Vụ “ÐH Luật đình chỉ học tập sinh viên photo giáo trình”: Hãy gây ý thức tốt một cách mềm mại để đi vào lòng người

15/02/2017 - 19:00

PNO - Chiều 14/2, Trường ĐH Luật TP.HCM phát thông cáo báo chí về việc đình chỉ học tập một năm đối với sinh viên (SV) N.T.N.A (năm 2, ngành luật dân sự).

Theo đó, N.T.N.A. đã nhiều lần photo giáo trình của nhà trường, không chỉ để sử dụng cho cá nhân mà còn chuyển giao để người khác tiếp tục sử dụng.

“Nhà trường kiên quyết xử lý để ngăn chặn nhằm cảnh báo, tăng tính hiệu quả giáo dục, giúp SV nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với SV ngành luật - những người trong tương lai có thể trở thành những người bảo vệ, thực thi công lý”, thông cáo báo chí nêu.

Vu “ÐH Luat dinh chi hoc tap sinh vien photo giao trinh”: Hay gay y thuc tot mot cach mem mai de di vao long nguoi
Trường Đại học Luật TP.HCM nên có chiến dịch gây ý thức một cách uyển chuyển đi vào lòng sinh viên thay vì ra án phạt nặng

Xung quanh vụ việc này, tiến sĩ tư vấn tâm lý Trần Thị Giồng - Đại học De LaSalle, Manila, Philippines đã chia sẻ với báo Phụ Nữ:

Theo tôi, cần xem xét vụ nữ sinh bị đình chỉ học một năm vì “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” (do hành vi mang tám tập giáo trình photo vào trường tặng bạn) ở ba khía cạnh pháp lý, tình người và thực tế đang diễn ra trong xã hội chúng ta.

Xét về lý, đúng như quan điểm của Đại học Luật TP.HCM, khi đã có luật, có quy định, có cảnh báo từ trường mà vẫn vi phạm, em SV này đã sai. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh con người và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, nhà trường nên cân nhắc lại bởi hình thức kỷ luật quá nặng. Nó chắc chắn gây nên một vết thương lớn trong đời em, ảnh hưởng đến học lực, phương diện tài chính và cả tương lai của cô bé.

Tôi muốn nói, còn phải xét hành vi của em SV trong hoàn cảnh nào? Có hai vấn đề, hoàn cảnh bản thân người đó và hoàn cảnh xã hội. Về bản thân em, cái tình ở đây phải thấy là em vẫn còn đang trong thời gian giáo dục. Vậy phải làm sao tìm cơ hội để giáo dục con người đó, để con người đó còn có cơ hội được giáo dục, tránh gây những hệ quả nặng nề hơn từ án phạt.

Thứ hai, về hoàn cảnh xã hội. Xin nói thẳng, em đang sống trong một xã hội không ai không photo tài liệu, sách vở, không những SV mà kể cả thầy cô giáo. Có người photo để dùng ở nhà không mang đến trường, có người bán, còn em SV này mang đến trường để tặng…

Trong hoàn cảnh xã hội ấy, chúng ta có thể tự đặt những câu hỏi: Ai có thể lọt qua khỏi án phạt này? Luật này ai áp dụng, áp dụng đến đâu?… Thực tế, đại đa số chúng ta, hiện chưa có thói quen xem “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” là nghiêm trọng. Do đó, nên tìm giải pháp tốt hơn là cần có thời gian để huấn luyện cho toàn xã hội, để từng con người ý thức tại tâm trong mọi hành vi của mình.

Đến đây, tôi đoán rằng bằng án phạt nặng SV trên, nhà trường cũng đang muốn gây ý thức. Thế nhưng, nếu đã quyết tâm gây ý thức như vậy, Đại học Luật TP.HCM nên mạnh dạn làm đến nơi đến chốn. Thay vì ra án phạt nặng, nhà trường nên có chiến dịch gây ý thức một cách mềm mại, uyển chuyển, dễ chấp nhận, đi vào lòng các em SV hơn bằng những công tác, phương tiện khác.

Hiệu quả gây ý thức để SV thực thi tại tâm. Con người cần được huấn luyện, đào tạo và xác tín hành vi mình làm chứ không phải chỉ để đối phó. Từ đó, làm sao giúp cho toàn xã hội đồng loạt thượng tôn pháp luật hơn.

Tôi xin kể một kỷ niệm cá nhân, cách đây 25 năm, tôi đi thực tập tại Trung tâm Tư vấn và trị liệu tâm lý thuộc Đại học Minnesota (Saint Paul, Hoa Kỳ). Chúng ta biết quy định về sở hữu trí tuệ rất nghiêm ngặt tại Mỹ, nhất là đối với SV, học sinh.

Khi đó, Việt Nam thì đang rất cần các tài liệu về tâm lý trị liệu, tư vấn tâm lý… Hiểu “vấn đề” của tôi, thế là chính ông giám đốc trung tâm đã nói lời thông cảm với tôi: “Cô được phép photocopy giáo trình, tài liệu tại đây”. Bởi ông ta biết tôi không thể nào đủ tiền mua tất cả các loại sách gốc.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ÐH Khoa học tự nhiên (ÐH Quốc gia TP.HCM): 

Nên thực hiện từng bước với lộ trình cụ thể

Lâu nay nhiều SV vẫn thường sử dụng tài liệu photo. Tuy nhiên, về lâu dài thì phải thay đổi thói quen này.

Ở một số nước, SV trường ĐH cũng có thể được phép sử dụng tài liệu phô-tô, nhưng họ có quy định hạn mức rất cụ thể. Chẳng hạn, với một quyển sách, họ quy định hẳn có thể được photo khoảng 10-20 trang. Bên cạnh đó, họ cũng có nguồn học liệu phong phú từ thư viện để SV có thể tra cứu được tài liệu gốc nếu như không có điều kiện.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng thường xuyên tập huấn về quyền sở hữu trí tuệ và không khuyến khích SV phô-tô, sử dụng tài liệu của người khác. Trường tổ chức xuất bản tài liệu của giảng viên do khoa, trường biên soạn, nhưng kèm theo đó là hình thức trợ giá để mức giá sách gốc bằng hoặc có thể thấp hơn cả tài liệu photo để khuyến khích SV dùng sách gốc và cũng tạo điều kiện cho SV khó khăn có thể tiếp cận được giáo trình gốc.

Riêng với những tài liệu nước ngoài, thư viện trường cho phô-tô theo định mức, không cho phô-tô tất cả để SV không vi phạm, hạn chế dần thói quen không tôn trọng tài sản, trí tuệ của người khác.

Không thể cấm ngay, nhà trường từng bước đưa ra những biện pháp với lộ trình kiểm soát như thế để SV không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà vẫn đảm bảo tất cả SV đều có cơ hội được tiếp cận giáo trình rồi dần dà xây dựng thói quen tốt.

 Tiêu Hà (ghi)

Tiến sĩ Trần Ðình Lý, Trưởng phòng Ðào tạo Trường ÐH Nông Lâm TP.HCM:

Không ủng hộ vi phạm bản quyền, nhưng đó là một thực tế

Thực hiện “sở hữu trí tuệ” ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề gian nan. Thực tế thì việc SV sử dụng tài liệu (sách, giáo trình) photo rất phổ biến. Nếu nhìn ở khía cạnh luật pháp thì không cần phải bàn cãi, nhưng ở khía cạnh nhân văn, thói quen và điều kiện hoàn cảnh thì lại khác.

Ở nhiều trường, SV vẫn vô tư photo sách và giáo trình của thầy cô để sử dụng mà thầy cô không cảm thấy khó chịu. Vả lại, có những quyển sách, kể cả sách mà thầy cô là tác giả, được in với số lượng rất khiêm tốn, vì thế có tiền mua cũng không dễ, trong khi cầm nó đi photo thì lại rất dễ.

Vì sự tiện lợi này nên thực tế là cả thầy cô giáo cũng sử dụng tài liệu phô-tô. Chúng ta không ủng hộ vi phạm bản quyền nhưng đó là một thực tế. Muốn chấm dứt tình trạng này cần có giải pháp đồng bộ từ phía nhà trường, các em SV, các thầy cô giáo và cả những người hành nghề photocopy.

 Minh Nhật (ghi)

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Ðoàn Luật sư TP.HCM:

“Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”

Theo quan điểm của tôi, nếu SV đó photo tài liệu để bán kiếm lời thì cần áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ  xử lý. Việc “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” (quy định tại điểm a khoản 1 điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005), không phải là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2016, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế công tác SV, kèm theo Thông tư số 10/2016, trong đó quy định 10 hành vi SV không được làm, kèm theo đó là các hình thức kỷ luật tương ứng. Theo đó, SV vi phạm lần đầu bị khiển trách, lần hai bị khiển trách, lần ba bị đình chỉ học có thời hạn, lần bốn bị buộc thôi học.

Trong thông tư này hoàn toàn không quy định hành vi “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập”. Phần cuối bảng liệt kê chỉ nêu “các vi phạm khác”. Vì vậy, có thể xem hành vi “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập” mà nội quy trường học của ĐH Luật TP.HCM quy định thuộc “các vi phạm khác”.

Như vậy, khi em SV đó sao chép tám bản, nhưng mỗi bản lại từ một tác phẩm khác nhau nên vẫn chưa vi phạm pháp luật. Có điều lại vi phạm nội quy, do vậy nên chịu chế tài của nhà trường.

Tuy nhiên, việc nhà trường gửi thông báo đình chỉ về cho gia đình em SV này vào dịp tết, dịp đoàn tụ gia đình, dịp mà tất cả các tòa án đều hạn chế xét xử các vụ việc liên quan đến giềng mối gia đình… là một hành vi thiếu cân nhắc. 

Đứng trên bục giảng, không ít giảng viên ĐH Luật vẫn thường nói với SV câu “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Ở đây, theo tôi chỉ cần soi lại vấn đề, câu chuyện sẽ không trở nên gay gắt, thái quá như vậy nữa. Rất mong nhà trường xem xét lại sự việc, giúp cho SV đó một hướng mở hợp tình, hợp lý.

Nghi Anh (ghi)

 Nam Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI