Vũ Hạnh - Nhà văn của một thời "bút máu"

06/10/2015 - 11:23

PNO - Nhà văn (NV) Vũ Hạnh là một “ca” lạ, rất lạ trong nền văn học miền Nam trước năm 1975.

Với Vũ Hạnh, thiên hạ thừa biết ông là người chống đối quyết liệt, từng năm lần nếm mùi ngục tù của chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng trên lĩnh vực báo chí, xuất bản văn chương “chính thống” thời ấy, ông vẫn xuất hiện đàng hoàng, “ngang vai phải lứa” với các NV lừng danh trong giai đoạn đó.

Điều này có nghĩa, một khi nhìn lại dòng văn học miền Nam, xét về khía cạnh văn chương, bên cạnh những cây bút công khai đại diện cho nền văn học đó, không thể thiếu Vũ Hạnh.

Ông tên thật Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam, bắt đầu có thơ in trên báo Sông Hương từ năm 1944. Trong kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách Ban kịch tuyên truyền, đi dạy học, tham gia TNXP phục vụ chiến trường Tây Nguyên.

Sau năm 1954, trở về quê nhà, tổ chức đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất Bắc - Nam, ông bị địch bắt giam. Năm 1956 được trả tự do, ông vào Sài Gòn hoạt động tích cực trên mặt trận đấu tranh văn hóa tại nội thành.

Ngòi bút của NV Vũ Hạnh tung hoành ngang dọc trên nhiều lĩnh vực. Những trang viết của ông dù ấn hành công khai nhưng đều ẩn giấu giữa hai dòng chữ là nhiệt tình của một người yêu nước, đấu tranh chống bạo lực và hướng về các giá trị nhân văn.

Có thể kể truyện dài Lửa rừng (tên ban đầu Truyện nàng Y Klan) có dụng ý chào mừng sự kiện thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, ông đã viết các truyện ngắn ấn tượng như Người chồng thời đại, Mụ Tư Cò… Riêng quyển Người Việt cao quý, ông ký bút danh A.Pazzi khiến một thời nhiều người lầm tưởng đó là tác phẩm của một NV… người Ý!

Với bút danh này, ông muốn khẳng định lập trường yêu nước không thay đổi, luôn bất di, bất dịch. Năm 1965, khi hai miền Nam - Bắc tổ chức kỷ niệm ngày sinh thi hào Nguyễn Du, ông có tập sách Đọc lại Truyện Kiều. Có khi, ông sử dụng thủ pháp “mượn xưa nói nay” nhằm thể hiện bản lĩnh chiến đấu qua truyện ngắn Chất ngọc, Dương đảo, vở kịch Người nữ tì…

Vu Hanh - Nha van cua mot thoi
Ảnh: Như Ý

Không những thế, Vũ Hạnh còn là một cây bút lý luận sắc bén. Lúc giữ cương vị Tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc, trên tạp chí Tin văn, từ số 1 ra ngày 6/6/1966, ông đã công bố tiểu luận nổi tiếng Chín điểm trong văn nghệ có ảnh hưởng đáng kể đến trí thức đương thời.

Các luận điểm này đã bám sát chủ trương của Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định: mở rộng văn hóa tấn công địch trong vùng tạm chiến và đã tạo tiếng vang rất lớn. Nhiều cơ quan ngôn luận thân chính quyền đã phản pháo bằng cách bôi nhọ, mạt sát cá nhân Vũ Hạnh, tố cáo ông là “Việt cộng nằm vùng”.

“Để tăng cường thêm không khí trấn áp, một đội cảnh sát thường xuyên túc trực ngõ hẻm nhà tôi ở”, Vũ Hạnh kể. Ít lâu sau, ngày 2/6/1967, ông lại bị bắt. Lập tức, Đảng ủy văn hóa khu Sài Gòn Gia Định đã vận động các tổ chức, đoàn thể yêu nước công khai phản đối, ra bản công bố đòi phải trả tự do cho ông.

Dù bị đàn áp, tù tội nhưng NV Vũ Hạnh vẫn không rời bỏ vị trí chiến đấu. Tháng 1/1971, khi tạp chí Văn bút của Trung tâm Văn bút ở miền Nam ra đời, Vũ Hạnh nhận nhiệm vụ chủ biên cũng không ngoài mục đích sử dụng làm diễn đàn đấu tranh cho nền văn hóa dân tộc. Sau năm 1975, ông giữ cương vị Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI