Mẹ của Hạ thuộc mẫu người phụ nữ xưa. Từ ngày còn nhỏ, Hạ đã thấy mẹ luôn căm cụi với công việc nhà, chăm chồng chăm con từng miếng ăn, giấc ngủ. Hạ thì ngược lại, cô muốn trở thành phụ nữ hiện đại, thành công trong sự nghiệp, thành người phụ nữ luôn đẹp, sạch và thơm, Hạ cũng rất vụng chuyện bếp núc.
Ngày bình thường, người đi làm, người đi học, tối về đến nhà, thu nhập của hai vợ chồng thuộc loại khá, Hạ không muốn làm khó mình, nên buổi tối, hoặc cả nhà đi ăn quán, hoặc Hạ đặt đồ ăn. Ngon, đủ chất, nhanh gọn. Khi nào hứng thú hay có món đang "trend", Hạ mới bật bếp, nấu ăn, nhưng thường là thất bại.
Món cô nấu tạm gọi là thành công gói trọn trong các công thức đơn giản liên quan đến lò vi sóng hay nồi chiên không dầu.
|
Bà cặm cụi nấu những món Hạ và con gái thích ăn - Ảnh: Huỳnh Hằng |
Dịch COVID-19 bùng phát. Hai tháng nay, hàng quán lẫn chợ và siêu thị gần như đóng cửa. Thực phẩm mua online hay mua tại chung cư, thứ có thứ không. Như, lúc Hạ muốn nấu canh chua thì cá có, cà chua có, nhưng me hay rau ngổ thì không. Hôm Hạ muốn nấu canh cá ngót thì có cá, có rau thơm, nhưng tìm hoài không ai bán cà chua.
“Vũ trụ” bắp cải và thịt heo "Bếp bà Hạ" gói gọn trong ba món xào, luộc, nấu canh. Và, với khẩu vị được chiều chuộng của hai cha con, dù Hạ bận tối mặt với bếp ăn nổi lửa ba bận mỗi ngày, cân nặng của cả nhà vẫn đi xuống thấy rõ.
Giữa đại dịch, việc tăng cường sức đề kháng là tất yếu, không còn cách nào khác, Hạ đành gọi điện thoại cầu cứu mẹ ruột.
Mẹ Hạ gần 70 tuổi. Từ ngày Sài Gòn bùng dịch, mỗi sáng hay chiều, bà lại nhờ cháu nội đọc tin về tình hình COVID-19 ở thành phố cho bà nghe. Hôm nào, số ca nhiễm ít, bà cười móm mém. Hôm nào, số ca tăng cao, bà thở dài thườn thượt, lẩm nhẩm: “Không biết cái Hạ ra sao? Hai đứa cháu thế nào? Nghe bảo con rể vẫn phải đến công sở mỗi ngày, biết có an toàn không?" Rồi hai ba ngày, bà lại bảo con trai, bấm điện thoại, Facetime với con cháu.
|
Hạ tự hỏi, lỡ một ngày, cô không còn được ăn món mẹ nấu?- Ảnh Huỳnh Hằng |
Nhận được điện thoại của con gái, bà vui lắm, nhưng nghe con than thở chuyện ăn uống của cả nhà, bà thở dài mấy đợt rồi không chờ con gái nói tiếp, bà chủ động nói sẽ nấu thức ăn gửi xuống. "Đang dịch, ăn uống như thế, bệnh rồi phải làm sao".
Cúp điện thoại, bà dúi tiền vào tay con dâu, dặn cả sớ dài các món cần mua. Khi thức ăn về, bà lại tay dao tay rổ cùng con dâu vào bếp cắt cắt, ướp ướp. Nấu xong mớ thực phẩm khổng lồ, bà đau lưng, nhức chân, muốn ngã. Nhưng chỉ cho phép mình ngồi nghỉ một chút, bà lại hì hụi đóng hộp, cho vào thùng xốp cùng mớ rau, ít trái cây, ít bánh kẹo cho Khoai.
Đến khi chiếc thùng xốp to đầy đồ ăn đến mức không thể lại nhét thêm, bà mới đồng ý đóng nắp hộp, dán băng keo rồi nói con trai chở thùng hàng chành xe gửi cho con gái. Bà với theo anh con trai: “Con nhớ gửi luôn tiền xe cho em. Dịch như vầy, em con chắc không còn tiền đâu”.
Rồi không biết bà nghe từ đâu chuyện các xe chở hàng từ Lâm Đồng xuống TPHCM phải qua nhiều chốt kiểm soát. Mỗi chốt dừng lại vài ba tiếng, nên thời gian di chuyển kéo dài gấp 2-3 lần. Xe đến điểm tập kết ở TPHCM cũng không dễ dàng kiếm xe ôm liên quận để chuyển đi. Hàng ở chỗ tập kết khi thì thất lạc, khi thì phải một hai ngày mới đến được tay người nhận. Khi đó, rau củ héo úa, thịt cá hỏng hết nên bà lo lắm.
Suốt ngày hôm đó, bà hết kêu cháu nội gọi cho con gái hỏi đã nhận hàng chưa, lại gọi cho tài xế xe đến đâu rồi, nhờ đến nơi, thì gửi xe ôm ngay cho con Hạ "toàn đồ ăn nên dễ hư".
Bà gọi nhiều đến mức tài xế nổi nóng, không thèm nghe máy. Không khí căng thẳng ấy chỉ kết thúc khi Hạ nhận được điện thoại của shipper báo xuống cổng chung cư nhận hàng.
Mắt Hạ đỏ hoe khi mở các hộp thức ăn mẹ gửi. Nào là cá kho măng, thịt kho mắm ruốc, mực kho… tất cả điều là món cô thích. Mẹ cũng tâm lý gửi cho con gái nguyên liệu nấu một vài món chè; một ít đậu đen với lời nhắn để bé Khoai học trồng giá vì "đang trend".
Trời lại đổ mưa khiến Hạ chợt nhớ, đang là tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu, mai là ngày rằm nhưng rất lâu rồi cô chưa về thăm hay mua gì tặng mẹ dịp này. Giờ, khi dịch sắp tràn về thị tứ nhỏ, người đi chợ ở quê đã phải khai báo khi đến cổng, cô vẫn khiến mẹ vất vả lo cho cô từng lát cá, miếng thịt.
Nghĩ đến hình ảnh bà móm mém mở kim băng lấy từng tờ tiền tích cóp trong túi áo để đưa con dâu đi chợ mua đồ nấu ăn, đưa anh trai để trả tiền gửi hàng. Nước mắt muôn đời chảy ngược. Cô khóc, rồi lại cười. Cười vì mùa Vu lan này cô vẫn được cài bông hồng màu đỏ, khóc vì lo một ngày nào đó, cô không còn cơ hội ăn món ăn mẹ nấu...
An Huỳnh