Vụ lao công được trả tiền biên soạn sách: Bà Oanh là ai, được hưởng lợi gì?

14/08/2020 - 07:43

PNO - Bà Phạm Thị Kim Oanh (người chia tiền “biên soạn sách” cho lao công, người nấu ăn) dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn đảm nhiệm những công việc quan trọng như biên soạn sách, phát hành sách và tài liệu liên quan đến Sở GD-ĐT TP.HCM. Bà Oanh còn là cổ đông của công ty hoạt động về dạy thêm với những dấu hiệu cho thấy có liên quan đến người nhà của sở.


Sau khi phản ánh vụ: Bất thường: Lao công Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cũng được trả tiền… biên soạn sách, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã liên hệ với Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị có buổi làm việc với Ban giám đốc sở nhằm làm rõ những vấn đề liên quan, nhất là vai trò của bà Phạm Thị Kim Oanh - đầu mối quan trọng trong vụ việc, nhưng không được đáp ứng. Trong khi đó, trả lời trên một số báo, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng sở không liên quan đến các hoạt động giới thiệu, phát hành sách, tài liệu tham khảo của bà này. 

Vậy bà Oanh là ai? Tại sao bà Oanh lại “chia” những khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng “biên soạn sách” cho lao công, người nấu ăn ở sở?

“Xin phép miệng” để phát hành sách

Website của Công ty Tân Hồng Phong giới thiệu hoạt động dạy thêm là do Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong  tổ chức (ảnh chụp màn hình ngày 2/8)
Website của Công ty Tân Hồng Phong giới thiệu hoạt động dạy thêm là do Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức (ảnh chụp màn hình ngày 2/8)

Theo xác minh của chúng tôi, bà Phạm Thị Kim Oanh, nguyên Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nghỉ hưu năm 2015 nhưng được sở ký hợp đồng làm việc tại Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục của sở này với vai trò chuyên viên phụ trách chương trình 
giáo dục. 

Từ một số văn bản chúng tôi thu thập được cho thấy, bà Oanh còn là ủy viên thường trực Ban chỉ đạo bộ sách giáo khoa miền Nam của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Cụ thể, tại hai quyết định năm 2015 và 2018, dù đã nghỉ hưu nhưng bà Oanh lại là người của phía Sở GD-ĐT TP.HCM khi thực hiện bộ sách này với vai trò khá quan trọng - nếu xếp theo thứ tự các thành viên trong Ban chỉ đạo, bà Oanh chỉ đứng sau vị trí trưởng ban của giám đốc sở và phó ban của phó giám đốc sở. 

Sau khi Báo Phụ nữ TP.HCM phản ánh vụ việc, trả lời trên một tờ báo, bà Oanh cho biết, sau khi nghỉ hưu, bà có ký hợp đồng làm việc với Công ty cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định (trực thuộc NXB Giáo dục Việt Nam) và từ đó đến nay, mỗi năm bà là người trực tiếp viết nhiều đầu sách tham khảo, tư vấn, giới thiệu tác giả, đi giới thiệu sách, môi giới phát hành sách… cho rất nhiều đầu sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam...

“Tôi có xin phép miệng (Ban giám đốc sở - PV), tôi là nhân viên hợp đồng của sở nên được phép làm việc này. Tôi có thâm niên hơn 10 năm làm công tác chuyên môn, lại là tác giả trực tiếp viết sách nên việc giới thiệu sách cũng thuận lợi”, bà Oanh trả lời trên báo. 

Như vậy, bà Oanh thừa nhận mình vừa là nhân viên hợp đồng của Sở GD-ĐT TP.HCM, đồng thời cũng làm việc cho doanh nghiệp xuất bản sách. 

Những “ưu ái” của Sở GD-ĐT TP.HCM

Một số người am hiểu về phát hành sách trong ngành giáo dục cho rằng, sở dĩ sau khi nghỉ hưu, bà Oanh vẫn làm được những công việc quan trọng trong biên soạn, phát hành sách là do có sự ưu ái của Sở GD-ĐT TP.HCM.

“Nếu sở không thường xuyên giới thiệu đến trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện; đến hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông (CĐ, TCCN, THPT); hay đến giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để làm đầu mối đăng ký mua tài liệu, sản phẩm in ấn, sách tham khảo… thì làm sao bà Oanh có thể làm được những việc này một cách thuận lợi như thế”, một vị có thâm niên trong ngành giáo dục đặt vấn đề.

Tài liệu chúng tôi có được cho thấy nhận định trên là có cơ sở. Đơn cử, khi bà Oanh vừa nghỉ hưu, trong một văn bản do Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ký ban hành vào tháng 11/2015 về trang bị sách phục vụ hoạt động giáo dục và công tác dạy - học đã thể hiện sự liên quan đến bà Oanh.

Cụ thể, trong văn bản này, sở đề nghị các phòng GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường CĐ-TCCN-THPT, trung tâm GDTX và các đơn vị trực thuộc sở trang bị cho thư viện tối thiểu năm quyển/loại/trường và phổ biến đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh đăng ký mua nếu có nhu cầu. Sách và tài liệu đợt này có giá từ 25.000-169.000 đồng/cuốn. Riêng Từ điển Bách khoa Britannica của NXB Giáo dục Việt Nam có giá 3 triệu đồng.

Ngoài đưa ra thời hạn đăng ký, văn bản còn thể hiện đây là tài liệu cần phải có trong thư viện các trường. Theo đó, bà Oanh cùng một nhân viên văn phòng sở là nơi tiếp nhận đăng ký sách.  

Đến tháng 3/2016, bà Oanh tiếp tục là nơi tiếp nhận đăng ký việc phát hành một số tài liệu. Trong đó, bộ Hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia gồm tám môn (36.000 đồng/môn); bộ Ôn thi vào lớp 10 gồm năm môn (mỗi môn 25.000 đồng); Thông tin cần biết về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 gồm sáu ấn phẩm. Những tài liệu này đều của NXB Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các đơn vị phải trang bị cho thư viện ít nhất năm bộ/trường.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ số 3798/CT-BGDĐT ngày 24/9/2018 về sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông có yêu cầu các giám đốc sở GD-ĐT phải thực hiện nghiêm hướng dẫn 2372/BGDĐT-GDTrH  ngày 11/4/2013 của Bộ GD-ĐT.

Hướng dẫn 2372 đã nêu rõ “các tổ chức, cá nhân thuộc sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào…” nhưng trong suốt thời gian đó đến nay, sở nhiều lần giới thiệu sách, tài liệu tham khảo. 

Từ năm 2017-2019, sở nhiều lần giới thiệu, phát hành Tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động dạy học theo hướng tích hợp và phát triển năng lực dành cho học sinh tiểu học của NXB Giáo dục Việt Nam; hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ 2018 của Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Hà Tây; bộ sách Hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới thuộc NXB Đại học Sư phạm… 

Gần đây, thừa lệnh giám đốc, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng sở ra văn bản ký ngày 28/5/2020 để phát hành hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ và hồ sơ học sinh - sinh viên của Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Hà Tây. Sở đề nghị hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng phổ biến đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh đăng ký mua, tổng hợp số lượng và gửi về cho bà Oanh và bà Trân trước ngày 30/5 (đợt 1) và 5/6 (đợt 2). 

Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, có khi cùng một nội dung mà hôm trước sở giới thiệu bộ sách NXB này, vài hôm sau lại giới thiệu bộ sách NXB khác.

“Như ngày 21/12/2017, sở có văn bản giới thiệu bộ sách Ôn luyện thi THPT quốc gia 2018 của NXB Đại học Sư phạm gồm năm cuốn. Ít lâu sau, sở lại có văn bản phát hành bộ Ôn thi THPT quốc gia 2018 và Ôn thi vào lớp 10 do NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM phát hành, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam phân phối”, vị này dẫn chứng.

Ngoài việc phổ biến đến cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, mỗi trường học cũng phải trang bị sách nói trên cho thư viện ít nhất ba bộ/trường. Cũng giống như những đợt trước, bà Oanh là một trong hai người tiếp nhận đăng ký. 

Sở hữu công ty dạy thêm với con giám đốc sở?

Không chỉ có mối quan hệ khắng khít với sở GĐ-ĐT trong việc giới thiệu, phát hành sách trong lĩnh vực giáo dục, nhiều người trong ngành giáo dục cho biết, trung tâm dạy thêm duy nhất đặt trong trường phổ thông tại TP.HCM cũng có bà Oanh tham gia. Đó là trung tâm dạy thêm của Công ty TNHH Giáo dục Tân Hồng Phong (gọi tắt Công ty Tân Hồng Phong).

Theo lời giới thiệu trên website http://ttdtvh.lehongphong.edu.vn/ của Công ty Tân Hồng Phong, công ty này do Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức hoạt động với sự góp mặt của những giáo viên dạy chuyên, các tổ trưởng chuyên môn và một đội ngũ giáo viên giỏi của trường trực tiếp giảng dạy… Trang web cũng giới thiệu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và chỉ cần click vào sẽ kết nối với website trường này. 

Theo thông tin từ hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty Tân Hồng Phong thành lập từ ngày 21/9/2016, kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là giáo dục. Đơn vị này bao gồm một trụ sở và ba chi nhánh, trong đó có chi nhánh tại 235 Nguyễn Văn Cừ, Q.5 đặt tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 

Điều đáng nói, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP.HCM, từ năm 2016, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản về quản lý các hoạt động dạy thêm học thêm, yêu cầu trong năm học 2016-2017 chấm dứt việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường. Thế nhưng, đến tháng 9/2016, trên một tờ báo lại đăng thông tin Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong xin phép Sở GD-ĐT TP.HCM được kéo dài hoạt động tới tháng 11.

Tháng 9/2019, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra cho thấy Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ký các hợp đồng cho thuê phòng học, nhà thi đấu thể dục thể thao là không đúng quy định tại Điều 16, Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Số tiền thu được sau khi nộp thuế và trích quỹ phát triển còn lại gần 3,2 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thời kỳ có liên quan.

 

Đây cũng là trường phổ thông duy nhất ở thời điểm đó còn tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lúc này là bà Nguyễn Thị Yến Trinh, vợ ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. 

Và khi Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Lê Hồng Phong ngừng hoạt động vào tháng 11 cùng năm thì cũng là lúc Công ty Tân Hồng Phong chính thức đi vào hoạt động và tiếp tục dạy tại cơ sở của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Trong khi, vào ngày 1/9/2016, Giám đốc Sở GD-ĐT ký văn bản 2941/GDĐT-TC (về báo cáo lộ trình ngưng hoạt động dạy thêm, học thêm và sử dụng cơ sở vật chất trong nhà trường) yêu cầu các hoạt động dạy thêm, học thêm của nhà trường; lẫn các cơ sở đang thuê mướn sử dụng cơ sở vật chất nhà trường phải báo cáo lộ trình ngưng hoạt động và có kế hoạch giải thể. Thế nhưng, công ty này vẫn “mọc lên” và dạy thêm ngay trong Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, “phớt lờ” lệnh cấm.

phải đến
Thông báo chuyển địa điểm dạy thêm khỏi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (ảnh chụp ngày 29/7/2020)

Phải đến gần đây, công ty này mới dời địa điểm khỏi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 

Theo tìm hiểu, trước đây, Công ty Tân Hồng Phong có trụ sở chính trên đường Ngô Quyền (Q.10) và đã đăng ký thay đổi địa chỉ về đường Trần Hưng Đạo (Q.5) vào tháng 6/2019. Trụ sở ban đầu của công ty này chính là địa chỉ đăng ký thường trú (vào thời điểm đó) của gia đình ông Lê Hồng Sơn. Càng bất ngờ khi người đại diện pháp luật công ty này chính là bà Phạm Thị Kim Oanh, giữ chức vụ giám đốc. 

Thông tin từ hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, Công ty Tân Hồng Phong có vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Thành viên góp vốn gồm bà Phạm Thị Kim Oanh, đóng góp 1,5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 30% và ông Lê Duy A. góp vốn 3,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 70%. Điều khá trùng hợp là ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có con trai tên Lê Duy A. Ông Lê Duy A. đồng chủ sở hữu Công ty Tân Hồng Phong với bà Oanh, không chỉ trùng tên, trùng năm sinh với con trai ông Lê Hồng Sơn, mà đến đăng ký hộ khẩu thường trú cũng cùng địa chỉ với gia đình ông Sơn. 

Tháng 9/2019, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra cho thấy Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ký các hợp đồng cho thuê phòng học, nhà thi đấu thể dục thể thao là không đúng quy định tại Điều 16, Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Số tiền thu được sau khi nộp thuế và trích quỹ phát triển còn lại gần 3,2 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thời kỳ có liên quan. 

Ngày 6/8, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có văn bản số 187/BPN-TCHC gửi đến Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị được trao đổi, cung cấp thông tin các vấn đề trên. Nhưng, cũng như văn bản trước đó được gửi vào ngày 28/4/2020 (liên quan đến nội dung Sở GD-ĐT TP.HCM bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sai quy trình, trong đó có người nhà của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM không đủ tiêu chuẩn với từng chức danh), đều không có bất kỳ phản hồi nào.

Nhóm phóng viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Nguyen thuy 19-08-2020 11:19:14

    Người viết bài này phải mất nhiều thời gian và công sức! Nếu vụ này chìm xuồng thì không còn biết tìm đâu ra người có tâm đấu tranh chống sai trái nữa!

  • Trần minh hưng 17-08-2020 23:59:47

    Cứ cho công an vào làm việc thôi.
    Chứ thanh tra làm gì...mời các bác vô lò

  • Hoàng Anh 16-08-2020 19:57:32

    Bà Phạm Thị Kim Oanh còn được bố trí 1 phòng làm việc riêng tại tầng trệt của Sở, giống như trưởng phòng . Không chấp nhận được. Mặc dù đã hưu.

  • Hoàng Anh 16-08-2020 18:04:29

    Nấu ăn và lao công chỉ ký khống thôi, không được lãnh đâu.

  • NGUYEN BINH MINH 16-08-2020 08:48:42

    Số tiền 700 triệu , được chuyển vào TK của lao công , lái xe,.. ở Sở GD , là số tiền được chiết khấu từ việc bán sách tham khảo ( bất chính ) hoặc tiền thù lao của những tác giả viết SGK bị ăn chặn . Công ty Tân Hồng Phong có nhiệm vụ trung chuyển dòng tiền và đây mới là vai trò chính của Phạm Thị Kim Oanh .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI