VĐV Phạm Như Phương là người "khui" ra những khuất tất liên quan đến tiền bạc tại bộ môn thể dục dụng cụ
Thể thao chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam. Chúng ta chỉ có 1 chiếc huy chương vàng Olympic trong suốt 40 năm và các giải thưởng thể thao thường chỉ dừng lại tại khu vực Đông Nam Á. Có thể thể chất không phải là trở ngại duy nhất ngăn thể thao Việt Nam bước xa hơn. Chế độ dinh dưỡng và sự chuyên nghiệp là những điều kiện rất cần thiết để tạo ra một vận động viên thành tích cao. Nhưng vừa hay, những scandal ồn ào của thể thao nước nhà thường rơi vào 2 câu chuyện đó.
Chỉ ít lâu trước, vụ các vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam bị “ăn chặn” trên chính suất ăn của mình từng khiến dư luận xôn xao. Với số tiền ăn 320 ngàn mỗi ngày cho một vận động viên, mâm cơm của đội tuyển quốc gia lại chỉ có đậu, rau, cá basa, chả giò. Vận động viên chia sẻ phải đi mua thêm đồ ăn để bổ sung dinh dưỡng và tập luyện. Chỉ đến khi bữa ăn đó được đăng tải trên mạng xã hội và dư luận vào cuộc, mới lộ ra chuyện mỗi phần ăn bị cắt xén, và 3 người - một Trưởng phòng và một chuyên viên theo dõi thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, một chuyên viên phụ trách môn bóng bàn thuộc Cục TDTT – bị kỷ luật.
Khi câu chuyện của Như Phương, vận động viên thể dục dụng cụ từng giành 2 HCB, 2 HCĐ Seagames cho Việt Nam - người phải “cắt lại” phần trăm tiền thưởng, kể cả tiền thưởng nóng của nhà tài trợ cho huấn luyện viên xảy ra, đó chưa phải bất ngờ duy nhất. Bất ngờ thứ 2 xảy ra khi hàng loạt cựu vận động viên thể dục dụng cụ lên tiếng về điều tương tự. Họ cũng phải tuân thủ những thứ “luật” ngầm vô lý tại nơi huấn luyện, đào tạo mình thành một vận động viên chuyên nghiệp. Tức là điều này đã xảy ra từ lâu, với nhiều người, không phải trường hợp cá biệt của một vận động viên. Tệ hơn, còn có câu chuyện các huấn luyện viên kê khống lịch tập luyện của vận động viên để lấy tiền từ ngân sách – hành vi không còn thuộc phạm vi đạo đức, tư cách nữa mà đã là vi phạm pháp luật.
Sau mỗi scandal thể thao liên quan tới chế độ ăn, tiền thưởng, luôn có nhiều cựu vận động viên đứng ra tuyên bố rằng “họ không hề bất ngờ”. Những câu chuyện cũ lặp đi lặp lại nhiều năm trong nhiều lĩnh vực thể thao và quen thuộc với những người trong cuộc, nhưng chỉ được công chúng biết tới khi vỡ lở.
Một phiếu đăng ký tập luyện, nhưng theo VĐV Phạm Như Phương, các VĐV và HLV đều không tập vào ngày cuối tuần
Một môi trường đào tạo nhưng lại có những luật lệ ngầm nằm ở trên quy định, nguyên tắc làm việc thì đó không thể là một môi trường chuyên nghiệp. Những người thầy, người hướng dẫn thiếu nguyên tắc và sự chính trực cũng không thể được gọi là chuyên nghiệp. Một môi trường thể thao có chế độ ăn uống bị cắt xén, thiếu thốn càng không thể tạo ra một vận động viên chuyên nghiệp.
Thể thao Việt Nam, bao nhiêu năm qua, dù thành tích phần nào đã được cải thiện nhưng vẫn rất yếu ớt so với nhiều nước trong khu vực. Có nhiều nguyên do dẫn đến điều đó, trong đó chắc chắn không thể thiếu việc vẫn còn đó nhiều “ung nhọt”, đục khoét và làm hoại đi môi trường này. Nếu ví thể thao Việt Nam như một cái cây, vậy làm thế nào để cây đó mạnh lên được khi môi trường không không hề lành mạnh?
Chưa kể, với riêng môn thể dục dụng cụ (mà Nguyễn Như Phương và nhiều cựu vận động viên khác vừa khơi lộ nhiều điều tối tăm), các vận động viên đều bắt đầu ở tuổi rất nhỏ – hầu hết đều dưới 10 tuổi. Những đứa trẻ trưởng thành trong một môi trường mà sự giả dối và bất công đã trở thành “thông lệ” đó, sẽ trở thành ai, mang điều gì đến cho xã hội? Sẽ đóng góp những gì cho nền thể thao nước nhà và cả những thế hệ tiếp nối của mình?
Trả lời hết được những câu hỏi này, có lẽ thể thao Việt Nam mới có thể bớt yếu ớt đi!