Vụ đứa bé không được ăn liên hoan: Soi vào đôi mắt trẻ, người lớn sai cả rồi!

27/05/2024 - 19:20

PNO - Soi vào những đôi mắt trẻ thơ ấy, những người lớn có thấy xấu hổ không? Tranh cãi để làm gì khi những đứa trẻ không hạnh phúc?

Lớp có 32 học sinh nhưng chỉ có 31 phần ăn liên hoan - chuyện gì khó tin vậy? (Nguồn ảnh: Phụ huynh của lớp đưa lên mạng)
Lớp có 32 học sinh, nhưng chỉ có 31 học sinh được đặt phần ăn liên hoan - chuyện gì khó tin vậy? (Nguồn ảnh: Phụ huynh của lớp đưa lên mạng)

Đọc thông tin về em bé lớp Một không được đặt phần gà rán trong buổi liên hoan - tôi rất phẫn nộ với hành xử của những người lớn.

Bà mẹ vì kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình có nhìn vào đôi mắt con, có thấy nỗi buồn của con không?

31 vị phụ huynh học sinh còn lại, khi nhận thông tin việc đặt 31 phần gà rán, liệu có thấy lấn cấn trong lòng?

Chẳng lẽ không ai đứng ra chi thêm một phần cho đứa trẻ. Lẽ nào chỉ vì sợ mẹ bé chê trách như đã từng chê bánh Trung thu mà không trao đổi thẳng: “Lớp tổ chức liên hoan, chúng tôi đặt 32 phần gà rán, mong chị cho bé tham gia để con vui cùng các bạn”. Khi ấy, người mẹ sẽ có quyền tự quyết cho con ăn hay không, để con ngồi cùng bạn hay đón về sớm, hoặc có giải pháp nào đó khiến con ít tổn thương nhất.

Hôm nay, tôi đã rất mừng khi nghe thông tin từ nhà trường: Cháu bé vẫn được chia bánh kẹo, bánh gato và 2 bạn ngồi bên chia sẻ gà rán cho bé cùng ăn. Soi vào những đôi mắt trẻ thơ ấy, những người lớn đứng đó có thấy xấu hổ không? Trong những cuộc tranh cãi, bên nào cũng có lý lẽ của mình, nhưng tranh cãi để làm gì khi những đứa trẻ không hạnh phúc

Học sinh Trường tiểu học Gia Lương (Hải Dương) tham gia một hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức - Ảnh: Nhà trường cung cấp
Học sinh Trường tiểu học Gia Lương (Hải Dương) tham gia một hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức

Tôi còn nhớ trong phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, cô bé nhân vật chính tên Laura dẫn một bạn gái đến nhà. Cô bé đó bị tật một chân nên không thể tham gia trò chơi đuổi bắt. Bố của Laura - ông Charles Ingalls - đã lấy gỗ làm cho bé một chiếc giày đặc biệt để 2 chân của bé có thể đứng thăng bằng và chạy nhảy.

Ông bố của cô bé kia khi biết chuyện đã đến nhà Laura và 2 người đàn ông xảy ra ẩu đả. Ông bố ấy không muốn ai nhúng mũi vào chuyện gia đình ông, không muốn ai động chạm đến đôi chân con gái ông. Nhưng khi thấy con gái hồn nhiên chạy nhảy, ông ấy buông nắm đấm trong tay, 2 ông bố ôm nhau rơi nước mắt.

Khi nào chúng ta - những ông bố bà mẹ - dám làm như bố Charles Ingalls, chỉ cần chắc chắn điều mình làm đem đến niềm vui, hạnh phúc cho con trẻ, thì sẵn sàng thực hiện, không ngán va chạm, không ngại đấu tranh. Chừng nào thấy học sinh đánh nhau, dù không phải con mình mà dám đậu xe lại lao vào can tụi nhỏ. Chừng nào không thể làm ngơ trước những điều mình có thể làm được cho bất cứ đứa trẻ nào, thì khi đó những cuộc tranh luận trên mạng mới không vô bổ.

Chuyện đứa trẻ không được đặt phần gà rán và câu chuyện cần hay không cần quỹ lớp hôm nay nói gì với mỗi chúng ta? Bọn trẻ nhận được những gì từ những thông tin chia phe tranh cãi trên mạng, chúng sẽ hồi đáp vào tương lai như thế nào?

Tôi nhớ truyện ngắn Sống dễ lắm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông viết: "Sống dễ lắm, mình cứ hình dung mình là đứa bé, đứa bé cần gì thì dạy nấy... đừng dạy thứ nó không cần", "Mình cứ sống thôi dễ lắm, cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống".

Soi vào những đôi mắt trẻ, người lớn chúng ta đều sai cả rồi!

Nguyên Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI