Vụ 'HMC lại bị tố bán tài sản công trái quy định': Kết luận lấp lửng

07/01/2019 - 11:49

PNO - Khi cho rằng nếu đấu thầu rộng rãi thì tránh được “dư luận không tốt” về giá chuyển nhượng, như thế, cơ quan bộ đã thấy, biết vấn đề buộc phải tuân theo các quy định đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành kết luận nội dung tố cáo số 10700/KL-BCT ngày 27/12/2018 về một số sai phạm của ông Đặng Huy Hiệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM (HMC) - trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp. Kết luận này là kết quả xác minh đơn tố cáo của ông Hứa Văn Hải - nhân viên Phòng Kinh doanh số 1 của HMC.

Sai ngay từ đầu

Liên quan đến nội dung ông Hải tố cáo ông Đặng Huy Hiệp “được sự bao che của Tổng công ty Thép Việt Nam, tự ý bán toàn bộ khu đất 9.125m2 tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Quỳ, P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM cho Công ty Địa ốc Đất Xanh với giá hơn 102 tỷ đồng không đúng quy định” (Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 11/6/2018 có đăng bài HMC lại bị tố bán tài sản công trái quy định), kết luận của Bộ Công Thương còn một số điều khá lấp lửng.

Vu 'HMC lai bi to ban tai san cong trai quy dinh': Ket luan lap lung

Khu đất 9.125m2 được “chuyển nhượng dự án” cho tư nhân với giá chỉ hơn 102 tỷ đồng tại đường Nguyễn Văn Quỳ (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM, cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng) giờ đã mọc lên chung cư cao cấp Luxgarden của Đất Xanh

Bộ cho rằng, tại thời điểm cổ phần hóa (CPH) năm 2005, HMC thuê khu đất trên của Nhà nước, trả tiền hằng năm nên giá trị quyền sử dụng đất không tính vào giá trị doanh nghiệp CPH. Do đó, nội dung tố cáo “khi CPH thì khu đất này là tài sản của Nhà nước góp vốn vào công ty để tham gia CPH” là không đúng.

Bộ cũng khẳng định, nội dung “năm 2013, HMC đã đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất cho Nhà nước 87 tỷ đồng” là không đúng, vì Quyết định số 5796/QĐ-UBND ngày 22/12/2010 của UBND TP.HCM duyệt giá trị quyền sử đụng đất khu đất trên theo giá thị trường (để HMC thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển hình thức từ thuê đất sang chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất, đầu tư xây dựng công trình chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ) là hơn 84,3 tỷ đồng và phạt do chậm nộp tiền mua mặt bằng hơn 2,4 tỷ đồng. Như vậy, theo bộ, đến năm 2011, khu đất này là tài sản cố định vô hình của HMC.

Trao đổi với chúng tôi ngày 6/1, luật sư Nguyễn Đăng Vỹ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm, trước năm 2005, khi chưa CPH, đất này do HMC thuê của Nhà nước, sau khi CPH, chính là HMC “mua” lại chuyển nhượng của Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chấp nhận chuyển nhượng.

“Như vậy, việc này không thể không tuân theo quy trình đấu thầu. Đó là nguyên tắc. Bởi các thành phần kinh tế đều bình đẳng, tại sao HMC được giao đất, được chuyển nhượng mà không phải là đơn vị khác? Nếu chuyển nhượng mà không tuân theo nguyên tắc đấu thầu, tức là cả UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã sai từ đầu rồi” - ông Vỹ nhận định.

Theo luật sư Vỹ, Bộ Công Thương khẳng định, khu đất là tài sản của HMC. Muốn kinh doanh trên tài sản này, phải được thông qua đại hội cổ đông chứ không thể để cá nhân quyết định được.

Về điểm này, bộ cho rằng, ông Hiệp thực hiện việc chuyển nhượng dự án để thoái vốn theo chủ trương chung của Chính phủ, trên cơ sở tổng công ty đồng ý về chủ trương và có ý kiến chỉ đạo của Hội đồng quản trị HMC. Sau khi thực hiện các thủ tục chào giá cạnh tranh, HMC và Công ty Địa ốc Đất xanh đã ký hợp đồng chuyển nhượng với giá 102.157.440.000 đồng.

Bỏ quên Luật Đấu thầu và các nghị định

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng này, cả tổng công ty và HMC còn một số thiếu sót, hạn chế. Cụ thể, trên cơ sở kết quả chào giá cạnh tranh, HMC đã phê duyệt giá đề nghị chuyển nhượng của Công ty Địa ốc Đất Xanh là 102.157.440.000 đồng (tương ứng với 11,2 triệu đồng/m2) và ký thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng.

Giá trị chuyển nhượng này (không bao gồm tài sản trên đất và đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) cao hơn 9 tỷ đồng so với giá đề nghị chuyển nhượng tại báo cáo phương án chuyển nhượng giai đoạn trước đó và cao hơn giá chứng thư thẩm định gần 11,37 tỷ đồng, cũng như cao hơn giá phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất theo giá thị trường tại Quyết định 5796/QĐ-UBND hơn 17,8 tỷ đồng.

Như vậy, theo bộ, công ty đã thực hiện việc chào giá cạnh tranh để chuyển nhượng dự án. Thế nhưng, kết luận của bộ lại nêu: “Tuy nhiên, nếu công ty tổ chức đấu thầu rộng rãi thì tránh được dư luận không tốt về giá chuyển nhượng”(?).

Theo điều lệ của HMC, đại hội đồng cổ đông quyết định giao dịch bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản công ty tính theo sổ sách kế toán được kiểm toán gần nhất. Tổng tài sản công ty thời điểm gần nhất so với lúc chuyển nhượng (ngày 30/6/2015) là hơn 1.018 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng dự án tại P.Phú Thuận hơn 102 tỷ đồng, tức chiếm tỷ lệ 10%/tổng tài sản.

Vì vậy, theo bộ, thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng dự án thuộc hội đồng quản trị HMC, không thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, Bộ Công Thương kết luận, HMC triển khai các thủ tục chuyển nhượng dự án cho Đất Xanh từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 nên không áp dụng Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016 vì trong giai đoạn này, luật chưa có hiệu lực (luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017).

Nhận xét về các lập luận trên, luật sư Nguyễn Đăng Vỹ cho rằng, kết luận của Bộ Công Thương đang có sự “ngộ nhận” khi chưa xác định rõ ràng cái đúng, cái sai.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa, theo luật sư Vỹ là, do vốn Nhà nước còn chi phối tại HMC, cho nên không ai có thể tự quyết vấn đề chuyển nhượng này được, mà phải thông qua đại hội cổ đông.

Trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót, hạn chế thuộc về cá nhân, đơn vị trong các thời kỳ liên quan gồm tổng giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, bộ phận đại diện phần vốn của Tổng công ty Thép Việt Nam tại HMC, phòng chuyên môn liên quan, cũng như hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban chuyên môn liên quan của tổng công ty.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI