Vụ kiện của bà Trần Tố Nga: Đó là chiến thắng của công lý

10/05/2021 - 08:51

PNO - Dự kiến hôm nay 10/5, tòa đại hình ở thành phố Évry của pháp sẽ ra phán quyết cho vụ kiện của nguyên đơn Trần Tố Nga (79 tuổi) đối với 14 công ty có liên quan đến việc sử dụng thuốc diệt cỏ - thường gọi là chất độc da cam/dioxin - trong chiến tranh Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ sau khi quân đội Mỹ rải chất dioxin cực độc lên các khu rừng giáp biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia và cả Thái Lan, một cuộc đối đầu mang tính bước ngoặt đã diễn ra trên đất Pháp giữa một nữ nạn nhân với các tập đoàn hóa chất và dược phẩm lớn nhất thế giới.

 

Bà Trần Tố Nga phát biểu trong buổi họp mặt ủng hộ nạn nhân chất độc da cam từ chiến tranh Việt Nam tại Paris, tháng 1/2021 ẢNH: AP
Bà Trần Tố Nga phát biểu trong buổi họp mặt ủng hộ nạn nhân chất độc da cam từ chiến tranh Việt Nam tại Paris, tháng 1/2021 ẢNH: AP

Nếu tòa án ở Évry vẫn đứng về phía các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Dow Chemical hay Monsato... thì xem như cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam sẽ tiếp tục trắc trở. Nếu ngược lại, bà Nga sẽ là nạn nhân Việt Nam đầu tiên thắng vụ kiện lịch sử.

Ngồi bên chiếc bàn làm việc chứa đầy tài liệu suốt hơn năm năm tham gia tố tụng, cùng hàng trăm loại thuốc điều trị khác nhau, bà Nga nói với các hãng thông tấn: “Điều tôi muốn là các công ty sản xuất chất độc da cam phải can đảm nhận trách nhiệm và sửa chữa những gì họ đã gây ra”.

Bà có nhiều giám định về tác hại đối với sức khỏe do độc chất, gồm bệnh tiểu đường type 2 và ung thư. Trong ba người con gái của bà, một người đã chết lúc mới sinh do dị tật tim, hai người còn sống được chẩn đoán mắc các bệnh lý về máu và da. Luật sư của bà cho rằng, chỉ có thể giải thích các vấn đề sức khỏe trên là do phơi nhiễm.

Bà Nga là người Pháp gốc Việt, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng, thuộc Thông tấn xã Việt Nam, từng làm việc ở những vùng bị rải chất độc da cam nặng nề nhất như Củ Chi, Bình Long, đường mòn Hồ Chí Minh… trong giai đoạn 1966-1970. Có tài liệu cho biết, bà Nga bị trúng hóa chất rải trực tiếp từ một máy bay Mỹ.

 

Dù phán quyết của tòa như thế nào thì đây cũng chỉ là khởi đầu cho hành trình. Cho dù tương lai bà không còn, thì các thế hệ tiếp theo của bà sẽ tiếp tục hành trình đòi công lý (ảnh chụp lại từ cuộc triển lãm)
Dù phán quyết của tòa như thế nào thì đây cũng chỉ là khởi đầu cho hành trình. Cho dù tương lai bà không còn, thì các thế hệ tiếp theo của bà sẽ tiếp tục hành trình đòi công lý (ảnh chụp lại từ cuộc triển lãm)

Vào năm 2005, một tòa án ở New York đã bác bỏ vụ kiện dân sự của các nạn nhân Việt Nam chống lại một số công ty Mỹ sản xuất chất diệt cỏ. Bình luận về vụ này, Susan Hammond - Giám đốc điều hành dự án Di sản chiến tranh, nơi theo dõi các tác động lâu dài của độc chất - nói: “Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu đưa vụ việc ra tòa án Mỹ, các công ty hóa chất luôn được bảo vệ theo quyền miễn trừ tương tự Chính phủ Mỹ”.

Thế nhưng lần này, vụ kiện được xét xử tại Pháp bởi bà Nga là công dân Pháp từ đầu những năm 1990. Theo luật của nước này, công dân của họ có thể kiện cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài ngay cả khi hành vi xảy ra bên ngoài nước Pháp. Các công ty bị kiện, trong đó có Tập đoàn Dow, rất quan tâm đến kết quả vụ kiện vì họ đang hoạt động trên khắp thế giới và buộc phải tuân thủ phán quyết của các tòa án nằm trong Liên minh châu Âu. Phán quyết này cũng có hiệu lực trực tiếp đối với Bayer. Hãng dược Đức này bị liên lụy vì đã mua lại Tập đoàn Monsanto của Mỹ có tên trong danh sách bị đơn. 

Chiến thắng mang tính biểu tượng
Các luật sư của bà Nga yêu cầu bồi thường khoảng 360.000 USD và các khoản tạm thời khác. Nhưng theo bà, các yêu cầu về tài chính chỉ là thứ yếu. “Tôi không chỉ đấu tranh cho bản thân. Tôi đấu tranh cho công lý của đồng bào Việt Nam mình và cho cả các nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ cũng như các quốc gia khác” - bà Nga cho hay.

Bà Susan, bà Hammond nêu quan điểm: “Một phán quyết có lợi cho bà Nga sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng. Điều quan trọng nhất mà các nạn nhân chất độc da cam đang tìm kiếm chính là sự thừa nhận rằng, họ đã bị các công ty hóa chất này gây tổn hại”.

Nam Anh (theo The Washington Post, NYT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI