Vụ cô giáo nhéo tai, đánh học sinh: Cần có những hành động quyết liệt

07/10/2019 - 14:49

PNO - Nghề giáo không chỉ là một công việc, nó là trách nhiệm to lớn và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ trẻ nên cần có những hành động quyết liệt trước nạn bạo hành học đường.

Việc bạo lực học đường bằng lời nói hay hành động của giáo viên đều có những tác động nhất định đối với tâm lý của học sinh, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi.

Việc sử dụng bạo lực chỉ có thể chấm dứt hành động mà người lớn không mong muốn tại thời điểm đó, nhưng để lại những ảnh hưởng có thể mang nhiều tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của trẻ.

Cụ thể:

Một số trẻ trở nên sợ hãi, lo lắng thái quá khi phạm sai lầm hoặc khi thực hiện những hoạt động khác. Sai lầm không phải lúc nào cũng xấu, ở một góc độ nào đó nó giúp trẻ điều chỉnh hành vi qua các kinh nghiệm được rút ra. Nhưng lâu dần, tâm lý sợ sai có thể phần nào tạo ra rào cản khiến trẻ trở nên tự ti khi suy nghĩ hoặc quyết định hành động. Tự ti về năng lực học tập của bản thân, tự ti về năng lực giao tiếp xã hội... chấp nhận không làm để không sai.

Giáo viên là người có uy tín và sức ảnh hưởng lớn đến trẻ, nhất là trẻ tiểu học. Việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề hoặc giải tỏa cảm xúc khiến trẻ hiểu nhầm và học theo phương thức này khi trẻ gặp những vấn đề tương tự trong cuộc sống. Hành vi ứng xử của giáo viên chính là bài học sống động đối với từng cá nhân học sinh.

Nếu bạo lực học đường từ giáo viên lặp đi lặp lại ở một đứa trẻ nhiều lần, trẻ trở nên sợ hãi, bế tắc và cảm giác bị cách ly, bị phân biệt đối xử và không biết phải tự bảo vệ mình như thế nào. Khái niệm về sự công bằng ít nhiều bị hiểu sai lệch, ít nhất là trong môi trường lớp học.

Một đứa trẻ được dạy dỗ bằng bạo lực dù là tinh thần hay thể xác chưa bao giờ cảm thấy được yêu thương hay đủ lòng tin vào việc sẽ được bảo vệ.

Vu co giao nheo tai, danh hoc sinh: Can co nhung hanh dong quyet liet
Phụ huynh lén đặt máy quay và ghi được những hình ảnh cô giáo H. nhéo tai, đánh học trò liên tiếp nhiều ngày

Về nguyên nhân của nạn bạo hành học đường, có thể hiểu ở một số nguyên nhân như sau:

Không thể phủ nhận, quan điểm thương cho roi cho vọt hay kỷ luật cứng còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của một số giáo viên hiện nay. Nhận thức của thầy cô về hình thức kỷ luật chưa phù hợp, khi mà vẫn cho rằng phải đánh, phải la mắng thậm chí đem học sinh ra làm tâm điểm chê trách trước lớp đánh vào lòng tự trọng là một phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả. Chúng ta không ủng hộ điều đó, nhưng đáng buồn rằng nó vẫn tồn tại.

Thứ hai, tác động từ sự căng thẳng, áp lực của công việc và cuộc sống làm gia tăng cảm xúc tiêu cực, khi không quản lý được thì lại trút vào hình thức kỷ luật hoặc trách phạt học sinh.

Thứ ba, tôi mong và tin rằng rất ít thầy cô thực hiện việc đó dựa trên hành vi tính cách có sẵn, nghĩa là xu hướng bạo lực có từ phía nội tại của giáo viên đó.

Dù là nguyên nhân gì, điều quan trọng nhất chính là sự tác động về mặt ý thức. Nghề giáo không phải chỉ là một công việc, nó là trách nhiệm to lớn và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ trẻ nên cần có những hành động quyết liệt.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong các trường sư phạm về phương pháp giáo dục, tâm lý lứa tuổi và kỹ năng ứng xử sư phạm,..

Thứ hai, có những tiêu chí rõ ràng hơn trong quy định văn hóa ứng xử trong trường học, cụ thể về việc xâm phạm thân thể và tinh thần học sinh và ngược lại.

Thứ ba, giảm tải áp lực giảng dạy và có sự hỗ trợ tâm lý cho thầy cô trong nhà trường, đây là việc làm cần thiết vì nghề giáo là công việc nhiều áp lực.

Thứ tư, sự tôn trọng và phản ứng của phụ huynh cũng cần được quan tâm để tránh những tình huống khó xử và tổn thương cho các bên.

Thứ năm, nhà trường - giáo viên - phụ huynh thường xuyên có sự kết nối trao đổi tích cực và thiện chí trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt là những trẻ có hành vi chưa phù hợp. 

Thạc sĩ giáo dục Chế Dạ Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI