Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia - Công bố danh tính: Bài học đạo đức cần thiết

17/04/2019 - 07:06

PNO - Việc công bố danh sách sẽ là một bài học đạo đức, làm các em thấy xấu hổ với hành vi sai trái của mình. Đây là sự xấu hổ cần thiết để nhìn lại bản thân.

Liên quan vụ gian lận, sửa điểm thi THPT quốc gia vừa qua, bên cạnh việc cho rằng cần công bố danh tính của phụ huynh - thí sinh có tham gia, tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, hiện là Sáng lập viên dự án TEACH - cùng giáo viên thay đổi, cho rằng các trường cần công bố danh sách 28 thí sinh kế tiếp trúng tuyển, cho phép các em có quyền nhập học như lẽ ra phải thế.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nêu: quan điểm của tôi là cần công bố danh sách các phụ huynh và thí sinh tham gia trong việc mua điểm - nâng điểm. Bởi đây là vụ việc nghiêm trọng, sự vi phạm quá trắng trợn khi số điểm được nâng lên quá cao, số lượng thí sinh được nâng điểm nhiều và diễn ra ở nhiều trường, nhiều tỉnh. 

Vu gian lan diem thi THPT quoc gia - Cong bo danh tinh: Bai hoc dao duc can thiet
Thí sinh tỉnh Hòa Bình có hai điểm 0 vẫn là thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân 1 vì được nâng 26,5 điểm

Đối với học sinh có liên quan, tôi cho rằng các em đã đủ và trên 18 tuổi, cần phải chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Trong vụ việc này, không thể nói bản thân vô can, cha mẹ làm gì không biết, vì mình học giỏi hay dở, có thể nhận mức điểm nào, bản thân các em là người biết rõ nhất. Khi thấy kết quả quá khác biệt so với trình độ của mình, các em vẫn không hề thắc mắc. Khi nhận kết quả trúng tuyển vào trường mà biết rõ mình không xứng đáng, các em cũng không hề phản đối, từ chối. Nếu các em không nhận rõ bài học hôm nay, mà tiếp tục dùng thái độ này đối với các sự việc trong tương lai, thì không chỉ làm hại xã hội mà còn hại bản thân các em.

Việc công bố danh sách sẽ là một bài học đạo đức, làm các em thấy xấu hổ với hành vi sai trái của mình. Đây là sự xấu hổ cần thiết để nhìn lại bản thân. Sự xấu hổ này tạo nên bước ngoặt để làm lại cuộc đời tử tế. 18 tuổi, các em đã có đủ sức mạnh để khẳng định sự lương thiện, tách mình ra khỏi sự bảo bọc của cha mẹ để làm lại, chọn cái đúng để có thể ngẩng cao đầu, đứng thẳng trong cả cuộc đời còn lại. Nhân văn - nhân bản không phải là bao biện, che giấu sai lầm, bao che tội lỗi. Nhân bản hay không là xã hội có chỉ ra cho các em hiểu sai lầm của các em ở đâu và chỉ đường đúng cho các em đi, vì cha mẹ đã không hoàn thành trách nhiệm đó. 

Với những sinh viên đã bị 28 em gian lận điểm thi kia chiếm chỗ, tôi cho rằng nhà nước cần sửa sai bằng cách trao lại cơ hội cho các em. Hiện giờ, các trường của Bộ Công an đã sửa sai được một nửa, đó là trả về địa phương các sinh viên không xứng đáng. Nhà trường cần làm triệt để hơn, đó là công bố danh sách 28 em kế tiếp trúng tuyển, cho phép các em có quyền nhập học như lẽ ra phải thế, nếu các em còn muốn học tại trường. Tương tự, các trường khác có liên quan đến thí sinh gian lận điểm thi cũng nên xử lý như thế thì mới gọi là giải quyết vấn đề tới nơi tới chốn.

Gần đây, dư luận cũng rất quan tâm đến việc xử lý đường dây chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Một sự trùng hợp (về tình huống và thời gian), tôi cho là khá may mắn, để Việt Nam có thể học tập cách xử lý của các bên liên quan trong tình huống ở Mỹ. Các nhà chức trách và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam nên coi đây là một điển hình cần noi theo về việc tuân thủ các nguyên tắc pháp lý và các giá trị phổ quát như sự minh bạch, công bằng... để xử lý trường hợp tại Việt Nam. Làm được như vậy, mới là giữ danh giá của nhà trường, uy tín của nhà nước. Tôi thấy không có lý do gì biện minh cho sự không làm theo. Tại sao người ta làm được mà Việt Nam không làm được? Chuyện này cũng không liên quan gì đến hoàn cảnh nghèo khó hay trình độ khoa học công nghệ, tại sao cứ đặt mình là trường hợp ngoại lệ? 

Linh Đan (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI