Cùng ngày, đại diện Hội LHPN TP.HCM đã đến thăm hỏi, động viên hai thiếu nữ và nắm bắt thông tin vụ việc để có hướng hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho hai cô gái bị “nhốt” oan.
Nạn nhân được giải quyết hồi gia
Ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm HTXH TP.HCM đã ký quyết định giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng cho Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1996, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (SN 2001, quê Đồng Nai). Ngay sau khi nhận được quyết định, Nhung và Kiều đã tự bắt taxi về nhà trọ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Tuyết Nhung cho biết, khi đang ngồi ở quán cà phê, bị công an (CA) vào kiểm tra hành chính, Nhung có trình bày là em để quên giấy tờ và xin được cho gia đình đem lên. Sau đó, Nhung có gọi cho mẹ mang giấy tờ đến, nhưng do mẹ đang đi làm nên không mang lên ngay được.
Nhung khẳng định, khi bị mời về CA phường, cô cũng như Kiều rất sợ và hợp tác với CA chứ không “chống đối, bất hợp tác” như trả lời của đại diện chính quyền P.Tam Bình, Q.Thủ Đức. “Tụi em đang ngồi chờ mẹ mang giấy tờ đến thì có cán bộ đưa cho tờ giấy bảo “ký vào đi, khi có người nhà đến, sẽ bảo lãnh về”. Không ngờ khi ký vào giấy đó, tụi em bị nhốt đến chín ngày”, Nhung kể.
Cầm trên tay quyết định giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng, em Ngô Thị Kiều bật khóc: “Ở trung tâm, mấy cô chú đối xử với tụi em rất tốt, nhưng do lần đầu sống ở nơi xa lạ nên tụi em cứ thức khóc cả đêm. Đến bây giờ em vẫn không hiểu, tại sao tụi em có nhà trọ, có công ăn việc làm đàng hoàng mà lại bị kết luận là “sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định”.
|
Hình ảnh Kiều (áo đỏ) và Nhung (áo đen) trước khi bị bắt. |
Ngay sau khi Nhung và Kiều được trở về nhà, đại diện Hội LHPN TP.HCM đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần hai cô gái, đồng thời tìm hiểu thông tin ban đầu từ phía hai nạn nhân và các cơ quan chức năng có liên quan.
Chiều 28/9, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã liên lạc với đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM - chủ quản của Trung tâm HTXH TP.HCM để nắm thông tin liên quan đến vụ việc này, nhưng đại diện sở này cho biết, sẽ có văn bản trả lời báo chí vào ngày 29/9.
Như Báo Phụ Nữ đã đưa tin, khoảng 15h ngày 18/9, Nhung và Kiều hẹn một người bạn thân tên Nghĩa đi uống cà phê. Đến khoảng 16g cùng ngày, lực lượng CA P.Tam Bình, Q.Thủ Đức bất ngờ xuất hiện, kiểm tra hành chính quán cà phê này, yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân của mọi người có mặt ở quán.
Do quên mang giấy tờ tùy thân theo người, Nhung và Kiều “được” mời về trụ sở CA P.Tam Bình làm việc. Hơn ba giờ sau, chính quyền P.Tam Bình đã lập hồ sơ đưa Nhung và Kiều vào Trung tâm HTXH TP.HCM theo diện “người vô gia cư”.
Công an phường chưa làm tròn trách nhiệm
Luật sư (LS) Dương Thị Tới (Tổ Trợ giúp pháp lý, Hội LHPN TP.HCM) nhận định, chỉ cần thông qua cuộc gọi của Nhung cho mẹ, CA hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để gọi cho bà Lê Thị Mỹ Nghĩa - mẹ của chị Nhung - để xác định địa chỉ thường trú và đăng ký tạm trú của cả hai mẹ con . Ngoài ra, theo Luật Hành chính, CA phường có quyền câu lưu 24 giờ để xác minh đối tượng, không hiểu sao, họ lại quá vội vàng. Cái sai này lại được UBND P.Tam Bình “hợp thức hóa”, làm thành thủ tục “đủ” để đưa hai cô vào trung tâm.
|
Giấy chứng minh nhân dân của Nhung và Kiều |
Cùng quan điểm trên, LS Bùi Minh Nghĩa (Công ty Luật TNHH Đại Hằng Sinh) cho rằng, cơ quan chức năng cấp phường đã làm sai các quy định, thủ tục, không xác minh đối tượng một cách đầy đủ.
Trong hai cô gái, Ngô Thị Kiều (sinh năm 2001), dù đã hơn 16 tuổi, nhưng theo quy định pháp luật về tố tụng hiện hành, khi làm việc, lấy lời khai lập biên bản tại CA và UBND P.Tam Bình (người dưới 18 tuổi), cơ quan chức năng phải mời cha mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp của Kiều, nếu không, phải có đại diện của các đoàn thể, mặt trận. Đằng này, trong các quá trình trên, Kiều chỉ có một mình thì rõ ràng CA P.Tam Bình đã vi phạm pháp luật.
UBND P.Tam Bình triệu tập sai đối tượng
“Dù trung tâm HTXH đã trả hai cô gái về, nhưng các cô hoàn toàn có quyền yêu cầu những cá nhân, cơ quan làm sai phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại”
LS Nguyễn Sơn Lâm
|
Theo LS Nguyễn Sơn Lâm (Chi hội luật sư bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM), trung tâm HTXH là nơi tiếp nhận ban đầu đối với người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định, trong khi hai cô gái này chỉ vào quán uống cà phê, có nơi cư trú rõ ràng. Việc cơ quan chức năng đưa hai cô gái này vào trung tâm HTXH là vội vàng, cẩu thả, làm ảnh hưởng đến danh dự, quyền công dân của hai cô” - LS Lâm nói.
LS Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - nhận định: “Vụ việc trên không chỉ sai tinh thần Quyết định 29/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ mà còn vi phạm cả quyền cơ bản của con người được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Cái sai này là do nhận thức pháp luật của cán bộ còn yếu kém”.
Trung tâm HTXH “câu giờ” gây thiệt hại ngân sách
LS Dương Thị Tới cho biết, theo khoản 1, điều 8 của Quyết định 29, trong vòng 5 ngày, trung tâm phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng chiều 26/9, tức 8 ngày sau, sở này lại khẳng định chưa từng được nghe báo cáo về vụ việc trên.
LS Đoàn Trọng Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM, cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM) cho rằng, các đơn vị có liên quan đã làm trái định pháp luật và xâm phạm tới quyền tự do đi lại của công dân, gây thiệt hại cho công dân. Cách làm này cũng làm thiệt hại ngân sách, kinh phí nhà nước về HTXH.
“Nếu ai đi ra đường quên mang chứng minh cũng bị đưa về trung tâm HTXH thì kinh phí, ngân sách nào lo cho xuể? Trách nhiệm này ai sẽ gánh? Theo tôi, các cơ quan công quyền cần rút kinh nghiệm sâu sắc để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật và tránh sự lạm quyền, tránh tạo ra những tiền lệ xấu về sau” - LS Nghĩa khuyến cáo.
LS Bùi Minh Nghĩa còn chỉ ra, khi trả hai cô gái trở về, Trung tâm HTXH TP.HCM không báo tin cho gia đình mà để Kiều tự ra về, đó là điều cần phải chấn chỉnh. LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc để những ông bố, bà mẹ tất tả cầm đơn xác nhận nơi cư trú xin bảo lãnh con nhưng bị từ chối vì không đúng quy trình ngày họp xét duyệt theo thông lệ của trung tâm HTXH cho thấy sự vô cảm của đội ngũ công chức làm công tác HTXH.
Các cá nhân, tổ chức làm sai cần xin lỗi, bồi thường thiệt hại
Người làm sai, cần phải xin lỗi. Trong suốt 9 ngày bị giữ, ai sẽ đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho các cô gái này? Tôi đề nghị, cần đưa các em đi giám định lại sức khỏe.
LS Dương Thị Tới (Tổ Trợ giúp pháp lý, Hội LHPN TP.HCM)
|
Nghi Anh - Sơn Vinh