Vụ ghi tên trong ‘sổ đỏ’: Nói không phát sinh thủ tục hành chính là chưa thuyết phục

27/11/2017 - 20:52

PNO - Ngày 27/11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thái Phương Hoa cho rằng đã thiếu sót trong diễn đạt Thông tư 33/2017 khiến dư luận hiểu chưa đúng ý.

Theo bà Hoa, cách diễn đạt trong Thông tư 33/ 2017 (quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất) cán bộ làm việc trong ngành sẽ hiểu nhưng người dân bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý.  

Trong các luật bao giờ cũng liên quan đến giải thích từ ngữ. Chúng tôi nghĩ khi đã quy định như thế đương nhiên là hiểu rồi vì mình làm chuyên môn. Nhưng ra đến bên ngoài thì phải làm sao ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ai cũng hiểu mới là quan trọng. Chúng tôi xin tiếp thu trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thông pháp luật về tài nguyên môi trường. 

“Các nội dung liên quan đến “sổ đỏ” luôn luôn được dư luận quan tâm, nhất là những nội dung liên quan đến hộ gia đình. Đó là những thiếu sót của bộ khi ban hành Thông tư 33/2017, bộ xin rút kinh nghiệm về việc này” – bà Hoa nói.

Vu ghi ten trong ‘so do’: Noi khong phat sinh thu tuc hanh chinh la chua thuyet phuc
Bà Nguyễn Thái Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ TNMT xin rút kinh nghiệm trong diễn đạt câu chữ

Ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai (thuộc Tổng Cục đất đai) giải thích thêm, việc ban hành Thông tư 33/2017 phù hợp với Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai và khắc phục những bất cập, tồn tại, khó khăn trong thực tiễn.

Bởi tài sản tạo lập của vợ hoặc chồng, các thành viên khác trong gia đình không tham gia đóng góp thì sẽ không ghi trên bìa “sổ đỏ”. Sẽ giúp chặt chẽ về mặt pháp lý. Cụ thể: chủ thể có quyền sử dụng đất, không tạo ra các khó khăn hay rào cản. Giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Vu ghi ten trong ‘so do’: Noi khong phat sinh thu tuc hanh chinh la chua thuyet phuc
Tại cuộc họp, Bộ TNMT khẳng định Thông tư 33 sẽ không làm phát sinh thủ tục hành chính

Bên cạnh đó, ông Phấn cho rằng, việc này sẽ không làm phát sinh thủ tục hành chính. Nhưng làm thế nào để không phát sinh thủ tục hành chính thì Bộ TNMT không cho biết. 

Ngoài ra, theo ông Phấn, việc ghi tên hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây gây ra các bất cập khi thực hiện quyền sử dụng đất của các thành viên trong gia đình như: không xác lập cụ thể được thành viên trong gia đình; phát sinh mâu thuẫn về tranh chấp quyền của từng thành viên; khó xác định chính xác đối tượng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất…

Hướng dẫn không cụ thể, mỗi nơi có thể thực thi một kiểu 

Dù Bộ TNMT khẳng định không phát sinh thủ tục hành chính, nhưng trong bài viết gửi phóng viên Báo Phụ nữ, GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT vẫn khẳng định, không có chuyện không phát sinh thêm thủ tục. 

Trước hết, đây là một hướng dẫn bổ sung đối với việc ghi trên Giấy chứng nhận hoàn toàn phù hợp với pháp luật về dân sự. Sự thật, ghi như trước đây “hộ gia đình” là một khái niệm chung chung, không chi tiết, làm cho khó xử lý nhiều khiếu kiện trên thực tế. 

Vu ghi ten trong ‘so do’: Noi khong phat sinh thu tuc hanh chinh la chua thuyet phuc
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT khẳng định, khi áp dụng vào thực tế sẽ rất phức tạp

Trên thực tế triển khai, sẽ xuất hiện những bất cập nhất định mà cần những quy định chi tiết hơn. Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cứ ai là thành viên trong hộ mà có tên trong quyết định giao đất thì phải ghi lên Giấy chứng nhận cho đủ. Trường hợp này dễ giải quyết.

Tuy nhiên, đối với trường hợp nhận chuyển quyền bất động sản trên thị trường, khi đó căn cứ nào để xác định ai trong hộ có quyền đối với bất động sản đó là vấn đề phức tạp cần được đặt ra. Chỉ người ký hợp đồng mua bất động sản và vợ hoặc chồng người đó xác nhận là đủ hay phải có xác nhận của tất cả thành viên trong gia đình. 

Theo pháp luật dân sự thì phải cần bản xác nhận có chữ ký của tất cả các thành viên của hộ gia đình. Hơn nữa, càng phức tạp đối với các gia đình trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, hay những ai vài lần ngồi xe hoa mà có “con anh, con tôi, con chúng ta”. Người dân e ngại chính là ở chỗ này, nhiều khi tới mức bất khả thi trên thực tế. Nếu không hướng dẫn cụ thể, các địa phương sẽ có thể thực thi khác nhau, thậm chí làm khó cho dân.

Phan Trí - Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI