Vụ dân tố bị lừa hàng trăm tỷ đồng: Dân hoang mang vì không được bảo vệ

11/10/2016 - 06:30

PNO - Tổng số nợ mà các hộ dân tố cáo bị công ty Thúy Sơn quỵt đến nay đã lên hơn 170 tỷ đồng và số nạn nhân tố cáo.

Sau khi báo phụ nữ TP.HCM ra ngày 3/10 đăng bài viết về vụ ông Trương Sơn, giám đốc công ty TNHH thương mại Thúy Sơn (P.11, Q.Tân bình, TP.HCM) cùng vợ là Hồ Phạm Thúy chiếm đoạt hơn 145 tỷ đồng rồi “cao chạy xa bay” gây chấn động làng dệt Bảy Hiền, nhiều người đã tiếp tục tố giác hành vi lừa đảo của cặp vợ chồng này. Tổng số nợ mà các hộ dân tố cáo bị công ty Thúy Sơn quỵt đến nay đã lên hơn 170 tỷ đồng và số nạn nhân tố cáo, cũng như số tiền bị chiếm đoạt cũng ngày một “dày” thêm.

Những nạn nhân bị đẩy vào đường cùng

Tiếp chúng tôi tại căn nhà thuê vừa để ở, vừa để kê nồi phở bán kiếm sống tại hẻm 61 đường số 1, P.10, Q.Tân Bình, bà Đỗ Thị Tài (52 tuổi) ngồi thừ người khi nghe nhắc đến chuyện nợ nần. Bà Tài cho biết, bà Thúy tham gia đường dây hụi của bà. Trước khi “biến” khỏi địa phương ít ngày, bà Thúy đã hốt trọn 420 triệu đồng tiền hụi.

Nhiều người trong dây hụi nghe tin, đã kéo đến đòi tiền bà Tài. Vợ chồng bà đành phải bán nhà để trả nợ. “Quân chi ác quá. Đường cùng rồi, tôi phải bán nhà để trả lại cho người ta, chứ biết làm sao. Tôi đã đưa đơn lên công an nhưng không được giải quyết”, bà Tài cố kìm nước mắt.

Vu dan to bi lua hang tram ty dong: Dan hoang mang vi khong duoc bao ve
Bà Đỗ Thị Tài (52 tuổi) vừa rửa chén bát, vừa tâm sự với chúng tôi tại quán phở của hai vợ chồng trong hẻm 61 đường số 1, P.10, Q.Tân Bình - Ảnh: Nam Anh

Thấy vợ nghẹn ngào, ông Lê Văn Hiệp (50 tuổi) lo vợ lại trở bệnh sau cú sốc này: “Bả bị tai biến liệt nửa người, phải nằm ở nhà cả năm trời. Vừa khỏe một chút ra buôn bán trở lại thì xảy ra chuyện này”.

Hoàn cảnh của bà T.T.T.H. (39 tuổi) còn bi đát hơn. Bà dành dụm được hơn 400 triệu đồng, định về Đức Hòa, Long An cất nhà sinh sống. Lấy lý do “xây nhà đâu cần tiền mặt một lúc”, bà Thúy tìm đến thuyết phục bà H. gửi số tiền đó cho mình, với cam kết “làm nhà đến đâu, Thúy sẽ trả vốn cộng lãi đến đó để thanh toán chi phí xây cất”.

Bà H. còn cả tin đem năm cuốn sổ đỏ các miếng đất của bà thế chấp ngân hàng được 1,2 tỷ đồng gửi luôn cho Thúy. Đến ngày 25/8, vợ chồng Thúy cuốn gói “chạy” mất, bà H. ôm quả đắng khi tiền thì mất, nhà thì mới xây được… bốn cây cột.

Các nạn nhân khác có quan hệ mua bán sợi với công ty Thúy Sơn còn cho biết một thủ đoạn chiếm dụng vốn khác của hai vợ chồng này. Theo bà T.A., ngoài hơn 10 tỷ đồng vay của bà, khi bỏ trốn, Thúy Sơn còn chiếm đoạt hơn bốn tỷ đồng tiền mua sợi dệt. Bà T.A. giải thích, Thúy Sơn đưa ra “chính sách” hễ ai chồng tiền trước thì sẽ được ưu tiên lấy sợi giá rẻ hơn thị trường. Khi trốn đi, Thúy Sơn vẫn còn nợ bà T.A. tổng cộng bốn tỷ đồng mà bà đã trả trước.

Một thợ dệt gia công ở Bảy Hiền cũng “ăn quả lừa” của Thúy Sơn. Theo chị L., một chủ hàng đặt bà Thúy giao ba tấn sợi cho chị dệt gia công. Lấy lý do nhà chị L. chật, nên ngày 19/8, bà Thúy chỉ giao 1,2 tấn sợi nhưng đề nghị chị ký khống hóa đơn xác nhận đã giao đủ ba tấn để Thúy lấy đủ tiền từ chủ hàng. Cuối cùng, chị L. phải bồi thường 1,8 tấn sợi còn lại, trị giá gần một trăm triệu đồng cho chủ hàng.

Một tiểu thương tại chợ Bà Hoa gần đó cho biết, Thúy còn nợ chị hơn 30 triệu đồng tiền gạo. Chủ cây xăng nơi xe Công ty Thúy Sơn thường đỗ cũng cho biết, công ty Thúy Sơn còn thiếu cây xăng hơn 70 triệu đồng.

Phường mời nhưng chủ doanh nghiệp không đến

Ngay sau khi vụ việc được đưa ra công luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Anh Quốc - Chủ tịch UBND P.11, Q.Tân Bình. Ông Quốc cho biết, từ ngày 29/8 đến 5/9, có 34 trường hợp người dân tố cáo công ty Thúy Sơn với công an phường; các trường hợp gửi đơn tố cáo cho biết vợ chồng Thúy - Sơn đã chiếm đoạt tổng cộng gần 165 tỷ đồng, 174 lượng vàng SJC, 175 chỉ vàng SJC, 53.000 EUR và 214.000 USD.

Phường đã chuyển hồ sơ lên Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Tân Bình và cơ quan này đã thông báo có những trường hợp thuộc tranh chấp dân sự, không thụ lý. “Chúng tôi sẽ mời những trường hợp này, gồm năm người chơi hụi và sáu chủ nợ, cùng vợ chồng Thúy Sơn lên phường để hòa giải hai lần. Căn cứ các đơn của người dân, sau hai lần, nếu hòa giải không thành, chúng tôi sẽ chuyển lên TAND quận”, ông Quốc nói.

Trả lời câu hỏi rằng phường sẽ gửi giấy mời cho bà Thúy, ông Sơn bằng cách nào và nếu họ không có mặt thì giải quyết ra sao, ông Quốc nói: “Phường cũng chỉ biết niêm yết thư mời trước cửa nhà họ; nếu họ không đến, sẽ lập biên bản vắng mặt sau hai lần. Sau đó, phường sẽ hướng dẫn người dân gửi đơn kèm biên bản này lên tòa. Tòa có thể chuyển cho Viện KSND hoặc cơ quan điều tra để củng cố thêm hồ sơ vụ việc”.

Người dân cho biết, chiều 5/10, bà Thúy và ông Sơn đã không có mặt theo giấy mời của phường. Chủ tịch cùng cán bộ tư pháp phường đã tiếp 11 người dân và cho biết sẽ gửi thư mời lần 2.

Dân sự hóa một vụ án hình sự?

Khi trao đổi với lãnh đạo P.11, chúng tôi cũng đã đề cập nội dung tố cáo liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng công an P.11 - rằng bà này có quan hệ thân thiết với vợ chồng Thúy, Sơn và có dấu hiệu bao che (như việc bà Bình phủ nhận việc “bỏ trốn” của hai vợ chồng này, cho rằng họ chỉ “đi khỏi địa phương” và bà Bình hiện vẫn nói chuyện qua điện thoại với bà Thúy), ông Quốc cho biết, trong buổi làm việc về vụ công ty Thúy Sơn, khi đề cập đến các dư luận trên, bà Bình chưa trả lời cho lãnh đạo phường.

Làm việc với báo chí, đại úy Nguyễn Mai Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Tham mưu Công an Q.Tân Bình - cho rằng, vụ việc đang trong quá trình điều tra xác minh, không thể cung cấp thông tin, công an sẽ có văn bản trả lời cho các báo. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, cơ quan điều tra đang tiếp tục thu thập thêm chứng cứ, xem xét khả năng có khởi tố vụ án hay không.

Luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty luật TNHH Thế Giới Luật Pháp (TP. HCM) - cho rằng, cách giải quyết vụ việc của chính quyền và cơ quan chức năng đang cho thấy dấu hiệu cố tình muốn dân sự hóa một vụ án hình sự.

Thứ nhất, việc UBND P.11 mời dân lên làm việc với công ty Thúy Sơn để “hòa giải” trong hoàn cảnh này hoàn toàn không đúng chức năng, không đúng nguyên tắc. Bởi khi thấy có dấu hiệu phạm tội, phường phải có trách nhiệm chuyển đơn, kiến nghị của người dân về vụ việc này đến cơ quan điều tra.

Thứ hai, cho đến lúc này, việc ông Sơn, bà Thúy có đến trình diện với UBND phường hay công an cũng không đồng nghĩa với việc ông bà này không bỏ trốn và không khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bởi việc bỏ trốn mà điều 140 Bộ luật Hình sự quy định là bỏ trốn chủ nợ chứ không phải bỏ trốn công an hay bất kỳ bên thứ ba nào khác. Trong trường hợp vợ chồng ông Sơn, bà Thúy trở về thì họ có nghĩa vụ chứng minh thời gian qua các chủ nợ không thể liên lạc được với họ là do trở ngại khách quan nào.

Nếu không chứng minh việc các chủ nợ không liên lạc được với mình là do trở ngại khách quan thì rõ ràng ông Sơn, bà Thúy đã có hành vi bỏ trốn và đã cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 140.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI