Vụ con dâu "khai tử" bố mẹ chồng đang sống: Hoãn phiên tòa lần 5 vì bị đơn và nguyên đơn vắng mặt

23/07/2020 - 13:32

PNO - Ngày 23/7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục mở lại phiên tòa dân sự về vụ tranh chấp đòi nhà và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xảy ra tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội).

Đây cũng là phiên tòa liên quan đến vụ việc con dâu "khai tử" bố mẹ chồng để làm thủ tục kê khai di sản thừa kế rồi bán đất.

Theo đó vào năm 2005, chồng của bà Vũ Thị Viễn (64 tuổi, bị đơn) là ông Đỗ Mạnh Tiến qua đời. Bà Viễn đã đến phòng công chứng số 3 (TP. Hà Nội) thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế. Bà Viễn chỉ kê tên mình và 2 người con gái, còn bố mẹ chồng là ông Đỗ Văn Hợp (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị An (88 tuổi) - những người có quyền lợi hợp pháp ở hàng thừa kế thứ nhất - thì lại được kê khai là "đã chết" dù vẫn còn sống. 

Sau khi hoàn tất thủ tục kê khai để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Viễn đã bán toàn bộ thửa đất thừa kế cho chị H. (quận Ba Đình, TP. Hà Nội, là nguyên đơn của vụ việc).  Đến gần 10 năm sau, chị Mai - con gái của bà Viễn thông báo cho vợ chồng ông Hợp về việc mẹ mình đã hoàn tất thủ tục bán và sang tên sổ đỏ cho người khác. Lúc này vợ chồng ông Hợp mới biết mảnh đất mình chia cho con trai đã bị bán.

Giữa năm 2015, vợ chồng H. đến nhận nhà thì bị ông Hợp và người thân ngăn cản vì cho rằng việc vụ bán nhà, đất này là trái phép khi chưa có sự đồng ý của vợ chồng ông. Ông Hợp cũng cho biết, mảnh đất ông chia cho con trai cả từ năm 1998 nhưng chưa có quyết định chia thừa kế hay giấy cho tặng. 

Đầu năm 2017, vợ chồng chị H. làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch trên ra TAND Hà Nội. Phiên tòa được mở rồi lại hoãn liên tục cho tới nay kéo dài đã nhiều năm với 24 lần ở các cấp với nhiều lý do khác nhau.Trao đổi với phóng viên trước đó, người nhà ông Hợp cũng bày tỏ mong muốn phiên tòa được diễn ra suôn sẻ để đòi được quyền lợi cho hai vợ chồng già, dù đã gần 90 tuổi vẫn liên tục phải đến dự tòa.

Bà Vũ Thị An thể hiện sự mệt mỏi sau hàng chục lần dự tòa.
Bà Vũ Thị An thể hiện sự mệt mỏi sau hàng chục lần dự tòa

Trong phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết bị đơn đã gửi đơn và giấy tờ của bệnh viện để cáo ốm nên xin vắng mặt. Phía chị H. cũng xin không có mặt tại tòa vì lý do cá nhân. Ngoài ra các đơn vị liên quan đến vụ việc như đại diện phòng công chứng số 3, công chứng viên Nguyễn Thanh Tú cũng đều xin vắng mặt. Đặc biệt, HĐXX đã gửi giấy mời đại diện UBND phường Nhật Tân - đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc "khai tử" ông bà Hợp nhưng không có hồi đáp, vắng mặt không lý do. 

Nêu ý kiến tại tòa, bà Đỗ Thị Huyền - con gái của ông Hợp đề nghị HĐXX cần có biện pháp xác minh tình hình sức khỏe những người liên quan đến vụ việc và phải có mặt tại tòa vì đã nhiều lần vắng mặt không có lý do. "Bố mẹ tôi đã già mà còn phải đi đến các cơ quan chức năng hơn 100 lần trong nhiều năm qua để kêu cứu. Họ còn phải đến tòa để các cơ quan liên quan nhìn thấy bố mẹ tôi còn sống, không phải đã chết...", bà Huyền đề nghị.

Sau khi thảo luận, HĐXX cho rằng vụ việc này rất phức tạp nên cần xác minh thêm sức khỏe của nguyên đơn và bị đơn. Ngoài ra, do chưa nhận được phản hồi từ phía UBND phường Nhật Tân nên đã quyết định hoãn phiên tòa để có thời gian xác minh các vấn đề trên.

Vợ chồng ông Hợp tại phiên tòa mở lần thứ 5 của TAND TP. Hà Nội.
Vợ chồng ông Hợp tại phiên tòa mở lần thứ 5 của TAND TP. Hà Nội

Đánh giá về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cho rằng, để xảy ra chuyện bà Viễn kê khai bố mẹ chồng đã chết và được chấp thuận trên văn bản nhận di sản thừa kế, là có một phần trách nhiệm của cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân thời điểm đó.

Ngoài ra, văn bản nhường quyền di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế được lập và công chứng ngày 11/8/2008. Nhưng thông báo niêm yết công khai tại phường Nhật Tân lại từ ngày 4/7 đến ngày 4/8/2006, như vậy nghĩa là trước cả thời gian có văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Do vậy, việc này trái quy định về trình tự, thủ tục niêm yết công khai văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại khoản 3, Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.

"Như vậy cán bộ tư pháp phường đã có sai sót trong việc niêm yết công khai văn bản thừa kế, từ đó làm cơ sở để bà Viễn đăng ký sang tên nhà đất và chuyển nhượng sở hữu cho người khác", luật sư Cường nhấn mạnh.

Về vấn đề pháp lý liên quan đến lô đất, năm 2000, vợ chồng bà Viễn được cơ quan chức năng ở Hà Nội cấp sổ đỏ cho nhà và đất. Nhưng theo luật sư Đặng Văn Cường, vợ chồng ông Hợp cho rằng họ chưa chia thừa kế các tài sản này cũng không làm thủ tục cho tặng. Vậy việc cấp sổ đổ cho vợ chồng ông Tiến là không đúng đối tượng và sai trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của vợ chồng ông Hợp.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI