edf40wrjww2tblPage:Content
Ở phiên tòa này, chủ tọa phiên tòa cố gắng giữ bình tĩnh để tiến hành xử án trong khi cánh cửa chính cuối phòng xử liên tục bị đập rầm rầm, do hàng trăm người muốn được chen vào dự khán, dù trong phòng đã nêm kín người. Ở đó, nét mặt của đám đông người dự khán bừng nỗi tức giận, đồng thanh phản đối mỗi khi bị cáo nói sai sự thật và vỗ tay rào rào mỗi khi hội đồng xét xử phát biểu đúng tâm tư họ...
Đám đông vây kín xe chở phạm nhân đến Tòa
Cuồng nộ đến từ lòng trắc ẩn
Khi clip hai bảo mẫu của cơ sở mầm non Phương Anh (quận Thủ Đức) được đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng ngày 13/12/2013, cảnh tượng bảo mẫu tát liên tục vào mặt, dúi đầu, chúc ngược đầu trẻ vào thùng nước, ấn đầu trẻ vào háng mình…, đã khiến dư luận phẫn nộ tột độ. Ít ông bố, bà mẹ nào đủ can đảm để xem trọn clip. Cơn phẫn nộ của dư luận lớn đến mức, sau hơn một tháng, TAND quận Thủ Đức mới đưa ra xét xử nhưng hàng ngàn người đã bỏ công ăn, việc làm để đến tham dự phiên tòa.
Có vẻ như ban tổ chức cũng bất ngờ với số người đến dự khán đông đến vậy. Mới 7g15, phòng xử gần 500 chỗ ngồi đã kín chỗ, đến 7g30, dòng người kéo đến càng lúc càng đông, công an buộc phải đóng cửa. Đến 8g, dù đã đến giờ xét xử nhưng hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn không thể tiến hành, bởi đám đông cuồng nộ bên ngoài tìm mội cách để được vào trong nhìn tận mặt kẻ thủ ác. Lãnh đạo Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức đã đề nghị công an mở hết các cửa, để nhiều người có thể theo dõi phiên xử từ hành lang và trước sân hội trường. Bên trongphòng xử, người tham dự chật cứng. phòng xử, người tham dự chật cứng.
Hai bảo mẫu trước vành móng ngựa
Nhìn cảnh đám đông mỗi lúc mỗi "nóng hầm hập" sau lưng mình, hai bị cáo Đông Phương và Thiên Lý bật khóc vì sợ. Có lẽ, chính hai bị cáo cũng không ngờ rằng, lỗi lầm của họ lại "phạm" đến cả số đông như vậy. Và có lẽ, chính những người dự khán cũng không ngờ rằng, có lúc mình cũng tỏ ra quá hung hãn để phản ứng trước cái xấu.
Ban tổ chức đã chủ động đóng cửa bãi giữ xe để hạn chế số lượng người tham dự. Thế nhưng, hầu như chẳng ai bỏ về, họ tìm đến bãi giữ xe khác, rồi đến theo dõi phiên tòa qua màn hình ngoài phòng xử. Chị Trần Thị Khánh Di (giáo viên Trường Cao đẳng nghề TP.HCM) dắt đứa con trai hơn hai tuổi đến dự. Chị không giấu được bức xúc: “Ngày xem clip hai bảo mẫu bạo hành trẻ, tôi giận tím người, chạy đến tận cơ sở mầm non Phương Anh để xem và tìm hiểu thêm. Sáng nay, biết là đưa con nhỏ đi cùng là bất tiện, nhưng tôi vẫn nóng lòng đi. Tôi hiểu được tâm lý phẫn nộ của đám đông, vì tôi cũng là người trong số đó". Dù không được vào trong, chị Di đã cùng hàng trăm người khác chang nắng hơn 3 giờ đồng hồ để theo dõi diễn tiến phiên tòa.
“Bị cáo cũng rất thương học trò” (?)
Tại tòa, Phương khai nhận đã bạo hành đối với các bé Trần Hòa, Tuấn Khang, Thụy Lâm, Ngọc Châu... Phương thừa nhận đã tát vào mặt, bóp cổ và kẹp các bé vào đùi với mục đích để các bé ăn hết suất. Cả khán phòng ồ lên vì không giữ được bình tĩnh. Chủ tọa đặt câu hỏi: “Bị cáo cũng có con nhỏ, nếu con của bị cáo cũng bị hành xử như vậy, bị cáo cảm thấy thế nào?”. Phương lí nhí: “Cảm thấy buồn. Bị cáo ân hận lắm”. Khi được hỏi “Cho trẻ ăn, uống sữa trong tình cảnh trẻ phải đẫm nước mắt, hoảng loạn như vậy, trẻ có nuốt nổi không?”, Phương cúi mặt: “Bị cáo biết sai rồi”.
Bị cáo Thiên Lý vốn được Phương thuê để phụ nấu nướng, nhưng khi thiếu người, Lý cũng được giao nhiệm vụ đút ăn cho trẻ. Lý cúi đầu nhận, đã cho bé Khang ăn hai lần nhưng đều ói nên mới vỗ vào vai bé. Do bé Khang tiếp tục ói nên Lý tức giận, đè đầu Khang. Riêng bé Châu không chịu ăn, liên tục phun thức ăn ra ngoài nên Lý dọa bằng cách bế ngược bé cho cắm đầu vào thùng nước. Lý giải thích: “Bị cáo nóng giận quá nên mới làm thế”. Lời giải thích lập tức bị đám đông la ó phản đối. Có tiếng vọng lên từ hàng ghế dự khán: “Tụi trẻ có làm gì đâu mà khiến cô nóng giận?”.
Dù đang ở chốn đông người, ồn ào, bé Trần Hòa (đứa trẻ bị bảo mẫu Phương tát và dúi đầu liên tục) ngủ ngon lành trên tay mẹ. Đại diện những người bị hại, Chị Phương (mẹ bé Hòa) cho biết: “Con trai tôi vốn khỏe mạnh, nhưng từ ngày gửi ở cơ sở mầm non Phương Anh, cháu liên tục bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp. Có hôm đưa bé đi học, tôi nán lại trò chuyện với cô giáo thì bé kéo tôi đòi đi về, sau này mới vỡ lẽ. Từ ngày không còn bị học ở Phương Anh nữa, bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, tôi lo con mình bị ảnh hưởng tâm lý sau này. Tôi mong muốn tòa xử nghiêm để làm gương”.
Khác với chị Phương, chị Lệ (mẹ bé Khang) không giữ được bình tĩnh: “Cô giáo mà nhận đầu trẻ xuống dưới háng như vậy là mất nhân tính. Con tôi đâu phải là đứa biếng ăn mà phải chịu như vậy? Có lần, tôi đã cảnh báo với cô Phương về việc không được đánh trẻ, nhưng không ngờ con tôi lại bị hành hạ dã man mà chính tôi không hay”.
Trước phản ứng dồn dập của chị Lệ, Phương giãi bày: “Cũng vì nóng giận mới sinh ra nông nỗi như vậy, chứ bản thân bị cáo cũng rất thương học trò, có học sinh ở lớp còn gọi bị cáo là mẹ”.
Nhưng có vẻ, hành động quá khủng khiếp của bảo mẫu Phương đã khiến người khác không còn chút niềm tin về lương tâm của Phương, khiến lời giãi bày lạc lõng giữa không khí căm hận phừng phừng.
Khi người dự khán là “quan tòa”
Không khí tại tòa lắng xuống khi Phương nghẹn ngào: "Bị cáo xin được cúi đầu xin lỗi các anh chị . Bị cáo biết mình đã tự tay đánh mất tương lai của bản thân. Bị cáo xin lỗi gia đình vì bản thân đã gây nhiều xấu hổ, gièm pha của mọi người..”. Khán phòng ồn lên, một phụ nữ trung niên, trên tay bế đứa con nhỏ nói vọng lên: “Nói thì hay lắm, có hiểu biết mà sao làm bậy như vậy?”.
Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án dành cho mỗi bảo mẫu là từ 2-3 năm tù giam. Khi chủ tọa tuyên bố chuyển qua thời gian nghị án, đám đông lại lao xao “phải lãnh án cao nhất”, “hai năm thì thấm gì, ba năm còn ít”. HĐXX tuyên án mỗi bảo mẫu 3 năm tù giam-mức án cao nhất trong khung hình phạt về tội “hành hạ người khác”, đồng thời, các bị cáo phải bồi thường cho bé Khang và bé Hòa, mỗi bé 20 triệu đồng. Đám đông đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay để ủng hộ một bản án nghiêm khắc, trong khi hai bảo mẫu nức nở khóc.
Phiên tòa đã khép lại, dòng người còn nán lại bên hông hội trường để nhìn cận cảnh hai “ác mẫu”. Lực lượng công an đã phải làm “động tác giả”, đưa xe chở phạm nhân tiến vào hướng có đám đông, nhưng âm thầm đưa phạm nhân rời đi theo đường khác.
Công tác tổ chức phiên tòa lưu động lần này chưa thực sự tốt, khi để đám đông gây mất trật tự, có lúc náo loạn. Có thể, không chỉ hình phạt tù giam 3 năm, mà chính thái độ phẫn nộ của công chúng được thể hiện một cách mạnh mẽ, đã khiến hai bị cáo nhận thức được mức độ trầm trọng của vấn đề mà họ phạm phải. Hai bị cáo đã hành hạ dã man trẻ em- mà tình yêu dành cho trẻ em luôn có mọi người, nhìn thấy cảnh những bé thơ dù không phải con mình, ai cũng xót xa phẫn nộ.
Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức vốn dành cho những hoạt động văn nghệ, giải trí hồn nhiên, trong trẻo cho trẻ em, hôm ấy ngập tràn nộ khí. Hàng ngàn người tham dự phiên xử như đã dành cho hai bị cáo một bản án riêng, mạnh mẽ- Bản án lương tâm.
Một số hình ảnh tại phiên xử:
Nhiều trẻ em theo cha mẹ đến phiên xử
Hai bị cáo Thiên Lý và Đông Phương
Bị cáo Thiên Lý thừa nhận bạo hành trẻ
Khán phòng chật kín, nhiều người vẫn tìm đến đứng bên ngoài, chang nắng để theo dõi phiên xử
Bài và ảnh: TRẦN TRIỀU