Trong khi đó, những người dân nghèo được bồi thường 2 tấn bạch tuộc đã quyết định trích một khoản tiền để xây nhà tình thương.
Đại tá Phạm Văn Loan - phó giám đốc phụ trách Công an tỉnh Hải Dương - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12/6 về số tiền 650 triệu đồng đền bù cho những người săn bạch tuộc ở huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Người dân nghèo ở huyện Cần Giờ lặn lội kiếm sống hằng ngày bằng nghề săn bắt bạch tuộc. Ảnh: THUẬN THẮNG
Ông Loan cho biết trước mắt công an tỉnh sẽ tạm ứng số tiền này. Sau khi làm rõ trách nhiệm của các cán bộ công an môi trường sẽ quy trách nhiệm cụ thể từng cá nhân và những người làm sai phải bỏ tiền túi hoàn trả số tiền này.
Không có chuyện dùng ngân sách
Ông Loan khẳng định: “Chắc chắn sẽ không có chuyện chúng tôi bỏ ngân sách ra để đền bù. Trong các nghị định, thông tư về việc đền bù thì trường hợp này sẽ không trích ngân sách. Cán bộ công an ăn lương của Nhà nước, làm sai thì phải chịu, gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù. Sau khi làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân thì cán bộ nào làm sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đấy, ai làm sai phải tự bỏ tiền túi đền bù cho người dân”.
Cũng theo ông Loan, hiện Đảng ủy Công an tỉnh Hải Dương đang tiến hành họp để có phương án xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo, cán bộ công an Phòng cảnh sát môi trường thiếu trách nhiệm trong vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc và để lô hàng này bị hư hại đêm 27/5. “Trước hết thì trưởng phòng, phó phòng cảnh sát môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý và xử lý hậu quả vụ việc. Tiếp đó cán bộ công an trực tiếp bắt giữ lô hàng này cũng phải chịu hình thức xử lý kỷ luật. Sau khi làm rõ trách nhiệm thì ai sai đến đâu sẽ chịu hình thức xử lý đến đấy” - ông Loan nói.
Bà Nguyễn Thị Phỉ, người hỗ trợ về tài chính và pháp lý cho ngư dân Cần Giờ trong vụ kiện đòi bồi thường 2 tấn bạch tuộc. Ảnh: T.THẮNG
Giải thích về việc trước đó Công an tỉnh Hải Dương luôn khẳng định việc giữ lô hàng, kiểm tra giấy kiểm dịch là đúng theo quy định của pháp luật, ông Loan nói: “Các văn bản về pháp luật kinh tế rất phức tạp. Sau khi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình, chúng tôi nhận thấy tổ công tác của Phòng cảnh sát môi trường hôm đó vận dụng chưa đúng, đầy đủ các văn bản, thông tư, nghị định liên quan. Đây lại là mặt hàng tươi sống, tổ công tác xử lý chưa linh hoạt nên để xảy ra hậu quả. Vì vậy chúng tôi có các phương án khắc phục kịp thời, đền bù thiệt hại, đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Cùng ngày, đại tá Cao Ngọc Lan, phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, cho biết sau khi làm việc với các chủ hàng ngày 11/6, ông đã xin ý kiến ban giám đốc công an tỉnh để có phương án đền bù 650 triệu đồng ngay cho các chủ hàng. Theo ông Lan, số tiền này công an đã mượn của một người quen quê ở Hải Dương đang làm việc, sinh sống tại TP.HCM. Ông Lan còn nói Công an Hải Dương rất hiểu nỗi khó khăn của ngư dân Cần Giờ. Do đó, động thái trước tiên là phải có tiền chi trả ngay cho bà con.
Ông Lan cũng thống nhất với quan điểm của đại tá Phạm Văn Loan về việc cán bộ nào làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. “Ngay thời điểm này chưa thể quy trách nhiệm bồi thường cụ thể cho cá nhân hay tập thể nào, mọi việc cần phải suy xét kỹ lưỡng. Không thể trong lúc đang xử lý cái sai này mà lại vội vàng đưa ra quyết định có thể dẫn tới cái sai khác” - ông Cao Ngọc Lan nói.
Nghĩa cử đẹp của những người dân nghèo
Sau khi được Công an Hải Dương bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho lô hàng bạch tuộc bị bắt giữ sai luật trước đó, đa số ngư dân săn bạch tuộc tại huyện Cần Giờ đã góp tiền được bồi thường xây nhà tình thương.
Đại diện các ngư dân được bồi thường, anh Nguyễn Văn Nam (xã Tam Thôn Hiệp) nói dự định trích một phần trong số tiền được bồi thường để xây một căn nhà tình thương đã được bà con bàn tính trước khi đi kiện. Ngay sau khi nhận được 650 triệu đồng bồi thường vào tối 11/6, đa số ngư dân đến nhận tiền đều ủng hộ ý tưởng này, dự kiến căn nhà tình thương được xây dựng sẽ có giá trị khoảng 70 triệu đồng.
Các ngư dân cho biết không quy định tỉ lệ trích lại tiền bồi thường để xây nhà tình thương mà tùy theo tấm lòng và khả năng của mỗi người. Bà Nguyễn Thị Phỉ - người đại diện theo ủy quyền của các ngư dân trong vụ đòi bồi thường lô hàng bạch tuộc - cho biết: “Thật ra số tiền bồi thường nhận được, bà con đã bị lỗ so với giá thị trường và chi phí đi kiện. Số tiền trích lại có thể không đủ xây nhà tình thương nhưng vận động thêm một vài thương lái mua bạch tuộc ở miền Bắc cùng đóng góp thì cũng có thể đủ để xây một căn nhà tình thương như mong muốn”.
Mời ngư dân tham dự hội thảo trợ giúp pháp lý
Chiều 12/6, thông qua báo Tuổi Trẻ, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN đã gửi thư mời ngư dân Đặng Văn Hùng (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) tham dự hội thảo “Truyền thông và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân”, diễn ra tại Hà Nội ngày 17/6. Đây là hội thảo nằm trong dự án “Đưa cải cách tư pháp đến với cộng đồng” của RED. Anh Hùng là một trong 17 người đứng tên trên lô hàng bạch tuộc bị cảnh sát môi trường Hải Dương bắt giữ trái luật ngày 27/5. Cùng được mời tham dự hội thảo còn có bà Nguyễn Thị Phỉ. Bà Nguyễn Thị Phỉ và ngư dân Đặng Văn Hùng đều rất vui khi được mời tham dự hội thảo này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc mời ngư dân Cần Giờ tham dự hội thảo, ông Trần Nhật Minh - giám đốc RED - nói: “Chúng tôi đọc được thông tin Công an Hải Dương bồi thường 650 triệu đồng cho những ngư dân Cần Giờ trên báo Tuổi Trẻ và đánh giá rất tích cực về thông tin này. Từ một sự việc không vui nay đã được xử lý hợp lý, mang lại niềm vui cho nhiều người”. Ông Minh cho rằng điều này có được là nhờ sự quyết liệt của ngư dân Cần Giờ, sự giúp đỡ không vụ lợi của bà Nguyễn Thị Phỉ, thiện chí và thái độ minh bạch của Công an Hải Dương, cùng sự lên tiếng kịp thời chính xác của báo chí. RED muốn mời một ngư dân Cần Giờ cùng bà Nguyễn Thị Phỉ đến hội thảo để nói về suy nghĩ, kinh nghiệm của họ trong vụ việc này.
Cá nhân phải hoàn trả theo mức độ thiệt hại Trong vụ đền bù 2 tấn bạch tuộc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an Hải Dương - nơi trực tiếp quản lý một số người ở Phòng cảnh sát môi trường tham gia bắt giữ lô hàng bạch tuộc. Theo quy định tại điều 8 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có nhiệm vụ “thực hiện việc chi trả cho người bị thiệt hại và quyết toán kinh phí bồi thường” (khoản 4). Cơ quan này cũng có quyền “yêu cầu người thi hành công vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại” (khoản 5). Như vậy, số tiền bồi thường 650 triệu đồng là của Nhà nước, được công an tỉnh xuất ra để chi trả ngay cho những người bị thiệt hại nhằm đảm bảo nguyên tắc kịp thời. Sau đó, Công an Hải Dương phải xem xét, truy cứu trách nhiệm của một số người ở Phòng cảnh sát môi trường tỉnh đã có hành vi trái pháp luật. Dựa trên kết quả xem xét, công an tỉnh sẽ yêu cầu các cá nhân vi phạm phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước khoản tiền mà công an tỉnh đã bồi thường cho các ngư dân. Theo điều 57 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm: mức độ lỗi của người thi hành công vụ, mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ. Nếu có nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả. Điều 62 luật này cũng quy định: việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần. Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hằng tháng của người thi hành công vụ thì mức tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương. Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG |
Theo VIỄN SỰ - THÂN HOÀNG (Tuổi Trẻ)