PNO - Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này? Được biết, ngoài sai phạm của UBND Q.2 trong việc thu hồi đất trái quy định, còn có trách nhiệm của Sở Xây dựng (XD).
Gia đình bà Trường vui mừng sau khi tòa tuyên án ngày 22/6
Liên quan đến việc Công ty cổ phần bất động sản Sơn Kim (CT Sơn Kim) thi công dự án Gateway Thảo Điền ở P.Thảo Điền, Q.2 trên đất chưa đền bù của bà Nguyễn Thị Trường (số 175 xa lộ Hà Nội, P.Thảo Điền, Q.2) và sáu hộ dân khác, ngày 22/6, TAND Q.2 đã đưa vụ kiện hành chính giữa bà Nguyễn Thị Trường và UBND Q.2 ra xét xử sơ thẩm lần thứ tư. Kết thúc phiên xử, TAND Q.2 đã tuyên buộc UBND Q.2 hủy quyết định thu hồi 675,7m2 đất trái pháp luật đối với gia đình bà Trường; đồng nghĩa với việc dự án Gateway Thảo Điền của CT Sơn Kim phải trả đất lại cho người dân.
Chính quyền lẫn doanh nghiệp đều sai
Tại buổi xét xử, bà Trường cho rằng, dù dự án Gateway Thảo Điền là dự án kinh doanh, phải bồi thường theo giá thị trường, nhưng khi thực hiện dự án, CT Sơn Kim không chịu thương lượng bồi thường với gia đình bà. Ngày 19/10/2010, UBND Q.2 lại ra Quyết định (QĐ) số 13672/ QĐ thu hồi đất của gia đình bà. Bà khiếu nại nhưng quận không giải quyết. Sau đó, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 áp giá bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp và cưỡng chế thu hồi 675,7m2 đất của gia đình bà, giao cho CT Sơn Kim thi công dự án. Bức xúc, bà Trường khởi kiện UBND Q.2.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện UBND Q.2 phản bác ý kiến của gia đình bà Trường, cho rằng, đây là dự án Nhà nước thu hồi đất. Quận cưỡng chế thu hồi và áp giá đền bù theo đơn giá quy định của Nhà nước ban hành là đúng. Đại diện CT Sơn Kim thì khẳng định đã nhiều lần gửi thư mời gia đình bà Trường đề nghị thương lượng nhưng gia đình bà Trường không chịu. CT cũng nhiều lần cử người đến tận nhà bà Trường đề nghị thương lượng nhưng gia đình không tiếp xúc.
Thế nhưng, khi HĐXX truy hỏi bằng chứng thì đại diện CT Sơn Kim không cung cấp được và cuối cùng cho là chỉ đến tiếp xúc… miệng. HĐXX đề nghị đại diện UBND P.Thảo Điền cho biết đã mời gia đình bà Trường đến thương lượng bằng cách nào? Ai nhận thư mời? Có bằng chứng không? Đại diện UBND P.Thảo Điền cũng thừa nhận: “Không có mời”. Bất ngờ đại diện CT Sơn Kim tuyên bố: “CT Sơn Kim không có trách nhiệm thương lượng bồi thường với người dân. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, thẩm phán Lê Thị Thúy Hoa - chủ tọa phiên tòa, kết luận: “Dự án Gateway Thảo Điền là dự án kinh doanh, được cơ quan chức năng thông báo cho phép đầu tư năm 2008, được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2009. Tuy nhiên, thời điểm này, dự án chưa được xét duyệt đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Đến ngày 16/5/2014, dự án mới được duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Đồng thời, tại văn bản 199, UBND TP.HCM đã quy định rõ, CT Sơn Kim có trách nhiệm hoàn tất thương lượng bồi thường, nhưng CT lại không thực hiện việc này. Tất cả những bằng chứng CT cung cấp cho tòa không thể hiện việc có thương lượng với người dân. Về phía UBND Q.2, việc áp giá đất nông nghiệp để đền bù cho người dân mà không tiến hành thẩm định giá là sai quy định. Vì vậy, HĐXX quyết định, buộc UBND Q.2 hủy bỏ quyết định số 13672/QĐ về việc thu hồi 675,7m2 đất của gia đình bà Trường”.
Khách hàng thiệt hại, ai chịu trách nhiệm?
Quyết định của tòa án cũng đồng nghĩa với việc dự án Gateway Thảo Điền của CT Sơn Kim phải trả đất lại cho người dân. Trong khi đó, 675,7m2 đất trên phần lớn nằm ở mặt tiền xa lộ Hà Nội, chủ yếu được dùng để làm công viên của dự án.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP.HCM, nếu sau thời hạn luật định mà các bên không kháng cáo, viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án có hiệu lực, lúc này vụ việc sẽ khá phức tạp nếu bảy hộ dân khởi kiện dân sự CT Sơn Kim đòi lại quyền sử dụng đất đang bị chiếm hữu. Trong trường hợp này, có thể dự án Gateway Thảo Điền không còn mặt tiền xa lộ Hà Nội. Một phần tiện ích của dự án bị thu hẹp nên giá trị căn hộ bị giảm sút theo, những khách hàng đã mua căn hộ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng về giá trị tài sản mà mình đã mua.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này? Được biết, ngoài sai phạm của UBND Q.2 trong việc thu hồi đất trái quy định, còn có trách nhiệm của Sở Xây dựng (XD). Dù trước đây báo Phụ Nữ đã liên tục có ba bài viết: “CT Sơn Kim thi công trên đất chưa… đền bù” ngày 20/11/2015; “Chủ đầu tư được chính quyền ưu ái” ngày 7/12/2015 và “Ai “bật đèn xanh” cho CT Sơn Kim thi công ẩu?” ngày 13/1/2016, nhưng các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ cho CT Sơn Kim thi công.
Cụ thể, chính Sở Xây dựng đã “ưu ái” cho CT Sơn Kim trái quy định. Dù QĐ 147 của Sở này ban hành, nêu rõ: “Dự án chỉ được khởi công xây dựng sau khi chủ đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất và xây dựng đường Lê Thước nối dài ra xa lộ Hà Nội”, nhưng CT Sơn Kim chưa thực hiện việc này, Thanh tra Sở XD vẫn cho khởi công dự án. Tiếp theo, CT chưa thực hiện xong việc thương lượng bồi thường, Sở XD vẫn cho CT huy động vốn thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán.
Việc “ưu ái” trái luật của UBND Q.2 và Sở XD đã khiến khách hàng phải gánh chịu hậu quả hôm nay. Đây là bài học cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và xử lý sai phạm tại các dự án. Theo luật sư Chánh, khi 675,7m2 đất này bị thu hồi, khách hàng sẽ khó yêu cầu hủy hợp đồng mua bán trước đó vì phần đất này không nằm trong đất đang xây dựng căn hộ mà thuộc đất công viên trong dự án. Lúc này, khách hàng chỉ có thể khởi kiện chủ đầu tư đề nghị bồi thường thiệt hại do một phần tiện ích dự án đã bị thu hẹp, không đúng như thỏa thuận khi ký hợp đồng mua bán trước đây.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.