Vụ cô giáo lãnh 5 năm tù vì chiếm đoạt 45 triệu đồng: Chánh án TAND huyện nói gì?

05/05/2023 - 21:37

PNO - Dư luận cho rằng, với số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng thì mức hình phạt 5 năm với bà Dung là quá cao. Ông Lâm Quốc Tú - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên - cho biết vấn đề ở vụ án này là vì bà Dung không nhận sai.

Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, nơi bà Dung từng công tác - Ảnh: Phan Ngọc
Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, nơi bà Dung từng công tác - Ảnh: Phan Ngọc

Tối 5/5, ông Phạm Ngọc Thạch (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, gia đình ông đã gửi đơn xin bảo lãnh cho vợ ông là bà Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên) tại ngoại để chữa bệnh.

Theo ông Thạch, bà Dung có tiền sử bị đau dạ dày, mỡ máu cao, suy tim, rối loạn tiền đình, nên gia đình muốn xin cho bà được tại ngoại để điều trị.

Hôm 24/4, bà Lê Thị Dung vừa bị TAND huyện Hưng Nguyên tuyên phạt 5 năm tù giam vì tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điểm b, Khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự. Hiện bà Dung cũng đã có đơn kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. 

Hồi tháng 10/2012, bà Lê Thị Dung được Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên. Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2006.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian giữ chức Bí thư chi bộ, giám đốc, kiêm chủ tài khoản của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, bà Dung đã chỉ đạo kế toán, các tổ chuyên môn, công đoàn của trung tâm tham mưu, xây dựng quy chế hoạt động chuyên môn, quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012 - 2017.

Từ quy chế này, bà Dung đã thanh toán sai quy định pháp luật tổng số tiền hơn 44,7 triệu đồng (năm học 2014 - 2015 là hơn 30 triệu đồng, năm học 2015 - 2016 là hơn 13 triệu đồng) được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước theo số tài khoản của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Dung.

Các nội dung, bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn, kiểm tra, đã được thanh toán nhưng bà Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân là thanh toán trùng (thanh toán 2 lần) cho cùng một nội dung.

Cơ quan chức năng tiến hành khám xét phòng làm việc của bà Dung - Ảnh: CANA
Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của bà Dung - Ảnh: Công an Nghệ An

Ông Lâm Quốc Tú - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên - cho biết, bà Lê Thị Dung từng làm hội thẩm nhân dân TAND huyện Hưng Nguyên nhiều năm, tham gia xét xử nhiều phiên tòa từ năm 2012 đến năm 2017. 

Những ngày qua, dư luận cho rằng việc truy tố bà Dung ở khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự là nặng. Với số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng thì mức hình phạt 5 năm là quá cao. Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho biết, nếu hiểu như vậy là chưa đọc rõ, hiểu rõ về Nghị quyết 03 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Theo ông Lâm Quốc Tú, vấn đề ở vụ án này là vì bà Dung không nhận sai. “Bà Dung vẫn cho rằng mình đúng vì đã thông qua quy chế nội bộ rồi. Vì đã có quy chế nội bộ rồi nên việc thanh toán như vậy là đúng” - ông Lâm Quốc Tú nói.

Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho hay, trường hợp bà Dung thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền đã nhận gần 45 triệu đồng thì bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ, mức án hoàn toàn khác. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI