Vụ lật ca nô tại Cần Giờ (TP.HCM): Hiểm họa đã báo trước

04/08/2013 - 23:35

PNO - PN - Ngày 4/8, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận điều tra ban đầu về quá trình chuyển chiếc ca nô HP 29DP vào sử dụng dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng làm 21 người bị thương, chín người chết và mất tích.

Ca nô số hiệu HP 29DP là phương tiện của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Ngày 9/7, ca nô HP 29DP và một ca nô khác được Bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT chỉ đạo Biên phòng cửa khẩu Cảng BR-VT đưa sang Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc để bảo dưỡng định kỳ.

Vu lat ca no tai Can Gio (TP.HCM): Hiem hoa da bao truoc

Theo thiết kế, tàu HP 29DP chỉ chở tối đa 12 người nhưng lại chở đến 30 người  (ảnh: Dân Trí)

Hai ca nô này được bảo hành xong vào ngày 2/8 chờ xuất xưởng thì chiều ngày 2/8, ông Quyết - giám đốc một công ty đóng sửa tàu có trụ sở tại khu công nghiệp Đông Xuyên, P.Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu sang mượn trực tiếp ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc ba ca nô (trong đó có hai ca nô đang gửi sửa chữa) để đi đón công nhân tại khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (thị trấn Kiển Phước, H.Gò Công Đông, Tiền Giang) và ông Đảo đã đồng ý cho mượn.

Khoảng 15g30 ngày 2/8, ba ca nô khởi hành từ xưởng đóng tàu Việt - Séc sang Tiền Giang chở công nhân đưa về Vũng Tàu. Trên đường về, ca nô HP 29DP do Phạm Duy Phúc (SN 1950) lái, thợ máy Nguyễn Duy Dương (SN 1985), chở theo 28 công nhân đã bị tai nạn tại tọa độ 10O2143N - 106O57’44E (thuộc vùng biển Cần Giờ). Cơ quan chức năng triển khai tìm kiếm đến rạng sáng ngày 3/8 cứu vớt được 21 người, chín người mất tích.

Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân khiến chiếc ca nô bị chìm là do sóng to, gió lớn và chở vượt quy định cho phép (tải trọng 12-18 người nhưng thực tế trên ca nô có 30 hành khách).

Vu lat ca no tai Can Gio (TP.HCM): Hiem hoa da bao truoc

Tàu cứu hộ chuyển thi thể những nạn nhân mất tích vừa được tìm thấy trong ngày 4/8 về Vũng Tàu

Thượng tá Hoàng Nhuận Quỳnh - Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu BR-VT cho biết, ca nô số hiệu HP 29DP là một trong hai chiếc được Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) và Công ty Việt - Séc tài trợ cho Bộ đội biên phòng tỉnh, mỗi ca nô trị giá 1,6 tỷ đồng. Sau khi nhận hai chiếc ca nô, Bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT đã bàn giao cho Biên phòng cửa khẩu Cảng BR-VT sử dụng. Sau khi tiếp nhận, đơn vị phát hiện hai chiếc ca nô còn khiếm khuyết nhiều thứ như: tay vịn, hệ thống va đệm, không có cửa kính buồng máy, lỗ thoát nước nên đã gửi lại cho đơn vị sản xuất để bổ sung. Ông Mai Thế Hùng - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh BR-VT cho biết, hiện từ Vũng Tàu có tuyến đường thủy nội địa đi Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) nhưng chỉ cấp phép cho các tàu gỗ loại lớn. Ca nô chở người lưu thông gặp nạn không hề xin phép nên có khả năng đi chui.

Tính đến 17g30 ngày 4/8, các đơn vị cứu hộ đã tìm được bảy thi thể nạn nhân trong số chín người mất tích. Công tác cứu hộ vẫn đang được tiếp tục. Bên cạnh 50 phương tiện tàu và máy bay, nhiều ngư dân cũng được thuê ra khơi để quăng lưới, tìm xác nạn nhân. Trong số các nạn nhân được tìm thấy có thi thể của lái tàu Phạm Duy Phúc được một tàu chở gas phát hiện cách vị trí ca nô chìm hơn ba hải lý. 

Thông tin cứu nạn "nhỏ giọt”

Theo nhật ký cứu nạn của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, khoảng 21g đêm 2/8, Cảng vụ nhận được tin báo từ một người đàn ông tên Tuấn - thuộc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina, báo có phương tiện thủy bị chết máy tại Cần Giờ. Ông này không nói cụ thể số người trên phương tiện và việc phương tiện đã bị lật trước đó. Ngoài ra, khi Cảng vụ liên lạc với tàu BP02 thuộc Bộ đội biên phòng thì được biết tàu này đã ra khu vực tìm kiếm từ lúc 20g ngày 2/8, trước khi Cảng vụ nhận được tin báo. Ngoài ra, cùng thời điểm 20g, tàu BP 130402 của biên phòng cũng được điều động đi cứu nạn tàu H29.

Đến 21g25, Cảng vụ tiếp tục nhận được tin báo từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 (Trung tâm 3), báo có một tàu chở khách với hàng chục người trên tàu bị chìm tại khu vực gần bãi tắm Cần Giờ, TP.HCM. Đến 22g, Cảng vụ đã chỉ đạo điều tàu SAR 272 của Trung tâm 3 ra khu vực cứu nạn và đồng thời điều động tàu Cảng vụ Vũng Tàu 02 và một số tàu dịch vụ cùng các tàu gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Đến 22g30 đã xác định được tọa độ tàu bị chìm là 10021’43’’N 106067’44’’E. 22g45 đêm 2/8, Cảng vụ mới chính thức nhận được đơn yêu cầu cứu nạn từ Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina. Sau khi lực lượng cứu nạn đưa 21 người bị nạn về Bệnh viện Cần Giờ và Bệnh viện Lê Lợi TP. Vũng Tàu cấp cứu, khoảng 10g sáng 3/8, ca nô được kéo về cảng Đông Xuyên tại Vũng Tàu trong tình trạng có một lỗ thủng ở đáy, bên thân tàu rách nhiều chỗ. Phần kết cấu gần như còn nguyên vẹn.

VINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI