PNO - PN - Chiều 29/4, tiệm vàng Hoàng Mai đã nhận lại toàn bộ số tài sản Công an Q.Bình Thạnh tạm giữ trước đó. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận lo âu sau vụ việc trên là sự lạm quyền của UBND Q.Bình Thạnh và Công an Q.Bình Thạnh.
edf40wrjww2tblPage:Content
Chính quyền “nhầm lẫn”
14g52 ngày 29/4, trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Phan Văn Định - Chánh văn phòng UBND Q.Bình Thạnh khẳng định, Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ký lệnh khám xét tiệm vàng Hoàng Mai số 284 Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh vào ngày 24/4 theo đề xuất của Công an Q.Bình Thạnh. Do sơ suất nên đã ghi nhầm là ngày 23/4.
Theo ông Định, lệnh khám xét này không liên quan tới hành vi mua bán ngoại tệ trái phép bị bắt quả tang, mà chỉ dựa vào hồ sơ nghiệp vụ và đề xuất của Công an quận. Chúng tôi đặt vấn đề: “Vậy UBND quận căn cứ vào hành vi nào của tiệm vàng Hoàng Mai mà công an quận đã đề xuất nếu không phải hành vi đổi 100 USD cho khách hàng?”, ông Định cho biết: “Cái này quận đã họp các cơ quan rà soát lại, đồng thời yêu cầu công an quận tổng hợp hồ sơ vụ việc. Hiện chưa có kết luận. Chúng tôi sẽ thông tin sau. Đúng sai thế nào còn phải chờ”.
Đề cập đến việc các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng chỉ quy định thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép thuộc về thanh tra viên ngân hàng, chánh thanh tra ngân hàng, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cục trưởng cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an, chứ không quy định thẩm quyền xử phạt cấp quận, huyện; ông Định nói: “Cái này tôi phải xem lại, phải có thời gian tìm hiểu. Sáng nay, Văn phòng Công an thành phố cũng đã làm việc với Công an Q.Bình Thạnh để xử lý vụ việc tiệm vàng Hoàng Mai bị khám xét”.
Ông Định cũng cho biết, về số ngoại tệ trị giá hơn 14.620 USD mà Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Q.Bình Thạnh tạm giữ, đến giờ phút này (thời điểm trao đổi với PV) UBND quận vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả xác minh nào từ Công an quận.
15g30 cùng ngày, khi cuộc trao đổi giữa ông Định và PV Báo Phụ Nữ vừa kết thúc được 10 phút thì tiệm vàng Hoàng Mai đã nhận lại toàn bộ số tài sản Công an Q.Bình Thạnh tạm giữ trước đó gồm: một đầu thu camera, một cổng chia camera, một CPU, một túi ni lông đựng giấy tờ, 14.164 USD, 2.300 bath.
Trước đó, thiếu tá Nguyễn Quang Thắng - Phó chánh văn phòng Công an TP.HCM cho biết: “Vụ việc này thuộc thẩm quyền của UBND Q.Bình Thạnh. Kết quả xác minh sau khi thu giữ số ngoại tệ trị giá hơn 14.620 USD, Công an quận vẫn chưa báo cáo lên Công an thành phố”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong biên bản tạm giữ tang vật và giấy tờ, đồ vật có liên quan theo thủ tục hành chính do Công an Q.Bình Thạnh lập vào lúc 20g ngày 24/4, ở phần đại diện tổ chức vi phạm vẫn... để trống.
Luật sư Nguyễn Văn Trường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, chủ tịch UBND cấp huyện chỉ có thẩm quyền xử phạt không quá 50.000.000đ theo điểm b, khoản 2, điều 38, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, hành vi mua bán ngoại tệ trái phép theo quy định tại Nghị định 95/NĐ/CP-2011 của Chính phủ bị xử phạt từ 50.000.000 - 100.000.000đ. Như vậy, chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh không có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi này. Vì vậy, dư luận không thể không đặt câu hỏi về sự lạm quyền của UBND Q.Bình Thạnh và Công an Q.Bình Thạnh.
Tiệm vàng Hoàng Mai đã nhận lại các tài sản bị tạm giữ
Doanh nghiệp hoang mang
Liên quan đến vụ việc, nhiều chủ tiệm vàng cho biết, hiện họ rất hoang mang. Anh T. - một chủ tiệm vàng ở đường Bùi Minh Trực, P.5, Q.8, TP.HCM lo lắng: “Trước đây tiệm vàng tôi bán cả vàng nữ trang và vàng miếng. Khi Nhà nước quy định kinh doanh vàng miếng phải có giấy phép, tôi đã ngưng kinh doanh mặt hàng này, chỉ còn bán vàng nữ trang, nhưng số vàng miếng tích trữ trong nhà vẫn còn. Sau khi tiệm vàng Hoàng Mai bị niêm phong số lượng lớn ngoại tệ và vàng, chúng tôi rất lo lắng. Hầu hết giới kinh doanh vàng hiện nay đều lấy chỗ ở làm điểm kinh doanh. Nếu vì một lỗi vi phạm nào đó mà bị cơ quan chức năng khám xét, thu giữ, rồi yêu cầu chúng tôi phải chứng minh nguồn gốc tài sản thì “căng” quá. Trường hợp chúng tôi không chứng minh được, chẳng lẽ phải mất hết tài sản mà chúng tôi đã làm việc vất vả cả đời mới có được? Tôi và nhiều chủ tiệm vàng khác đã nhiều lần họp bàn, người đề nghị bán hết vàng miếng, người nói không. Thậm chí, chúng tôi đã thuê luật sư tư vấn nhưng vẫn chưa hết băn khoăn”.
Ông Nguyễn Hoàng Chín - chủ doanh nghiệp (DN) vàng Kim Ánh, Q.11, TP.HCM đặt vấn đề: “Có hay không việc cơ quan kiểm tra cố tình “gài” để khám xét DN?”. Theo ông Chín, dù DN có đổi ngoại tệ hay bán vàng miếng trái phép thì cũng chỉ vi phạm hành chính. Cơ quan kiểm tra chỉ cần xử phạt hành chính và giải thích cho DN hiểu. Vàng và ngoại tệ đâu phải là thuốc phiện, ma túy, vũ khí quân dụng hay mặt hàng cấm nào khác. Chủ DN cũng như mọi người dân vẫn được tích trữ vàng, ngoại tệ làm tài sản riêng.
Thế nhưng, trong vụ việc này, ai cũng thấy chỉ vì đổi trái phép 100 USD mà DN bị cơ quan kiểm tra bố ráp, khám xét như tội phạm hình sự nguy hiểm. Đặc biệt, việc khám xét có dấu hiệu chuẩn bị từ trước, cơ quan kiểm tra dù giải thích nhưng vẫn khó thuyết phục. Đây là điều khiến các DN kinh doanh vàng lo sợ nhất. Trong trường hợp này, cái mất lớn của DN không phải là bao nhiêu tiền phạt mà là danh dự, uy tín của DN. Đối tác, khách hàng lo sợ rút đi hết là DN đối mặt với nguy cơ bị phá sản.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trương (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương), trong vụ việc trên, tang vật vi phạm hành chính bị bắt quả tang tại tiệm vàng Hoàng Mai là 100 USD. Theo quy định, cơ quan kiểm tra chỉ được tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, có nghĩa họ chỉ được tạm giữ 100 USD, nhưng thực tế lại niêm phong số lượng lớn USD và vàng miếng có tại tiệm vàng không liên quan đến vụ mua bán trên. Việc làm của cơ quan kiểm tra rõ ràng có dấu hiệu của sự lạm quyền. Việc chủ tiệm vàng cất giữ vàng miếng và USD hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm chứng minh phạm tội hoặc vi phạm hành chính là của cơ quan tố tụng hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Bị can, bị cáo hoặc cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không bị buộc phải tự mình chứng minh vô tội.
Như vậy, trong trường hợp trên, cơ quan kiểm tra không thể lấy cớ chủ DN không chứng minh được nguồn gốc số vàng và ngoại tệ trên là tài sản cất giữ riêng, không dùng kinh doanh để niêm phong, tạm giữ. Nếu chứng minh được việc làm của cơ quan kiểm tra đã gây thiệt hại cho mình, DN hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, chủ tịch quận/huyện chỉ được quyền ký quyết định khám xét nơi ở, trong khi đó, quyết định khám xét do Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ký lại ghi: khám xét toàn bộ ngôi nhà (bao gồm cả khu vực kinh doanh) là vượt quá thẩm quyền. DN có thể khởi kiện người ban hành quyết định hành chính trái luật, đồng thời yêu cầu bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại.
Đây là đề xuất của ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trước thực tế nhiều sản phẩm quảng cáo hiện nay không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới người dùng.
Hội thi “Bàn tay vàng công nhân cấp nước TPHCM” do SAWACO thực hiện đã giúp người lao động có sân chơi luyện tay nghề và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.