Vụ lật ca nô kinh hoàng: Chọn cái chết cho nhiều người sống

09/08/2013 - 17:19

PNO - Trong tường trình gửi Cảng vụ Hàng hải TP.HCM để làm rõ các tình tiết trong vụ chìm ca nô tại Cần Giờ (TP.HCM), chị Phạm Thị Thu (23 tuổi, ngụ Thanh Hóa), nhân viên y tế Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, cho biết anh...

Vu lat ca no kinh hoang: Chon cai chet cho nhieu nguoi song

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM làm việc với những người sống sót trên ca nô H29-BP

 Chị Thu cho biết dù bị sóng biển đánh văng khỏi ca nô nhưng anh Hiệp vẫn rất dũng cảm, bất chấp nguy hiểm để giúp đỡ mọi người giữa cơn sinh tử.

"Sau khi ca nô bị lật, chúng tôi thoát ra bằng cửa trước và cửa sau để ngoi lên bám trụ vào phần ca nô còn nổi trên mặt nước. Là con gái và không biết bơi nên tôi nhận được sự giúp đỡ từ nhiều anh như: anh Phước, anh Tuấn, anh Đức... Trong đó có anh Trần Hữu Hiệp là giúp đỡ tôi nhiều nhất. Mỗi lần sóng đánh vào ca nô, mọi người đều bị tuột tay khỏi ca nô chìm vào biển nước. Những lúc như vậy anh Hiệp luôn kéo tôi rồi đẩy tôi lên phần ca nô nổi trên mặt nước, anh đã cứu tôi rất nhiều lần như vậy”, chị Thu chia sẻ.

Vu lat ca no kinh hoang: Chon cai chet cho nhieu nguoi song

Chị Thu lúc đang ở Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu.

Thậm chí, “sau này khi tôi không thể bám trên phần nổi của ca nô và bị tuột xuống, anh Hiệp vẫn cố sức đỡ tôi lên đồng thời kêu tôi bám vào sợi dây thừng buộc ở ca nô và bảo tôi hãy cố gắng”, chị Thu nhớ lại.

Theo lời chị Thu, sau nhiều lần giúp đỡ chị thì anh Hiệp đuối dần, chịu không nổi và chết ngay trước mặt mọi người. Sau đó, những cơn sóng đã cuốn thi thể anh Hiệp trôi xa.

Vu lat ca no kinh hoang: Chon cai chet cho nhieu nguoi song

Tường trình của chị Thu.

Tôi thấy Hiệp chết trước mặt mình

Tại Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, chúng tôi gặp các anh Đoàn Hữu Thắng (25 tuổi), Lai Hồng Phúc (31 tuổi)… là những người sống sót đi trên ca nô H29-BP.

Anh Phúc cũng là người đã nhiều lần bơi ra lôi những người khác bị sóng đánh văng ra khỏi ca nô.

Chứng kiến toàn bộ cảnh anh Hiệp cứu người, anh Phúc kể lại: Hiệp liên tục bơi ra ngoài lôi mọi người bị sóng biển cuốn đi. Mãi lúc sau thì Hiệp đuối dần và ói. Tôi nói những người ở trên mũi ca nô đưa Hiệp lên trên đó cứu nhưng họ không chịu. Rồi Hiệp không còn cử động, người anh nổi lềnh bềnh trên sóng biển. Tôi nắm tay Hiệp để giữ thi thể không bị sóng cuốn đi nhưng giữ mãi cũng không được.

Là người rất bình tĩnh, nhưng anh Phúc cũng thừa nhận: “Lúc ca nô chìm, tôi nói mọi người bình tĩnh và cố gắng cùng nhiều người khác không cho ca nô lật lại. Vì ca nô lật lại thì những người trên mũi sẽ bị sóng đánh trôi hết. Nhưng khi thấy Hiệp chết, tôi đã bắt đầu thấy sợ…”.

Anh Phúc và Thắng khẳng định, chưa đến 19 giờ ngày 2/8, ca nô đã bị chìm và một số người trên ca nô đã gọi điện thoại báo tin cho những người có trách nhiệm của công ty.

Đề nghị lập hồ sơ công nhận liệt sĩ đối với anh Trần Hữu Hiệp

Trao đổi với Thanh Niên Online chiều nay 9/8, ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền vừa ký Công văn số 2922/LĐTBXH-NCC đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra lại thông tin về vụ tai nạn đường thủy tại Cần Giờ (TP.HCM) tối 2/8 làm 9 người thiệt mạng...

Trong đó có trường hợp anh Trần Hữu Hiệp, công nhân Công ty sản xuất ống Thép dầu khí (trụ sở đóng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã dũng cảm cứu 5 người. Đặc biệt, anh đã liều mình cởi áo phao đang mặc trên người để cứu sống một phụ nữ đang mang thai.

“Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các cơ quan liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với anh Trần Hữu Hiệp theo quy định hiện hành. Hành động dũng cảm hi sinh thân mình vì người khác của anh Hiệp đủ tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ và cần được dư luận xã hội tôn vinh”, ông Thái khẳng định.

Thu Hằng

Theo Nguyễn Long (Thanh Niên Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI