Từ ý tưởng về hành trình đến giá treo cổ
Đạo diễn kiêm biên kịch Lars von Trier cho biết, ông viết Dancer in the Dark (tạm dịch: Vũ nữ trong bóng tối) “với ý tưởng ban đầu về một cuộc hành quyết”. Điều đó đưa đến dự đoán chiếc bóng đèn sáng tạo sẽ thắp sáng khoảnh khắc trước và sau cuộc hành quyết đó. Vì người bị hành quyết cũng là nhân vật nữ chính nên ta có thể mường tượng sức nặng của câu chuyện có thể sẽ được dồn đẩy về phía trước, trước khi nhân vật bước lên bục phán xử.
Phim lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ của bang Washington, Mỹ, năm 1964. Chuyện phim kể về Selma Jezková - một phụ nữ cộng hòa Séc di dân đến Mỹ làm công nhân nhà máy. Selma mắc chứng thoái hóa thị giác di truyền và tình trạng của cô đang đi dần đến ngưỡng bị mù. Selma là mẹ đơn thân và đang nuôi dạy đứa con trai 12 tuổi.
Vì không muốn một ngày nào đó thị giác của con trai cũng bị thoái hóa dẫn đến không còn khả năng nhìn thấy như mình, Selma nỗ lực làm việc để tiết kiệm tiền đưa con trai đi phẫu thuật. Cô không tiết lộ bí mật này với ai.
Một ngày nọ, Bill - chủ nhà của cô, vốn là viên chức cảnh sát địa phương - đến chơi và cho Selma biết vợ chồng anh đang rơi vào túng quẫn vì sở thích tiêu xài hoang phí của vợ anh. Anh thậm chí muốn tự sát mà không dám. Selma an ủi Bill và cũng chia sẻ lại bí mật của cô, rằng cô sắp không thể nhìn thấy được gì.
Trước khi ra về, Bill đã nán lại và biết được chỗ Selma cất tiền. Anh đã “mượn tạm” số tiền này hôm sau, khi Selma đi vắng. Đó cũng là lúc Selma nhận quyết định thôi việc vì điều kiện thị giác của cô không thể giấu giếm lâu hơn.
Mất việc, không thể có nguồn thu để tiết kiệm nhiều hơn, Selma quyết định lấy hết số tiền cô có mang đến bệnh viện làm thủ tục phẫu thuật cho con trai. Phát hiện tất cả tiền trong hộp đã không cánh mà bay, cô qua nhà Bill đòi lại. Trong lúc 2 người giằng co, án mạng xảy ra. Và Selma đối mặt với án tử.
|
Với vai diễn ấn tượng trong phim Dancer in the Dark, nữ ca sĩ Björk đã nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Cannes 2000 |
Một bài ca buồn
Bộ phim là sự kết hợp của 2 nghệ sĩ đặc biệt tài năng: đạo diễn người Đan Mạch Lars von Trier và diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ người Iceland Björk. Vai diễn đầu tay trong phim này đã giúp Björk giành được giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2000. Năm đó, phim cũng giành giải Cành cọ vàng Bộ phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes.
Với bài hát I’ve Seen It All (tạm dịch: Tôi đã nhìn thấy tất cả), Björk đồng thời nhận được đề cử Oscar 2001 ở hạng mục Âm nhạc và bài hát gốc xuất sắc nhất, chia sẻ cùng với Lars von Trier và Sjón. Đó là một bài hát buồn, giống như câu chuyện cuộc đời Selma cũng là một câu chuyện quá buồn.
Selma không dám đón nhận tình yêu của đời mình chỉ để lo cho con. Tất cả những gì cô làm là vì đứa con trai yêu quý. Selma cũng có niềm vui đối với nhạc kịch. Cô thích nhảy múa và hát lên những giai điệu. Bản thân Selma có sẵn giai điệu. Đó là thế giới mộng mơ của một tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên.
Niềm vui của Selma vô cùng giản dị. Cô thích làm việc. Cô lắng nghe được âm điệu và vẻ đẹp của nhịp sống lao động ở nhà máy. Cô có người bạn thân và một người đàn ông chân thành luôn ở đó vì cô. Thi thoảng, Selma đi tập văn nghệ và đi coi phim nhạc kịch dù hầu như cô chẳng nhìn thấy được gì.
Bi kịch xảy đến với Selma không phải là loại bi kịch đột ngột mà đó là bi kịch của ánh sáng dần dần tắt đi, một cuộc đời dần dần khép lại. Bản thân Selma không phải là một người mạnh mẽ, sáng suốt. Selma là cô gái hơi khờ, đến nỗi con trai cô từng thốt lên: “Sao mẹ chỉ nói đi nói lại những câu ngớ ngẩn”.
Selma nỗ lực sống và làm việc nhưng không phải vì cô, cho riêng cô. Chính vì không có được sức mạnh tự thân một cách vững vàng nên khi tai họa ập đến, Selma khó lòng chống đỡ. Những bước đi cuối cùng đến giá treo cổ cũng là cô không thể tự cất bước, phải có người dìu đi.
Dù vậy, bản thân Selma lại có khả năng tỏa ra ánh sáng - ánh sáng của tình mẹ. Một người mẹ hết lòng lo cho con, vượt ra ngoài khả năng và điều kiện hạn hẹp của bản thân. Đó cũng chính là sợi dây neo giúp cô lần mò vượt qua bóng tối.
|
Phim có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Pháp Catherine Deneuve |
Tự thắp lên ánh sáng của sự cứu rỗi
Ngoài nhịp điệu chậm dần trên hành trình đến với giá treo cổ, bộ phim được kết cấu chặt như bức tường nhà giam, tạo cảm giác khá bức bối. May mắn là đạo diễn dùng trí tưởng tượng của Selma để “đi ra đi vào” so với thực tại. Điều này giúp tạo nên độ chênh giữa thực tại và trí tưởng tượng. Lực chênh này lớn hơn so với khuôn khổ của thực tại mà Selma đang đối mặt, do đó nó dễ dàng nới lỏng “bức tường xám cứng” của thực tại.
Nếu những bộ phim nhạc kịch khác thường dùng nhiều hiệu ứng để trở nên long lanh, lộng lẫy thì Dancer in the Dark chọn cách thể hiện mộc. Đạo diễn vẫn dùng màu sắc tươi sáng hơn trong những cảnh nhảy múa với trí tưởng tượng của Selma để tạo độ chênh khác biệt so với thực tại nhưng vẫn với mức độ chừng mực.
“Chúng tôi phải tăng màu ở những cảnh nhảy múa để làm cho mọi người cảm thấy có những cấp độ khác nhau trong phim. Tôi không hài lòng với điều này vì nó làm cho các cảnh nhảy múa trở lên lộng lẫy theo cách nông cạn hơn so với những gì tôi thực sự muốn nhưng nó cần thiết để tạo lớp lang cho phim.
|
Nếu những bộ phim nhạc kịch khác thường dùng nhiều hiệu ứng để trở nên long lanh, lộng lẫy thì Dancer in the Dark chọn cách thể hiện mộc |
Không nên lấy tiêu chuẩn Hollywood là phim nhạc kịch phải sáng. Nó nên đến từ việc ý tưởng của nhân vật chính là cuộc sống tươi đẹp ở bất cứ đâu. Không cần thắp sáng cảnh quay bằng ánh sáng điểm, ánh sáng xanh; không cần quay chậm hay bất cứ cái gì vì cuộc sống luôn tươi đẹp” - Lars von Trier chia sẻ.
Theo tinh thần này, phim được quay hầu hết bằng máy cầm tay, thỉnh thoảng cũng được gia cố thêm camera đối với những vật thể chuyển động như xe lửa hay xe đạp. Tuy nhiên, phim ít dùng các động tác máy tạo kịch tính hay phô diễn kỹ thuật.
Ngược lại, bằng cách tối giản sự can thiệp về mặt kỹ thuật, để câu chuyện hiện lên một cách tự nhiên, bản thân câu chuyện đã có vẻ đẹp của cuộc sống thực đang diễn ra. Vẻ đẹp này được ghi lại chân thực và đồng bộ ở nhiều góc cạnh. Đôi khi đoàn phim phải dùng đến hơn 100 camera mới ghi lại được hết sự toàn mỹ của vẻ đẹp nhịp nhàng, đa chiều ấy.
Phim tạo ra được mạch sống riêng. Đó là mạch sống ngầm khỏe khoắn và bay bổng trong tâm hồn một nữ công nhân lao động. Đồng thời, phim cũng để lại thật nhiều dư âm day dứt.
Trong bóng tối vô vọng, không hề có thiên đường đầy ánh sáng dành cho Selma. Cô đã chọn lấy, dành dụm tất cả ánh sáng của đời mình cho chính đứa con trai yêu dấu.
Yến Lê Yilly - Nguồn ảnh: Internet