Mới đây, gần 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường có mặt tại buổi đối thoại với hiệu trưởng, đã giơ tay biểu quyết mời công an vào cuộc vì họ không còn tin vào cách giải quyết của cấp lãnh đạo.
Không có gì, rồi chênh lệch 3,6 tỷ đồng?
Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh, vào ngày 30/12/2017, Hội nghị cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) năm học 2017-2018 của Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) đã thất bại vì quá nhiều mắc mứu của giáo viên (GV) về thu - chi tài chính đã không được ban giám hiệu nhà trường làm sáng tỏ.
|
Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải |
Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh, ngày 9/1/2018, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã về trường tìm hiểu sự việc và hứa sẽ giải quyết mọi chuyện trong vòng 10 ngày. Đúng một tháng sau, công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM kết luận: cái sai của trường chỉ là công khai không đúng biểu mẫu. Nghĩa là không có chuyện tư túi, khuất tất như GV nghi ngờ. Những nội dung như các khoản chi khống, chi trùng lắp, kê giá; các khoản chênh lệch trong báo cáo thu - chi… khiến tập thể GV bức xúc thì sở không trả lời.
Không đồng ý với kết luận của sở, ngay trong buổi họp, tập thể GV đã yêu cầu nhà trường thực hiện kiểm tra tài chính nội bộ. Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ trong 3 quý đầu năm 2017, số tiền chênh lệch giữa thu với chi, giữa báo cáo với hóa đơn chứng từ, chi trùng lắp, chi hai lần… đã lên đến khoảng 3,6 tỷ đồng.
Lấy ví dụ, khoản tiền lương buổi 2 và thù lao cho GV chủ nhiệm năm học 2016-2017: thực tế chi 1.981.092.000 đồng, trong khi chi theo báo cáo của kế toán là 2.408.923.350 đồng, chênh lệch 427.831.350 đồng. Ngoài ra, kiểm tra còn phát hiện có 2 phiếu thu tiền học buổi 2 tháng 4 và tháng 5 với số tiền lên đến 1.323.007.000 đồng và hai phiếu chi tổng cộng 33.170.385 đồng nhưng không được công khai.
Tương tự, các khoản đóng bảo hiểm 3 quý cũng chênh lệch gần 630 triệu đồng; tiền lương 3 quý cũng chênh nhau hơn 352 triệu đồng. 40% học phí và 40% dịch vụ phí với tổng cộng gần 1,2 tỷ đồng theo quy định phải nộp kho bạc, nhưng trường không nộp.
Khoản thu - chi quỹ học phẩm, tổng chi theo báo cáo là gần 145 triệu đồng nhưng trong chứng từ thể hiện là 60 triệu đồng, nghĩa là có đến gần 85 triệu đồng đã chi nhưng không có chứng từ. Tiền nước uống năm học 2016-2017, khoản chi báo cáo với khoản chi theo hóa đơn cũng chênh nhau 72,5 triệu đồng. Khoản chi cho lễ 2/9 và 30/4-1/5 với tổng số tiền lên đến 108 triệu đồng trong hồ sơ ghi chuyển khoản, nhưng thực tế GV lại nhận tiền mặt. GV nghi ngờ trường đã xuất chi hai lần cho nội dung này.
Tổ kiểm tra ghi nhận: hầu hết chứng từ của tất cả 10 loại quỹ đều không bình thường, như bị sửa số chứng từ, ngày tháng; phiếu chi không có chữ ký thủ quỹ và người nhận. Ở nguồn quỹ công lập có 7 chứng từ ghi ngày 31/9/2017, nhưng tháng 9 chỉ có 30 ngày; có ba chứng từ chi ngày 30/6/2017 đề tên thủ quỹ là cô Nguyễn Hồ Ngọc Huyền, nhưng tháng 8 cô Huyền mới về trường.
Câu giờ để… thoát?
Tổ kiểm tra tài chính nội bộ của trường được thành lập vào đầu tháng 3/2018 và thời gian làm việc được ấn định trong 10 ngày. Tuy nhiên, kế toán của trường thường xuyên không có mặt, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, sau đó tuyên bố đã hết thời hạn làm việc nên không cung cấp nữa. Vì thế, việc kiểm tra phải gia hạn thêm 10 ngày, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn từ kế toán. Sau đó, kế toán công bố đã cung cấp hết chứng từ.
Cũng cần phải nói thêm, kể từ ngày 30/12/2017, sau Hội nghị CBCCVC nhà trường thất bại, kế toán Nguyễn Thị Thanh Thúy rất ít khi có mặt ở trường. Trong buổi họp hội đồng sư phạm nhà trường cuối năm, GV đặt vấn đề: trong tháng 1/2018 kế toán chỉ đến trường 3 ngày rưỡi. Vậy, những ngày còn lại nghỉ có phép không? Tổ trưởng tổ văn phòng Phan Văn Khôi đã trả lời là không nhận được đơn xin phép nào. Cũng theo tập thể GV trường THPT Trần Quang Khải, cho đến nay kế toán vẫn ít khi có mặt tại trường.
Sau khi kiểm tra có kết quả, ngày 31/3 hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải đã có cuộc đối thoại với tập thể CBCCVC của trường. Tại buổi gặp gỡ này, GV đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn, nhưng Hiệu trưởng Lương Ngọc Duy cho rằng, đây chỉ là kết quả một chiều và ông sẽ yêu cầu kế toán cung cấp thêm chứng từ.
Điều lạ là trước khi cuộc đối thoại diễn ra, hiệu trưởng xác nhận có thông báo đến kế toán, nhưng cô này vẫn không có mặt. GV yêu cầu hiệu trưởng gọi điện thoại triệu tập kế toán vào nhưng không được đáp ứng. Một GV nói thẳng rằng, tập thể nghi ngờ hiệu trưởng và kế toán đã sắp đặt nên cứ người này có mặt thì người kia vắng, cố tình kéo dài cho đến hết năm học để… “cứt trâu hóa bùn”.
Về hướng giải quyết, Hiệu trưởng Lương Ngọc Duy cho biết, ông sẽ báo cáo sự việc lên Sở GD-ĐT. Nhưng GV nói thẳng với ông là họ hết tin ông và lãnh đạo sở. Họ muốn đưa vụ việc sang cơ quan công an. Gần 100% cán bộ, GV, công nhân viên của trường có mặt tại buổi đối thoại đã giơ tay biểu quyết mời công an vào cuộc.
Minh Nhật