Vụ “chuyến bay giải cứu”: Doanh nghiệp tố bị ép đưa hối lộ

20/07/2023 - 19:27

PNO - Chiều 20/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” với phần tự bào chữa của bị cáo và bào chữa của luật sư.

Trong số này, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Master Life, bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù với cáo buộc đưa hối lộ cho 8 người với tổng số tiền 8,1 tỉ đồng.

Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu
Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

Theo lời trình bày, hành vi vi phạm của bị cáo Xa bắt đầu từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 6/2021, sau khi 2 chuyến bay trước đó doanh nghiệp đề xuất bị từ chối.

Bị cáo cho hay, hồ sơ xin cấp phép 2 chuyến bay đầu tiên được sự đồng ý của 3 bộ, còn 1 bộ chưa đồng ý. "Lúc đó bị cáo rất sốt ruột và nói rằng tháng 4 đã không được tổ chức chuyến bay rồi, đã phải bán nhà mua lại chuyến bay khác rồi mà cách 2 ngày trước khi bay lại tiếp tục diễn ra điều đó. Bị cáo rất lo lắng, gọi điện lên Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được trả lời rằng "có một chút vướng mắc bên Bộ Công an, em sang đó xem thế nào" - bị cáo Xa nói.

Sau đó, nữ giám đốc lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an, gặp bị cáo Vũ Sỹ Cường - cựu cán bộ Phòng Tham mưu A08 thì được xác nhận khó khăn đó là văn bản của công ty bị cáo bị từ chối vì lý do "sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả".

Bị cáo Xa tiếp tục làm việc với Vũ Sỹ Cường và được gợi ý "để giải quyết nhanh thì em nên làm việc theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì sẽ khó lắm". Không còn sự lựa chọn nào khác, bà Xa buộc phải đi xoay tiền để đáp ứng.

Nữ bị cáo cũng cho hay rất ấm ức vì lẽ ra giai đoạn đầu, sự đồng thuận phải là trách nhiệm của các bộ, ngành chứ không phải của mình. Đáng lẽ Cục Lãnh sự phải đi giải quyết vướng mắc chứ không phải doanh nghiệp.

"Bị cáo rất giận, giận lắm, giận Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì tại sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó và đến ngày hôm nay là nguyên nhân dẫn đến 1 loạt các sai phạm của bị cáo, là hành vi đưa tiền cho các cán bộ trong vô thức. Bị cáo không cảm nhận được điều đó, không có ý thức về việc đó nhưng lần đầu ép phải đưa rồi, lần sau cứ thể phải đưa thôi, như một thông lệ" - bà Xa nói.

Tiếp tục tự bào chữa, bị cáo Xa cho hay, những chuyến bay mình tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ ngồi nhưng trung bình có tới 10 hũ tro cốt được mang về. Khi hỏi tại sao không cấp phép cho doanh nghiệp mình thì bà nhận được câu trả lời "bên đó chưa cấp thiết".

"Vậy bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Những chuyến bay về có 10 hũ tro cốt của người chết vì tai nạn, vì dịch bệnh, vì nhiễm bệnh… mới chỉ là 10 thôi, nếu chuyến bay có 1 nửa trong số đó hay vài ba chục hũ tro thì như thế nào nữa, có thực sự cấp thiết không?” - nữ bị cáo nói trước tòa.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI