Sau khi Báo Phụ Nữ ngày 6/11 đăng bài , chúng tôi đã nhận được văn bản số 999/2017/CV-ĐN&TT do ông Hồ Phan Hải Triều - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) ký ngày 7/11, phản hồi về nội dung bài báo.
|
Hợp đồng ủy quyền căn cứ trên Công văn 388CV-CHCM.11 ngày 14/3/2011 của Vietbank đồng ý cho khách hàng ủy quyền cho bên thứ ba cho thuê tài sản thế chấp. Do đó, không thể nói như Vietbank là gia đình bà Tú đi định cư ở Mỹ nên "không liên lạc được" |
Đã có thỏa thuận, phải có ký xác nhận
Theo ông Triều, Vietbank cho Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp (CT KTCN) vay vốn theo hợp đồng (HĐ) tín dụng song phương; mà bà Tạ Thị Ngọc Tú là một trong các chủ tài sản bảo đảm của khoản vay. Do vậy, từ việc ký HĐ tín dụng cho đến khế ước giải ngân đều không có yêu cầu chủ tài sản bảo đảm phải xác nhận (?). Bà Tú chỉ có quyền và nghĩa vụ trên HĐ thế chấp tài sản đã ký, đó là nghĩa vụ trả nợ thay và xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ cho ngân hàng (NH) khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Căn cứ Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về quy chế cho vay của NH Nhà nước, ông Triều cho rằng, một khoản vay có thể là tín chấp không có tài sản bảo đảm hoặc được bảo đảm bởi một hoặc nhiều tài sản bảo đảm. CT KTCN đủ điều kiện vay vốn, khoản vay đủ điều kiện để giải ngân theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của Vietbank.
Do đó, theo ông, không thể quy chụp “khi ký HĐ cấp tín dụng hạn mức, phía NH đã chưa có được sự chấp thuận của bên bảo đảm hai khoản thu hộ, nhưng vẫn giải ngân cho vay là không đúng quy định của pháp luật” (?). Về trách nhiệm thông báo cho bên thế chấp, Vietbank cho rằng, theo HĐ thế chấp, chủ tài sản bảo đảm phải có nghĩa vụ thông báo cho NH khi có những thay đổi về địa chỉ liên lạc, những vấn đề ảnh hưởng đến tài sản bảo đảm... Nhưng bà Tú đã không thông báo cho Vietbank bởi sau khi ký HĐ bảo đảm, gia đình bà Tú xuất cảnh sang Mỹ gần 7 năm qua.
Trao đổi với chúng tôi ngày 19/11, luật sư Nguyễn Quyết Quyền (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã vạch ra những bất hợp lý trong luận điểm của Vietbank: “Phía Vietbank cho rằng HĐ cấp hạn mức tín dụng là HĐ song phương giữa Vietbank và bên vay nên không yêu cầu các chủ tài sản bảo đảm phải xác nhận là hoàn toàn không đúng với quy định của các bộ luật, quyết định có giá trị tại thời điểm ký HĐ tín dụng”.
Cụ thể, căn cứ điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định khái niệm HĐ như sau: “HĐ dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Theo khoản 7, điều 3 của Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, hạn mức tín dụng là mức dư nợ vay tối đa được duy trì trong một thời hạn nhất định mà tổ chức tín dụng và khách hàng đã thỏa thuận trong HĐ tín dụng.
Do vậy, đã có thỏa thuận thì phải có ký xác nhận, không thể nói kiểu “bất cần” như NH được. “Thực tế, đã có chữ ký của bốn trong số sáu chủ tài sản bảo đảm trong HĐ cấp tín dụng hạn mức 28 tỷ đồng (HĐ thứ nhất) cho CT KTCN vay; nhưng không hiểu tại sao lại không có chữ ký xác nhận của hai CT có khoản phải thu hộ, mà NH vẫn cho giải ngân”, ông Quyền nêu.
Ngoài ra, Vietbank viện lý do bà Tú đi xuất cảnh nên không liên lạc được cũng không đúng. Theo bà Hồ Thị Hồng Loan - người đại diện ủy quyền của bà Tú, sau khi ký các HĐ bảo đảm khoản vay cho CT KTCN, thì vào ngày 14/3/2011, phía Vietbank đã có công văn đồng ý cho vợ chồng bà Tú ủy quyền cho bên thứ ba là ông Phạm Vũ Minh Thy để cho thuê tài sản đang thế chấp tại Vietbank. Do vậy, nếu muốn, Vietbank hoàn toàn có thể liên hệ với vợ chồng bà Tú thông qua ông Minh Thy - người được ủy quyền.
Ngân hàng nhầm, luật sư không lẫn
Trở lại văn bản phản hồi bài báo, ông Triều cho rằng Báo Phụ Nữ viện dẫn lời luật sư Nguyễn Quyết Quyền: “...với việc không đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chi tiết sao kê khoản vay, Vietbank đã vi phạm Thông tư 03/2001/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng do NH Nhà nước ban hành” (?). Theo ông Triều, luật sư đã nhầm lẫn vì Thông tư 03/2001/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NH Nhà nước Việt Nam do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) làm đầu mối. Bao gồm: “Cung cấp thông tin tín dụng cho NH Nhà nước; xử lý, lưu giữ, bảo mật dữ liệu thông tin tín dụng; khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan” (?).
Tuy nhiên, chính ông Phó tổng giám đốc Vietbank mới là người nhầm lẫn. Trả lời trên Báo Phụ Nữ, luật sư Quyền đã căn cứ vào Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng do NH Nhà nước ban hành, chứ không phải Thông tư 03/2001/TT-NHNN như ông Triều “quáng gà”.
Luật sư Quyền cho biết thêm, tại điều 16 Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay, khách hàng được khai thác miễn phí thông tin tín dụng về bản thân một lần trong một năm, bao gồm các chỉ tiêu thông tin tín dụng tại điều 7 thông tư này. Khách hàng còn được quyền khiếu nại khi phát hiện thông tin tín dụng của mình có sai sót theo quy định tại điều 18 cũng trong thông tư này.
“Vietbank cũng đã báo dư nợ không đúng với CIC bởi căn cứ điều 3, thông tư 03/2013/TT-NHNN, tại khoản 5 ghi rõ, sản phẩm thông tin tín dụng là báo cáo thông tin, ấn phẩm do CIC tạo lập, cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở thông tin tín dụng thu thập được”, luật sư nói.
Một điều khó hiểu nữa về xử lý tài sản bảo đảm là Vietbank cho biết họ đã xử lý tất cả các tài sản gồm bốn bất động sản, cũng như đã thu được một phần từ các khoản phải thu khác và đang tiếp tục xử lý. Theo HĐ đã ký, tổng giá trị số tài sản này xấp xỉ 50 tỷ đồng để bảo đảm cho khoản vay 28 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản bảo đảm của bà Tú chỉ trên dưới 4 tỷ đồng; như thế về nguyên tắc, khoản vay 28 tỷ đồng đã được xử lý nhờ các tài sản bảo đảm thế nào? Tại sao NH vẫn treo nợ tài sản thế chấp của bà Tú? Điều này càng làm cho vấn đề chúng tôi đã đặt ra trong bài trước thêm lạ lùng.
Bên cạnh HĐ cấp tín dụng hạn mức mà bà Tú đã ký bảo đảm, lại xuất hiện thêm HĐ thứ hai, VietBank cho CT KTCN vay thêm 20 tỷ đồng. Dĩ nhiên, phía bà Tú không có trách nhiệm bảo lãnh đối với HĐ này. Vậy phải chăng NH đã tính chung dư nợ của cả hai hợp đồng và “gô cổ” người bảo lãnh, bắt phải gánh luôn trách nhiệm với HĐ vay thứ hai mà họ không có nghĩa vụ bảo lãnh?
Như đã nêu, số liệu của CIC vào tháng 7/2017 thể hiện tổng dư nợ gốc của CT chỉ gần 117 triệu đồng nhưng NH lại thông báo nợ lên đến hơn 52 tỷ đồng (?) và treo luôn tài sản của bà Tú. Cũng trong thời gian này, bà Tú không đồng ý việc cấn nợ đối với khoản vay của CT KTCN bằng tài sản bảo đảm của mình.
Sau khi Báo Phụ Nữ phản ánh sự việc, phía Vietbank cho rằng đã chuyển theo dõi ngoại bảng một phần dư nợ gốc số tiền hơn 4,3 tỷ đồng, tương ứng với giá trị tài sản bảo đảm của bà Tú. Và mãi đến tháng 10/2017, họ mới khôi phục lại đúng hiện trạng khoản nợ. Cuối cùng là để trả lời báo chí, NH mới cho biết: “Thông tin trên CIC từ giữa tháng 11/2017 sẽ thể hiện dư nợ gốc (của CT KTCN) là 4.473.697.709 đồng”.
Nếu viện cho vay tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tại sao khế ước giải ngân lại gộp cả hai HĐ cấp tín dụng hạn mức? NH là đơn vị kinh tế hoạt động với đòi hỏi tiên quyết là phải rõ ràng, minh bạch nhưng tại sao sau nhiều tháng, phía bà Tú nhiều lần yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ, sao kê chi tiết việc trả nợ đối với khoản vay do mình ký bảo đảm, thì Vietbank vẫn không đáp ứng?
Ngày 16/9 vừa qua, bà Loan đã có đơn yêu cầu đối thoại trực tiếp với Tổng giám đốc Vietbank, cũng như nhiều lần điện thoại vào đường dây nóng yêu cầu tiếp xúc theo đơn gửi cùng ngày, để làm rõ các vấn đề liên quan nhưng phía NH chưa có hồi âm nào.
Quốc Ngọc