Vụ khám tiêu hóa ra tuyến tiền liệt: 'Bị tiêu chảy không cho thuốc vì có thể tự cầm'

04/03/2018 - 09:45

PNO - Bác sĩ N.M.H. kê toa thuốc trị tuyến tiền liệt cho bệnh nhân khám tiêu hóa là bác sĩ ký hợp đồng làm việc với Bệnh viện quận Gò Vấp, không phải bác sĩ cơ hữu của bệnh viện.

Bệnh nhân B.M.C. (57 tuổi) trong bài viết Đi khám tiêu hóa nhận đơn thuốc điều trị tuyến tiền liệt, ngày 3/3 đã thông báo kết quả chẩn đoán của một phòng khám tư ở quận Phú Nhuận ghi rõ ông bị nhiễm trùng đường ruột. Cơ sở này kê thuốc điều trị đường tiêu hóa cho ông C, chứ không phải đơn thuốc trị bệnh tuyến tiền liệt như bác sĩ Bệnh viện quận Gò Vấp đã cho.

Vu kham tieu hoa ra tuyen tien liet: 'Bi tieu chay khong cho thuoc vi co the tu cam'
Một phòng khám tư nhân chẩn đoán và kê toa trị nhiễm trùng ruột cho ông B.M.C. sáng 3/3

Trả lời phóng viên, bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp TP.HCM cho biết, bác sĩ điều trị N.M.H. không sai khi kê toa thuốc Alfuzosin HCL (Gomzat 10mg) và Tadimax trị bệnh tuyến tiền liệt cho bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần.

“Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị bệnh về tuyến tiền liệt nên bác sĩ cho toa thuốc điều trị như vậy là đúng. Bác sĩ điều trị căn cứ vào cận lâm sàng”, bác sĩ Quốc khẳng định.

Vu kham tieu hoa ra tuyen tien liet: 'Bi tieu chay khong cho thuoc vi co the tu cam'

Câu trả lời này chưa thuyết phục được bệnh nhân B.M.C. Bởi ông C. nhập viện cấp cứu vì các triệu chứng đau bụng, đi phân lỏng hàng chục lần một ngày kèm theo sốt cao, không phải biểu hiện của bệnh tuyến tiền liệt. 

Bác sĩ Phạm Hữu Quốc cho biết, bác sĩ N.M.H. kê toa thuốc trị tuyến tiền liệt cho ông C. là bác sĩ ký hợp đồng làm việc với Bệnh viện quận Gò Vấp, không phải bác sĩ cơ hữu của bệnh viện.

Mặt khác, chẩn đoán ban đầu của bác sĩ H.H.H., khoa Hồi sức cấp cứu – chống độc của Bệnh viện quận Gò Vấp cũng giống triệu chứng ông mắc phải: “Khó tiêu chức năng, rối loạn tiêu hóa”. Chẩn đoán của phòng khám tư ở quận Phú Nhuận sau đó cũng cho kết quả tương tự.

Tất cả chỉ định xét nghiệm máu và siêu âm bụng cũng nhằm cho bệnh tiêu hóa, sao lại trả lời phì đại tuyến tiền liệt? Và tại sao bác sĩ không kê toa thuốc cho bệnh rối loạn tiêu hóa?

Vu kham tieu hoa ra tuyen tien liet: 'Bi tieu chay khong cho thuoc vi co the tu cam'
Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM)

Bác sĩ Phạm Hữu Quốc trả lời: “Rối loạn tiêu hóa thì không nhất thiết phải cho thuốc tiêu hóa vì có thể tự cầm và nếu cho thuốc cầm ngay, bệnh nhân sẽ đau bụng. Bác sĩ siêu âm nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng, tất nhiên sẽ không cho thuốc.

Mặt khác, rối loạn tiêu hóa của ông C. không phải là cấp tính. Do đó, bác sĩ bỏ qua, không điều trị để tự cầm. Và khi siêu âm, phát hiện bệnh tuyến tiền liệt, do đó bác sĩ hoàn toàn đúng”.

Vu kham tieu hoa ra tuyen tien liet: 'Bi tieu chay khong cho thuoc vi co the tu cam'
Bị đau bụng tiêu chảy nhưng ông C. được điều trị bệnh tăng sản xuất tuyến tiền liệt

Một bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho rằng, 2 bác sĩ chẩn bệnh khác nhau, một phần do thời điểm giao tua trực, bác sĩ kê toa phân tích chỉ căn cứ vào kết quả cận lâm sàng mà không khám lại hoặc dựa vào chẩn đoán ban đầu.

“Về nguyên tắc, bác sĩ chẩn đoán có thể dựa vào lâm sàng hoặc cận lâm sàng. Kết quả siêu âm ra bệnh phì đại tuyến tiền liệt nên có thể đã khiến bác sĩ N.M.H. phán ngay bệnh nhân bị bệnh. Đây là điều hoàn toàn không nên vì khi nhận bệnh, bác sĩ vẫn luôn khám lại và phải chú ý kỹ hồ sơ bệnh án chẩn đoán ban đầu trước đó; trong khi ca nhập viện đã ghi rõ rối loạn tiêu hóa.

Lý giải của bác sĩ giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp rằng không cần cho thuốc trị rối loạn tiêu hóa, là chưa hợp lý. Bởi lẽ, dù bị tiêu chảy nhẹ, không dùng thuốc cầm tiêu chảy vẫn phải cho thuốc hỗ trợ đường tiêu hóa như men vi sinh, oresol để bù nước. Trong trường hợp này, bệnh nhân tiêu chảy 20 lần/ngày và bị sốt mà không cho thuốc có thể khiến bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải, thậm chí suy thận cấp”. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI