Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Đang nuôi con nhỏ, nữ giáo viên lâm cảnh khốn cùng vì mất việc vô cớ

11/03/2018 - 13:18

PNO - Trước những bức xúc của hơn 500 giáo viên bị mất việc, các ngành chức năng tại Đắk Lắk đang tổ chức họp khẩn để đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Trưa 11/3, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, UBND tỉnh và các ngành chức năng hiện đang họp khẩn để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.

Cũng liên quan đến sự việc này, vừa qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi LĐLĐ tỉnh, Sở GDĐT tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt giáo viên tại huyện Krông Pắk.

Theo đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị các cơ quan liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc ở địa bàn trong tỉnh.

Vu hon 500 giao vien mat viec: Dang nuoi con nho, nu giao vien lam canh khon cung vi mat viec vo co
Các giáo viên bức xúc sau khi biết tin mất việc.

Là một trong hàng trăm giáo viên bị mất việc, cô giáo Nguyễn Thị Nhật Loan (trường THCS Ea Yông) vẫn chưa hết bàng hoàng. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cô đi dạy ở TP.HCM được 1 năm cho đến tháng 8/2011 cô nhận được quyết định của huyện về trường ký hợp đồng và bắt đầu về giảng dạy môn Mĩ thuật tại trường THCS Ea Yông cho tới nay.

Cô chia sẻ: “Con gái tôi mới được 20 tháng tuổi mà giờ họ không cho đi làm thì tôi chưa biết làm gì để nuôi con đây…”, cô Loan nghẹn ngào.

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh - giáo viên Tin học Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết thầy cùng 4 giáo viên hợp đồng khác cùng trường đã gửi đơn khởi kiện UBND huyện và nhà trường đã vi phạm hợp đồng lao động.

Theo thầy Tuấn Anh, quyết định và hợp đồng của thầy đã ký là hợp đồng không thời hạn. Hợp đồng này chỉ chấm dứt khi thi biên chế thầy bị rớt hoặc việc giảng dạy của thầy có vi phạm nhưng nhà trường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng sai quy định. Đáng nói, khi thầy đi dạy đến hết năm 2015 nghỉ hè cũng không có lương dù trong hợp đồng ghi có lương. Đến cuối tháng 5/2016, nghỉ hè thầy hiệu trưởng hứa sẽ gọi về dạy nhưng thầy Tuấn Anh chờ mãi đến cuối năm đó vẫn không được gọi đi dạy.

"Cho đến ngày 21/1/2017, trường triệu tập cuộc họp báo rằng phải ký lại hợp đồng từ dài hạn xuống ngắn hạn, chỉ dạy từ tháng 3 – tháng 5, nhận lương 1.002.500 đồng. Nếu đồng ý thì ký, còn không nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng không cho chúng tôi đi dạy nữa. 17 giáo viên khác đã ký tiếp còn 5 giáo viên như chúng tôi thấy nhà trường đã vi phạm hợp đồng nên bị nghỉ ngang", thầy Tuấn Anh kể.

Sau đó, thầy Tuấn Anh đã ra TP. Đà Nẵng xin đi làm phụ xe rồi đi làm thợ hàn ở các công trình xây dựng, đời sống rất vất vả, bấp bênh.

Như đã đưa tin trước đó, vào chiều ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 200 giáo viên. Trong số hơn 400 giáo viên hợp đồng còn lại, nếu ai đủ điều kiện sẽ tham gia xét tuyển với chỉ tiêu là 83 và nếu không đậu cũng buộc phải nghỉ làm. Việc này đồng nghĩa với trên 500 giáo viên hợp đồng bị chấm dứt việc làm, phải tự tìm công việc mới.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI