Vụ dân nhận hỗ trợ bò bị lở mồm long móng: Đã cấp bù 19 con bò cho các hộ dân nghèo.

22/03/2024 - 17:19

PNO - Đơn vị cung ứng bò đã cấp bù 19 con bò cho các hộ dân tham gia gói hỗ trợ bò giống cho hộ gia đình đăng ký thoát nghèo năm 2022.

Ngày 22/3, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) xác nhận, đơn vị cung ứng bò đã cấp bù 19 con bò cho các hộ dân tham gia gói hỗ trợ bò giống cho hộ gia đình đăng ký thoát nghèo năm 2022.

Đây là gói hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 tại huyện miền núi A Lưới (Chương trình 1719). Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới là đơn vị được giao làm chủ đầu tư gói hỗ trợ này.

Gói hỗ trợ bò giống này có 70 hộ/11 xã của huyện A Lưới tham gia, với số lượng 140 con bò được cấp. Công ty TNHH Thương mại Bình An (Gia Lai) là đơn vị cung ứng giống bò.

Tham gia chương trình, các hộ nghèo được hỗ trợ bò sẽ phải đối ứng kinh phí làm chuồng trại, đảm bảo diện tích trồng cỏ tối thiểu 250m2/con để làm thức ăn chăn nuôi theo quy định.

Theo ông Nguyễn Đức Phú - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới do dịch bệnh xảy ra trong thời điểm còn bảo hành, nên việc cấp đổi lại cho người dân do doanh nghiệp cung ứng bò chịu trách nhiệm. Ngoài ra, kinh phí mua thuốc điều trị cho số bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng cũng do doanh nghiệp này đảm nhận.

Đơn vị cung ứng bò đã cấp bù 19 con bò cho các hộ dân tham gia gói hỗ trợ bò giống
Đơn vị cung ứng bò đã cấp bù 19 con bò cho các hộ dân tham gia gói hỗ trợ bò giống

Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, huyện đang xây dựng thương hiệu bò vàng A Lưới nhưng cơ quan chức năng lại nhập bò từ các địa phương khác để cấp cho dân, dẫn đến bò khó thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số người dân phản ánh bò dự án cấp phần lớn gầy gò, ốm yếu trông như "sắp chết đói"?!

Về những vấn đề trên, ông Phú cho rằng, việc đấu thầu diễn ra công khai, rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia, nên doanh nghiệp nào bỏ thầu thấp nhất thì đơn vị đó trúng.

"Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, chúng tôi chỉ làm theo quy định pháp luật. Khi xây dựng hồ sơ đấu thầu, mình có dự kiến đưa cụm từ ưu tiên chọn bò miền Trung, nhưng đưa lên hệ thống đấu thầu sai quy định nên phải gạt ra", ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, cho đến nay, cơ quan thú y vẫn chưa xác định được nguyên nhân mầm bệnh từ đâu khiến đàn bò dự án cấp cho người dân bị nhiễm bệnh hàng loạt.

Đối với phản ánh bò gầy gò, ốm yếu, vị này cũng phân bua rằng, có thể do tập quán chăn thả tự nhiên, cùng ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn trông chờ, ỷ lại, dẫn đến việc chăm sóc chưa tốt.

Đơn cử như tại xã Trung Sơn (xã có số bò nhiễm bệnh nhiều nhất - PV), quy định người dân được hỗ trợ bò phải đảm bảo diện tích trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi theo quy định, nhưng nhiều người lại không thực hiện.

Trươc đó, ngày 19/12, Báo Phụ nữ TPHCM có bài phản ánh: Dân khổ vì bò hỗ trợ cho hộ nghèo bị lở mồm long móng, phản ánh câu chuyện đàn bò cấp cho các hộ nghèo ở huyện A Lưới thuộc Chương trình 1719 bị lở mồm long móng.

Dự án cấp bò do Chương trình 1719 hỗ trợ, giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới làm chủ đầu tư, phối hợp với UBND các xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới để cấp phát 140 con bò cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI