay lạm bàn về tính xác thực của thông tin, cũng như có hay không một động cơ nào đằng sau những giải bày đẫm chất ngôn tình. Ví dụ lấy gì để khẳng định chính xác là những gì tệ hại nhếch nhác của ông Vũ có nguyên nhân từ cuộc hành thiền 49 ngày? Cũng có điều đáng chú ý là, có vài chi tiết khi phóng viên hỏi về việc vì sao bà Thảo nói sẵn sàng chờ đợi ông trở về với gia đình, nhưng chính bà lại đưa đơn ra tòa ly hôn; hoặc bà nói lấy con dấu làm việc vì công ty nhưng tại sao tòa lại đồng ý chấp nhận nội dung khởi kiện của Trung Nguyên cho rằng bà cướp con dấu… thì bà chỉ nói loáng thoáng, không rõ nghĩa.
Người đọc đã nghĩ đến chuyện cho rằng đây là khởi sự cho một cuộc phản công từ King Coffee, đang là nhãn hàng đối thủ đáng gờm của Trung Nguyên, do vợ cũ của Đặng Lê Nguyên Vũ làm chủ. Nhưng điều này, cũng chỉ là phỏng đoán nốt, bởi không ai đọc được ý nghĩ của người khác.
Tuy nhiên, có một điều, có thể nói là hiển hiện rõ rành, chứ không phải là phỏng đoán: Những lời tâm sự đầy chất ngôn tình trên kia, là lớp vỏ che phủ lên cái thông tin cốt lõi muốn cung cấp đến bạn đọc về hình ảnh một Đặng Lê Nguyên Vũ theo góc nhìn và lý giải của người kể. Khi người đọc đã xúc động với những lời tâm sự tha thiết, thì rất dễ đồng cảm mà từ đó tin vào những thông tin cho rằng có một Đặng Lê Nguyên Vũ bệnh tật, tâm thần, đầy những sai trái, không khác gì đã thành một người bỏ đi.
Nếu vợ chồng còn nghĩa tào khang, thì không ai lại nói về chồng mình với đầy những nhược điểm, yếu kém, nhếch nhác đến thế.
Thậm chí có những chi tiết mà cách chia sẻ rất khéo léo, người đọc rất dễ rơi vào cái bẫy ngôn từ. Đó khi nói về hoài bão của Đặng Lê Nguyên Vũ, cái hùng tâm tráng chí thoát nghèo, bà Thảo nói ông Vũ đã từng “rất giận ba mình vì đã để gia đình sống vô cùng vất vả”. Điều này rất khó xảy ra. Người Việt Nam có câu đầy hiếu kính “Con cái không chọn cha mẹ”, thậm chí còn có câu “Chó không chê chủ nghèo”. Một người như Đặng Lê Nguyên Vũ, với thông tin từ bà Thảo đưa ra là rất thông minh, đầy trí tuệ, không lẽ nào không hiểu được cái đạo làm con? Quả thực nếu Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng nghĩ vậy thì ông không xứng đáng làm người, còn nếu ông không có ý nghĩ ấy, thì có nghĩa người nói đã gieo tiếng ác cho ông ấy.
Nếu vợ chồng còn nghĩa tào khang, thì không ai lại nói về chồng mình đầy kém cỏi, tệ hại đến thế.
Người ta đã nghĩ đến một viễn cảnh là cái thương hiệu Trung Nguyên có nguy cơ bên bờ vực, bởi sản phẩm của Trung Nguyên được tạo ra từ một người bệnh tật, tâm thần. Một người thông minh như bà Thảo, đã từng lăn lóc trên thương trường, hẳn thừa biết những lời của bà có tác dụng thế nào với thương hiệu cà phê Trung Nguyên.
Đến giờ này ông Vũ vẫn im lặng không nói gì, nên cũng chưa có thông tin hay cơ sở gì để đối chiếu, để xác thực thông tin bà Thảo nói chứa đựng sự thật đến đâu. Nhưng xưa nay trong đạo vợ chồng, nếu còn cái nghĩa tào khang, thì không ai làm như thế.
Mà chỉ có thể nói, ở đây, cuộc chiến trên thương trường đã vào đến tận chân giường.